| Hotline: 0983.970.780

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều

Thứ Năm 27/05/2021 , 08:00 (GMT+7)

Trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng nhiều phương án để đảm bảo sản lượng, chất lượng cho xuất khẩu vải thiều.

Bắc Giang và Hải Dương là hai địa phương có diện tích vải thiều lớn nhất cả nước. Trong những năm qua, chất lượng quả vải không ngừng được nâng lên, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong niên vụ 2021, khi vụ thu hoạch đang tới gần, cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trong cả nước và trên thế giới. Điều này đã khiến việc sản xuất, sơ chế, chế biến, xuất khẩu vải thiều gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng và đánh mất những thị trường tiềm năng của quả vải.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam. Ảnh: TL.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua, xuất khẩu vải thiều đi các thị trường khó tính trên thế giới.

Có thể thấy, vải thiều là loại quả có thời gian thu hoạch ngắn, bảo quản khó khăn. Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp nhiều năm thu mua, xuất khẩu vải thiều đi các thị trường khó tính, ông có thể cho biết trong năm 2021, Ameii Việt Nam đã có kế hoạch gì cho việc thu mua và xuất khẩu vải thiều?

Tiếp nối thành công việc xuất khẩu vải thiều trong năm 2020, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Công ty đã có sự chuẩn bị từ rất sớm cho niên vụ 2021.

Công ty đã cùng với rất nhiều hộ trồng vải ở Hải Dương và Bắc Giang sớm thống nhất quy trình sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Công ty cũng liên hệ rất sớm với các đối tác trên thế giới. Năm 2020, với thị trường Nhật Bản mới chỉ có 2 - 3 đơn vị đặt hàng vải thiều. Tuy nhiên, năm nay ngay từ đầu vụ, khi quả vải chưa cho thu hoạch đã có trên 10 doanh nghiệp Nhật Bản chủ động liên hệ với Công ty để có kế hoạch đặt mua vải.

Bên cạnh đó, Công ty cũng phối hợp với các đối tác đẩy mạnh việc truyền thông tại thị trường Nhật Bản thông qua các kênh mà các doanh nghiệp đang tương tác với khách hàng của họ.

Với thị trường Hàn Quốc, đã có nhiều đơn vị lên kế hoạch nhập vải cấp đông của Việt Nam. Thị trường Singapore cũng có thêm nhiều siêu thị liên hệ để đặt hàng vải thiều Việt Nam.

Ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều Việt Nam đang có xu hướng mở rộng ra nhiều thị trường ở các nước khác. Ảnh: TL.

Ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều Việt Nam đang có xu hướng mở rộng ra nhiều thị trường ở các nước khác. Ảnh: TL.

Được sự hỗ trợ của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Công ty đã đầu tư buồng hun khử trùng xông hơi Methyl Bromide, xử lý vải trước khi xuất khẩu sang thị trường các nước; mở rộng bến bãi, kho hàng, kho lạnh... sẵn sàng nâng cao sản lượng thu mua.

Theo dự kiến, trong niên vụ 2021, nếu không có biến động bất thường về các yếu tố liên quan tới dịch bệnh hoặc yếu tố bất khả kháng nào khác, sản lượng mà Công ty thu mua cũng như các đối tác đặt hàng tăng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Công ty đã xây dựng các kịch bản khác nhau, để khi có những biến động bất ngờ xảy ra vẫn có thể chủ động đưa ra phương án giải quyết.

Đến thời điểm này, các hợp đồng nguyên tắc với các đối tác đã được ký kết. Vì vậy, Công ty phải thông tin liên tục, cập nhật tiến độ với các đối tác, để khi có trường hợp xấu xảy ra có thể giảm rủi ro ở mức thấp nhất cho cả hai bên. Đồng thời, tối đa hóa được lợi ích cho người trồng vải, doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp nhập khẩu.

Nhìn chung, công ty đã có các phương án khác nhau, đảm bảo trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có thể tiến hàng việc thu mua vải thiều.

Ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều Việt Nam đang có xu hướng mở rộng ra nhiều thị trường ở các nước khác. Ông có thể chia sẻ thêm về cơ hội, cũng như các thị trường tiềm năng mà quả vải của chúng ta có thể “chen chân” vào?

Công ty Ameii Việt Nam có đối tác nhập khẩu vải trên 25 quốc gia, trong đó có những quốc gia chưa cho phép nhập khẩu quả vải tươi. Công ty đã chủ động đưa những thông tin giới thiệu trước, tiêu biểu như thị trường Hàn Quốc.

Vải thiều Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính thức sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên đây là thị trường khó tính, đòi hỏi các hộ sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Vải thiều Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính thức sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên đây là thị trường khó tính, đòi hỏi các hộ sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Hiện, nước này chưa có chính sách nhập khẩu vải tươi mà mới đặt hàng vải cấp đông. Tuy nhiên, đã có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến khảo sát, tham quan quy trình sản xuất, xử lý, đóng gói vải thiều tươi của công ty. Đồng thời bày tỏ sự ưa thích và kỳ vọng thời gian tới Hàn Quốc sẽ cho phép nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam.

Ngoài ra, có rất nhiều đối tác ở các thị trường khác cũng đã bày tỏ thiện chí, nếu nước bạn có chính sách cho phép nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam, thì sẽ có ngay số lượng đặt hàng với Ameii.

Riêng thị trường Nhật Bản, mặc dù vải thiều Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính thức sang thị trường này, tuy nhiên Ameii đã ký kết với các đối tác Nhật Bản trước đó 1 năm, với cam kết mỗi năm cung cấp 500 tấn vải, 1.000 tấn nhãn.

Như vậy, từ những thông tin đó, có thể thấy tiềm năng và nhu cầu của các thị trường ngoài Trung Quốc còn rất lớn. Công ty hi vọng, với chất lượng quả vải tươi của Việt Nam, cùng sự kiểm soát các quy trình, đảm bảo thời gian cách ly, dư lượng thuốc BVTV, dưới sự hướng dẫn từ Cục BVTV xuống đến các địa phương và sự tuân thủ nghiêm ngặt của người trồng, chúng ta sẽ cung cấp được nhiều hơn vải thiều tươi đến các thị trường khác nhau trên thế giới.

 Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.