| Hotline: 0983.970.780

Không để dịch sâu bệnh cây trồng chồng dịch Covid-19

Chủ Nhật 12/09/2021 , 20:35 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận đề nghị cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ hè thu và vụ mùa năm 2021.

Nhiều sinh vật gây hại trên cây trồng

Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Bình Thuận, hiện vụ lúa hè thu của tỉnh đã thu hoạch được 37.189 ha, còn 2.996 ha đang chín và thu hoạch, 2.427 ha đang trỗ - chín. Đối với lúa vụ mùa, bà con đã gieo sạ 14.742 ha, chủ yếu đang giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Bệnh đốm nâu trên cây lúa. Ảnh: NK.

Bệnh đốm nâu trên cây lúa. Ảnh: NK.

Tuy nhiên, hiện tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa khá phức tạp, như ốc bươu vàng đã gây hại với diện tích khoảng 849 ha, tăng 446 ha so với kỳ trước và tăng 600 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó 712 ha bị gây hại với mật số 2 - 3 con/m2 và 137 ha bị gây hại với mật số 3 - 5 con/m2, phân bố tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Thị xã La Gi.

Bên cạnh đó, có 536 ha bị bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ bệnh 5 - 10%, phân bố tại các huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; 110 ha bị bệnh bạc lá (cháy bìa lá) với, tỷ lệ bệnh 5 - 10%, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Bắc và Thị xã La Gi...

Đối với cây thanh long, hiện 4.829 ha bị bệnh đốm nâu (giảm 858 ha so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 4.316 ha bị bệnh với tỷ lệ bệnh 5 - 10% và 470 ha bị bệnh với tỷ lệ 10 - 20% và 13 ha bị bệnh với tỷ lệ hơn 20%.

Ốc sên gây hại trên cây thanh long. Ảnh: MH.

Ốc sên gây hại trên cây thanh long. Ảnh: MH.

Diện tích thanh long bị bệnh đốm nâu chủ yếu tập trung tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Thị xã La Gi và TP. Phan Thiết. Ngoài ra, còn 999 ha thanh long bị bệnh thán thư cành, quả với tỷ lệ bệnh 5 - 10% và 810 ha bị ốc sên gây hại với tỷ lệ 5 - 10%; 580 ha bị bệnh nám vàng cành với tỷ lệ bệnh 5 - 10%; 410 ha bị hệnh thối rễ tóp cành với tỷ lệ bệnh 5 - 10%.

Đối với cây mì (sắn) hiện 3.314 ha bị bệnh khảm lá virus, trong đó 613 ha bị bệnh nặng, với tỷ lệ bệnh hơn 40%. Bệnh phát sinh và gây hại trên vùng trồng khoai mì tại các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Thị xã La Gi.

Đối với cây bắp, hiện 196 ha bị sâu keo mùa thu gây hại, trong đó 107 ha, với tỷ lệ gây hại với mật số 2-4 con/m2; 55 ha gây hại với  mật số 4 - 8 con/m2 và 34 ha với mật số gây hại hơn 8 con/m2. Hiện bệnh sâu keo mùa thu phát sinh và gây hại trên cây bắp vụ hè thu ở giai đoạn chăm sóc – trỗ cờ tại huyện Hàm Thuận Nam.

Nhiều diện tích bị sâu keo mùa thu gây hại tại huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: NK.

Nhiều diện tích bị sâu keo mùa thu gây hại tại huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: NK.

Chi cục Trồng trọt –BVTV Bình Thuận khuyến cáo trong tuần tới, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt... tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa vụ hè thu.

Ốc bươu vàng, bọ trĩ... phát sinh gây hại trên lúa vụ mùa. Đối với cây thanh long, bệnh đốm nâu, bệnh thán thư, bệnh vàng cành, bệnh thối rễ tóp cành, ốc sên, rệp sáp, bọ trĩ... phát sinh và gây hại. Bệnh khảm lá virus tiếp tục phát sinh gây hại trên cây mì. Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên cây bắp tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc.

Không để "dịch chồng dịch" 

Để đảm bảo thu hoạch tốt cây trồng vụ hè thu và triển khai vụ mùa năm 2021 hiệu quả, tránh lây lan, phát triển của các sinh vật gây hại trên cây trồng, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi tình hình thu hoạch vụ hè thu và hướng dẫn triển khai sản xuất vụ mùa cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Cùng với đó, thực hiện công tác dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng để kịp thời để hướng dẫn, thực hiện công tác phòng trừ hiệu quả, không để bùng phát dịch trên diện rộng.

