| Hotline: 0983.970.780

Thích ứng EUDR: Thách thức trong truy xuất chuỗi cung

Thứ Sáu 03/11/2023 , 10:45 (GMT+7)

Để tránh bất lợi trong phân loại rủi ro mất rừng của EUDR, chuyên gia Forest Trends kiến nghị Chính phủ đề xuất EU đánh giá mức độ theo từng ngành hàng.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

EU sẽ dán nhãn quốc gia theo mức độ rủi ro

Theo TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách Thương mại và Tài chính lâm sản, Forest Trends đã có những chia sẻ về câu chuyện cần chuẩn bị đối với Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU.

TS. Tô Xuân Phúc cho biết, theo EUDR, việc phân loại rủi ro đối với các quốc gia/vùng sản xuất của EU sẽ dựa trên các tiêu chí về tốc độ mất rừng và suy thoái rừng, tốc độ mở rộng diện tích đất nông nghiệp, xu thế sản xuất các sản phẩm chịu tác động.

Ngoài ra, EU có thể sử dụng thêm tiêu chí về thông tin từ cơ quan quản lý của các quốc gia; thông tin từ công ty, tổ chức phi chính phủ, bên thứ ba… về nỗ lực giảm phát thải. Các hiệp định, cơ chế quốc gia đã ký với EU nhằm chống phá rừng, việc tham gia các sáng kiến giảm phát thải, thị trường carbon và mức độ chia sẻ, phổ cập thông tin cũng là các yếu tố được EU căn cứ phân loại.

EUDR nêu rõ sẽ phân loại quốc gia hoặc vùng sản xuất cung cấp sản phẩm cho EU theo các nhóm “rủi ro cao”, “rủi ro trung bình” hay “rủi ro thấp”, dựa trên các tiêu chí và bằng chứng mà EU thu thập được về mối quan hệ giữa việc sản xuất hàng hóa với nguy cơ mất rừng.

Như vậy, EU sẽ áp dụng các tiêu chí để “dán nhãn” quốc gia hoặc vùng sản xuất trong nội bộ nước đó trước thời điểm đưa ra quyết định cuối cùng ngày 30/12/2024.

Việt Nam hiện có 3 mặt hàng: cà phê, cao su, gỗ nằm trong nhóm ngành hàng chịu tác động của EUDR. Ông Phúc nhìn nhận, động lực xuất khẩu, chuỗi cung ứng và nguy cơ mất rừng đối với mỗi mặt hàng này có sự khác nhau.

"Việt Nam sẽ ở vị thế bất lợi nếu EU lấy mặt hàng có độ rủi ro cao nhất về mất rừng làm cơ sở dán nhãn rủi ro quốc gia. Để tránh nguy cơ này, đòi hỏi đại diện các ngành hàng, các cơ quan quản lý cần trao đổi và hợp tác chặt chẽ nhằm thống nhất cách tiếp cận giữa các ngành hàng", TS. Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách Thương mại và Tài chính lâm sản, Forest Trends chia sẻ tại buổi trao đổi chiều 2/11. Ảnh: Phương Thảo.

TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách Thương mại và Tài chính lâm sản, Forest Trends chia sẻ tại buổi trao đổi chiều 2/11. Ảnh: Phương Thảo.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong trường hợp các ngành hàng có sự phát triển chênh lệch nhau về mức độ sẵn sàng đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, kiến nghị Chính phủ cân nhắc khả năng đề nghị EU phân loại rủi ro theo từng ngành hàng cụ thể, không tiến hành gộp chung khi dán nhãn rủi ro.

Ngoài ra, ông Phúc cũng kiến nghị các cơ quan quản lý rà soát, đánh giá chuỗi cung của 3 ngành hàng hiện tại, chủ động chia sẻ thông tin với EU về thực trạng của chuỗi cung của mỗi ngành, tăng cường hoạt động kiểm soát và truy xuất chuỗi, bảo vệ rừng tự nhiên.

"Đây là nguồn thông tin đầu vào quan trọng giúp EU đánh giá chính xác và khách quan mức độ rủi ro mất rừng tại quốc gia/vùng sản xuất. Thiếu các thông tin đầu vào này có thể dẫn đến kết quả Việt Nam bị xếp vào nhóm rủi ro cao. Điều này sẽ mang lại tác động tiêu cực lớn cho cả 3 ngành hàng nêu trên”, đại diện Forest Trends lưu ý.

Thách thức trong truy xuất chuỗi cung

3 ngành hàng quan trọng của Việt Nam hiện đang xuất khẩu vào EU bị xếp vào danh mục chịu tác động (cà phê, cao su, gỗ) có giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên tới gần 3 tỷ USD, tuy nhiên, chuỗi cung hiện tương đối phức tạp.

Cụ thể, chuỗi cung ngành gỗ có gần 4 triệu ha rừng trồng sản xuất, bao gồm gần 1,5 triệu ha của hơn 1 triệu hộ. Lượng cung gỗ rừng trồng mỗi năm trên 24 triệu m3, trên một nửa là từ các hộ gia đình.

Các mặt hàng sử dụng gỗ rừng trồng xuất khẩu vào EU gồm đồ nội, ngoại thất, ván gỗ. Hiện mới có 12% diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Chuỗi cung dài, bao gồm nhiều bên tham gia, khó truy xuất, đặc biệt đối với các diện tích không có chứng chỉ.

Diễn biến rừng và diện tích sản xuất 3 mặt hàng, giai đoạn 2010 - 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Diễn biến rừng và diện tích sản xuất 3 mặt hàng, giai đoạn 2010 - 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Chuỗi cung ngành cao su có khoảng hơn 900 nghìn ha, hơn một nửa số đó là cao su tiểu điền. Diện tích có chứng chỉ chiếm 14%, gần như toàn bộ là đại điền. Nguồn nhập khẩu từ Lào, Campuchia lớn, khó kiểm soát được tính hợp pháp, hiện không thể truy xuất, đặc biệt cao su có nguồn gốc từ tiểu điền.

Chuỗi cung cà phê có diện tích khoảng 700 nghìn ha, trên 90% là cà phê tiểu điền, mỗi hộ 2 - 3 mảnh đất. Diện tích có chứng chỉ chiếm khoảng 40%. Chuỗi cung cà phê thương mại chưa có chứng chỉ dài, phức tạp.

Theo Forest Trends, mặc dù rủi ro gây mất rừng có liên quan tới khâu sản xuất của 3 ngành hàng này không lớn, diện tích canh tác nhìn chung đã ổn định, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề về chuỗi cung làm cản trở tới khả năng truy xuất nguồn gốc.

Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro của EU theo quốc gia/vùng sản xuất trong tương lai, tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng cho EU.

Ngay sau khi Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU chính thức có hiệu lực ngày 29/6/2023, tháng 8/2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành Khung kế hoạch hành động thích ứng EUDR, tập trung vào tăng cường giám sát các vùng rủi ro cao, chủ động trao đổi với EU, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, rà soát bản đồ thực địa. Bộ cũng yêu cầu UBND các tỉnh triển khai Khung kế hoạch này.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...