| Hotline: 0983.970.780

Không để dân thiếu nước sinh hoạt

Chủ Nhật 07/04/2024 , 08:17 (GMT+7)

Trong khi nguồn nước dự trữ của người dân dần cạn kiệt, các đơn vị cung cấp nước đã có rất nhiều nỗ lực để người dân không phải thiếu nước sinh hoạt.

Người dân xã Giao Long đến nhận nước tại điểm cấo miễn phí của Công ty cổ phần Cấp nước sinh hoạt Châu Thành. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân xã Giao Long đến nhận nước tại điểm cấo miễn phí của Công ty cổ phần Cấp nước sinh hoạt Châu Thành. Ảnh: Minh Đảm.

Toàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy nước, công suất cấp 250.000 m3/ngày đêm. Các nhà máy chủ yếu xử lý nguồn nước mặt tại chỗ để cung cấp cho người dân sinh hoạt. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều sông, rạch trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị nhiễm mặn với mức độ khác nhau.

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Hùng, một hộ dân ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam phải chạy xe ba gác ra bến nước tại cầu Tân Huề, xã Tân Trung để mua nước ngọt do một người dân địa phương chở về từ thượng nguồn.

Theo ông Hùng, những năm qua người dân địa phương đã quá quen thuộc với tình hình nước mặn xâm nhập nồng độ cao. Hầu hết người dân nông thôn có điều kiện đều tranh thủ mùa ngọt trữ lại lượng lớn nước sinh hoạt trong các lu, kiệu để dùng vào mùa khô như thế này. Riêng đối với gia đình ông, do có trồng cây kiểng nên lượng nước cần dùng rất lớn. Cứ 3-4 hôm, ông lại mang xe đến đây để mua nước về tưới cây.

Trong khi nguồn nước ngọt dự trữ trong các lu, hồ… của người dân dần cạn kiệt, các đơn vị cung cấp nước đã rất nỗ lực để người dân không phải thiếu nước sinh hoạt trong những ngày nắng hạn gay gắt này. Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre đang quản lý 32 nhà máy nước. Do hệ thống thủy lợi chưa được khép kín nên các kênh, rạch bên trong vẫn bị nhiễm mặn nhưng với mức độ nhẹ hơn bên ngoài.

Bồn dự trữ nước ngọt sau khi lọc qua hệ thống R.O tại nhà máy nước Long Định (huyện Bình Đại) phục vụ người dân đến lấy về nấu ăn, uống. Ảnh: Minh Đảm.

Bồn dự trữ nước ngọt sau khi lọc qua hệ thống R.O tại nhà máy nước Long Định (huyện Bình Đại) phục vụ người dân đến lấy về nấu ăn, uống. Ảnh: Minh Đảm.

Để đảm bảo nước ngọt cho người dân sinh hoạt hàng ngày, các máy lọc R.O của Trung tâm cũng đã vận hành từ nhiều ngày nay để xử lý nước nhiễm mặn cung cấp cho người dân. Đến nay, các hệ thống lọc này vẫn cung cấp đủ lượng nước cho nhu cầu ăn uống của người dân và đã cấp được trên 844m3. Đồng thời, đơn vị thuê sà lan vận chuyển được hơn 5.000m3 nước ngọt từ thượng nguồn về cấp bổ cho hai nhà máy Long Định và Tân Hào.

Cũng theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trong phạm vi khai thác của Trung tâm có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Dự báo của các ngành chuyên môn, hạn mặn còn kéo dài khoảng 1 tháng nữa mới chấm dứt.

Độ mặn cao nhất đo được trong nguồn nước sau xử lý tại huyện Ba Tri dao động từ 1,0-5,5‰, khu vực huyện Bình Đại từ 1,5-4,8‰, khu vực huyện Thạnh Phú dao động từ 2,0-7,4‰, khu vực huyện Giồng Trôm dao động từ 2,3-7,4‰, khu vực huyện Mỏ Cày Bắc dao động từ 0,1-5,5‰, khu vực huyện Mỏ Cày Nam từ 0,8-3,1‰, khu vực huyện Châu Thành dao động từ 0,2-2,1‰.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre: Trung tâm đã hoàn tất ký hợp đồng vận chuyển nước bằng sà lan về nhà máy nước Phước Long và Lương Phú để xử lý, cung cấp cho người dân trữ nước phục vụ nhu cầu thiết yếu vào những ngày tới. Trung tâm đang lập hồ sơ mời gói thầu: Mua nước chưa qua xử lý, vận chuyển bằng sà lan cho 5 nhà máy nước (Tân Hào, Long Định, Phước Long, Lương Phú, Bình Khánh Đông) theo Quyết định số 633 của UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, kiểm tra công tác lấy nước ngọt dự trữ vào đập Thành Triệu (huyện Châu Thành). Ảnh: Huyền Trang.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, kiểm tra công tác lấy nước ngọt dự trữ vào đập Thành Triệu (huyện Châu Thành). Ảnh: Huyền Trang.

Đối với các địa bàn ven biển của tỉnh Bến Tre như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, do các trạm cấp nước đã nhiễm mặn, ngoài việc sử dụng nguồn nước dự trữ còn lại, người dân còn khai thác các mạch nước ngầm, đổi nước từ các dịch vụ chuyển nước ngọt với giá 30-50 nghìn đồng/m3.

Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri cho biết: “Tại xã, nguồn nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh cung cấp bị nhiễm mặn chưa tới 1‰, vẫn còn sử dụng tốt. Mấy năm nay, bà con cũng rất chủ động trong việc tích trữ nước ngọt, chỉ có một số nhà thiếu nước phải đổi thêm từ các máy cày chở đến, 2m3 khoảng 60 nghìn đồng”.

Nhận định hạn mặn còn diễn biến rất phức tạp, kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát từng xã, từng vùng dân sử dụng nước nhiễm mặn để có phương án xử lý giúp dân. Các nhà máy nước đảm bảo kết nối để có nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nơi nào bị nhiễm mặn mà không có điều kiện kết nối thì chở nước ngọt về cấp cho dân đủ nước sinh hoạt. Trong điều kiện khó khăn cung cấp nước vượt ngưỡng mặn cho phép thì vận động các doanh nghiệp, các nhà máy chia sẻ giảm giá cho dân.

Ngoài ra, cần tận dụng hết các máy R.O phát động khơi các giếng nước đã xây dựng mấy năm qua để phục vụ cho dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các địa phương tiếp tục nhân rộng, mở thêm nhiều điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân, cố gắng mỗi ấp một điểm cấp nước miễn phí.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.