| Hotline: 0983.970.780

Không để doanh nghiệp, người dân phải ‘chạy đi chạy lại’ vì thủ tục hành chính

Thứ Tư 16/03/2022 , 19:40 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá các trình tự, thủ tục hành chính hiện nay còn nhiều vướng mắc ở ngay trong bộ máy quản lý Nhà nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Bộ NN-PTNT năm 2022 ngày 16/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Bộ NN-PTNT năm 2022 ngày 16/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tiết kiệm gần 219 tỷ đồng 

Ngày 16/3, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) năm 2022. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2021, ngành nông nghiệp về đích một cách ngoạn mục.

Cho dù phải đương đầu với những khó khăn, thách thức cố hữu nhiều năm của ngành nông nghiệp về hạ tầng, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư công, việc tái cơ cấu được thực hiện với nền nông nghiệp nhỏ lẻ…, ngành nông nghiệp vẫn có được những bước chuyển biến rất tích cực ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực CCHC.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2021, Bộ đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ và các đơn vị; hoàn thành xây dựng, kết nối 29/29 thủ tục tại 7 đơn vị; tiếp nhận 1,4 triệu hồ sơ điện tử và xử lý, cấp phép trên 1,3 triệu hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.  

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã ban hành danh mục thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực NN-PTNT. Rà soát, đơn giản hóa 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Cập nhật trên phần mềm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ với 159 quy định về thủ tục hành chính, 17 quy định về chế độ báo cáo, 423 quy định về yêu cầu điều kiện, 227 quy định về tiêu chuẩn quy chuẩn, 1.768 quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Bộ NN-PTNT đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 429/2.559 thủ tục hành chính, đạt 16,76%. Cắt giảm chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ 13,2%, tiết kiệm gần 219 tỷ đồng. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 44 văn bản văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Năm 2021, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận 1,4 triệu hồ sơ điện tử và xử lý, cấp phép trên 1,3 triệu hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm 2021, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận 1,4 triệu hồ sơ điện tử và xử lý, cấp phép trên 1,3 triệu hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cùng với đó, Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021 của Bộ.

Đồng thời, tổ chức rà soát, đề xuất phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ đạt 21,8%. Cụ thể: rà soát 348/348 thủ tục hành chính; đề nghị bãi bỏ, đơn giản hóa 24 thủ tục hành chính; đề nghị phân cấp 52 thủ tục hành chính; không đề nghị phân cấp 272 thủ tục hành chính.

Trong công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ phiên bản 2.0; hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. Triển khai Chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ và phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Bộ đã tích hợp giải pháp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ vào phần mềm xử lý chuyên ngành cho các đơn vị xử lý nghiệp vụ; Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã triển khai xây dựng 26 dịch vụ công mức độ 3,4; đến nay đã giải quyết hơn 13.000 hồ sơ.

Công tác CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: việc chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục tại một số cơ quan, đơn vị; tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, một số nội dung về cải cách thủ tục hành chính còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn bảo mật thông tin các cơ quan, đơn vị của Bộ chưa đồng bộ.

Quan tâm, chăm sóc hơn tới các doanh nghiệp nông nghiệp

Nhấn mạnh tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng lực lượng doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế. Nếu các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào nông nghiệp, không được chăm sóc, quan tâm thì nền nông nghiệp sẽ khó phát triển, trong bối cảnh việc đổi mới công nghệ còn chậm, nguồn vốn ít…

“Các trình tự, thủ tục hành chính hiện nay còn nhiều vướng mắc ở ngay trong bộ máy quản lý Nhà nước. Trách nhiệm của chúng ta trước doanh nghiệp và người dân là phải đưa ra hướng dẫn cụ thể, không để doanh nghiệp, người dân phải "chạy đi chạy lại" nhiều lần trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng việc cải cách các đơn vị sự nghiệp là một nội dung lớn. Giảm đầu mối là một tiêu chí, tuy nhiên giảm đầu mối nhưng phải tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

“Nếu có thể huy động được các nguồn lực chất lượng cao thì chắc chắn động lực tăng trưởng cho nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng sẽ rất lớn”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các trình tự, thủ tục hành chính hiện nay còn nhiều vướng mắc ở ngay trong bộ máy quản lý Nhà nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các trình tự, thủ tục hành chính hiện nay còn nhiều vướng mắc ở ngay trong bộ máy quản lý Nhà nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành CCHC, gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ CCHC được giao. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá chấm điểm kết quả thực hiện CCHC các cơ quan, đơn vị; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhiệm vụ CCHC tới cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tăng cường khảo sát sự hài lòng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính của Bộ. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Xây dựng Sổ ISO điện tử khối cơ quan Bộ; duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 của Bộ, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ. Tập trung nguồn lực tài chính đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kế hoạch CCHC năm 2022.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; xây dựng các chính sách, quy định pháp lý lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số. Hoàn thành việc tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

"Năm 2022, những khó khăn vẫn hiện hữu trước mắt. Công cuộc CCHC không chỉ dừng lại ở giai đoạn này, nhất là tại một đất nước đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với rất nhiều luật định còn đang chồng chéo. Để có thể xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp có vai trò là nền tảng, là trụ cột, nếu không tháo gỡ những vướng mắc CCHC thì tái cơ cấu sẽ khó để đạt được những mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đề ra”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.