Trong đó, lưu ý đối với các dịch hại chính tại địa phương như: Bệnh đốm nâu, thán thư trên cây thanh long; bệnh khảm lá virus trên cây khoai mì; sâu keo mùa thu trên bắp; bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu trên cây lúa; bệnh thán thư, bọ xít muỗi, bọ đục chồi trên cây điều...

Nông dân đang nỗ lực chăm sóc lúa mùa. Ảnh: KS.

Nông dân đang nỗ lực chăm sóc lúa mùa. Ảnh: KS.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu phải cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại trên cây trồng để kịp thời chỉ đạo phòng, chống có hiệu quả; duy trì công tác thông tin, báo cáo theo quy định để phối hợp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra “dịch chồng dịch”.

Khuyến cáo nông dân chăm sóc, bón phân cân đối, tập trung để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (theo IPM) trên các loại cây trồng để đảm bảo đạt năng suất, chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng chống dịch Covid-19 để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng…

- Đối với cây lúa, tiếp tục khuyến cáo nông dân gieo sạ với mật độ phù hợp (100 - 120 kg/ha sạ hàng và không quá 150 kg/ha khi gieo thẳng), thăm đồng thường xuyên, điều tra phát hiện các loại dịch hại sớm để có biện pháp xử lý kịp thời các đối tượng dịch hại như đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn, rầy nâu và sâu cuốn lá.

Trong đó, đối với diệt ốc bươu vàng, cần tiến hành vét rãnh sâu trên ruộng hoặc cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ trứng rồi thu gom và tiêu diệt. Nếu mật số ốc cao, có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Metaldehyde, Niclosamide, Niclosamide-olamine, Saponin để phòng trừ.

Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây thanh long đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân. Ảnh: KS.

Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây thanh long đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân. Ảnh: KS.

- Đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận khuyến cáo nông dân thực hiện tốt “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Cục Bảo vệ thực vật. Với bệnh thán thư cành, quả thanh long cần tăng cường bón vôi, phân hữu cơ hoai mục và nấm đối kháng Trichoderma nhằm giúp cây sinh trưởng mạnh, chống chịu tốt với bệnh. Sử dụng thuốc hóa học để phun ngừa và luân phiên các nhóm thuốc như Propineb, Polyoxin complex, Chlorothalonil, Mancozeb...

Với bệnh thối rễ tóp cành thanh long, cần cào lớp vật liệu tủ gốc ra ngoài và xới nhẹ xung quanh gốc để loại bỏ những rễ bị thối ra khỏi bộ rễ, sau đó sử dụng thuốc trừ nấm bệnh hoặc thuốc trừ tuyến trùng tưới đều xung quanh gốc (tưới 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày). Sau 7 - 10 ngày, xử lý kích thích cây ra rễ bằng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, bón phân hữu cơ giàu acid humic kết hợp sử dụng phân bón qua lá. Đ

Với ốc sên hại thanh long, cần tiến hành vệ sinh vườn và dọn sạch cỏ dại vào mùa mưa, tẩm thuốc diệt ốc hoạt chất Metaldehyde với bông, trái, cám gạo... rồi đặt vào nơi ốc hay tập trung.

Khảm lá sắn vẫn đang diễn biến khá phức tạp tại các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Ảnh: TL.

Khảm lá sắn vẫn đang diễn biến khá phức tạp tại các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Ảnh: TL.

- Đối với cây mì, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm bệnh khảm lá virus để có biện pháp xử lý kịp thời. Các địa phương cần tuyên tuyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá virus hại mì” của Cục Bảo vệ thực vật cho nông dân biết để có biện pháp xử lý hiệu quả.

- Đối với cây bắp, các địa phương cần bố trí cán bộ thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm sâu keo, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc có hiệu quả.

Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận khuyến cáo: Hiện lúa hè thu vẫn còn một số trà đang ở giai đoạn đòng - trỗ, cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc. Các trà lúa còn lại đang ở vào giai đoạn dịch hại vẫn có thể tấn công, làm suy giảm năng suất.

Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tổ chức thăm đồng thường xuyên để hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời. Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, các địa phương phải tập trung vệ sinh đồng ruộng; đồngthời tiến hành làm đất kỹ mới tổ chức gieo trồng vụ mùa.

Việc gieo trồng phải tập trung đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng để phòng, chống và hạn chế tối đa rầy nâu và dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá. Cùng với đó, áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.