| Hotline: 0983.970.780

Không để vật nuôi bị chết do dịch bệnh, đói rét

Thứ Ba 08/11/2022 , 09:17 (GMT+7)

Ngay từ những ngày đầu tháng 10, tỉnh Bắc Kạn đã lên kế hoạch phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi trước khi bước vào mùa đông năm nay.

Phòng chống rét cho trâu bò.00_01_32_10.Still002

Tập quán chăn thả là một trong những nguyên nhân dẫn tới gia súc tại tỉnh Bắc Kạn hay bị chết rét. Ảnh: Toán Nguyễn

Bài học từ thực tiễn

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông. Đặc biệt, những địa bàn vùng cao thuộc các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, Ba Bể, Pác Nặm và phía tây huyện Chợ Mới thường xuyên nền nhiệt xuống dưới 5 độ C, thậm chí ở mức trên dưới 0 độ C.

Việc thường xuyên xuất hiện băng giá, sương muối kèm theo mưa phùn khiến cho tình trạng vật nuôi bị chết do giá rét, thiếu thức ăn và bệnh tật trong thời điểm liên mùa đông xuân đã không còn là chuyện lạ nữa.

Đỉnh điểm là liên mùa đông xuân vào cuối năm 2008 và đầu 2009, cả tỉnh Bắc Kạn có tới 14.000 con trâu, bò, ngưa bị chết. Ngay trong vụ đông xuân năm 2021 - 2022, cũng có tới hơn gần 400 con bị chết. Tập trung chủ yếu tại huyện Na Rì (92 con), Ngân Sơn (82 con), Bạch Thông (57 con) và huyện Pác Nặm (44 con).

Trước đó, vụ đông xuân năm 2020 - 2021, trên toàn tỉnh có 514 con gia súc bị chết rét, trong đó có cả lợn. Những địa phương vùng cao kể trên vẫn nằm trong danh sách có gia súc bị chết nhiều nhất là huyện Ngân Sơn với 159 con, Na Rì 105 con, Pác Nặm 95 con. Đặc biệt, trong đợt này còn có 15 con lợn bị chết rét, đây là điều hiếm thấy bởi lợn thường được bảo vệ tốt do có chuồng trại.

Phòng chống rét cho trâu bò

Che chăn chuồng trại là biện pháp bảo vệ hiệu quả cho đàn vật nuôi trong những ngày giá rét. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn lý giải: Trước đây, việc trâu, bò bị chết là do tập quán chăn thả của người dân miền núi Bắc Kạn. Điều này khiến cho việc vật nuôi bị nhiễm mưa, lạnh, dẫn tới trâu, bò nhiễm các bệnh chủ yếu về hô hấp, hoặc đói, rét mà chết. Những năm vừa qua, tình trạng này đã giảm, đa phần người dân đã nhận thức được giá trị tài sản nên đã hạn chế thả rông trâu, bò, chuồng trại đã được che chắn, vệ sinh sạch sẽ và đã biết tích trữ nguồn thức ăn.

Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận vẫn còn tình trạng gia súc bị chết, rơi vào số ít những người chăn nuôi còn chủ quan phòng, chống rét, vẫn thả rông trâu, bò trong những ngày giá rét và thiếu nguồn thức ăn bổ sung để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.

Một lý do nữa là đội ngũ cán bộ nông lâm ở xã kiêm nhiệm nhiều việc, trình độ hạn chế nên việc nhắc nhở, đôn đốc chưa kịp thời, sâu sát dẫn tới nhiều hộ dân đã có gia súc bị chết rét, chết đói.

Là huyện vùng cao và có khí hậu lạnh giá nhất của tỉnh Bắc Kạn vào mùa đông và mùa xuân, đó cũng chính là lý khiến huyện Ngân Sơn luôn nằm trong danh sách có trâu, bò bị chết do liên quan tới giá rét hàng năm. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng thiệt hại về vật nuôi vào liên mùa đông xuân sắp tới, UBND huyện Ngân Sơn ban hành kế hoạch chi tiết cho vấn đề này.

Theo ông Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngân Sơn, huyện có những hướng dẫn rất cụ thể về từng vấn đề như chuồng trại, chế độ chăm sóc, chăn thả, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh với từng loại vật nuôi là trâu, bò, lợn, gia cầm.

Huyện Ngân Sơn cũng khuyến cáo liên quan tới phòng bệnh cho vật nuôi cụ thể như sau: Áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp đảm bảo an toàn dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng định kỳ và đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho từng loại vật nuôi. Đối với gia cầm (cúm gia cầm, niu cát xơn…); lợn (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn cổ điển); dê, cừu (lở mồm long móng, nhiệt thán); trâu, bò (lở mồm long móng, tụ huyết trùng).

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, hàng ngày cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch.

Phần lớn người chăn nuôi hiện nay đã biết chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Ảnh: Toán Nguyễn.

Phần lớn người chăn nuôi hiện nay đã biết chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Ảnh: Toán Nguyễn.

Lên kế hoạch từ sớm để hạn chế tối đa thiệt hại

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn là đơn vị tham mưu cho Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Bắc Kạn về các phương án phòng, chống rét và phòng bệnh xảy ra trong mùa đông 2022 và đầu xuân 2023 từ rất sớm. Khoảng tháng 10 hàng năm đã ban hành phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi tới các địa phương.

Theo ông Đỗ Xuân Việt, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn: Ngoài những văn bản chỉ đạo, việc kiểm tra thực tiễn là cần thiết và rất quan trọng. Đầu mùa đông, Chi cục thường tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Công tác dự báo thời tiết được thực hiện hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

14e70960251fe341ba0e

Chuồng trại kiên cố của một hộ chăn nuôi ở phường Huyện Tụng, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để giảm những thiệt hại cho vật nuôi, trước đó UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt phương án phòng, chống rét và các loại bệnh gây hại cho vật nuôi chuẩn bị bước vào mùa đông xuân năm 2022-2023. Với mục đích nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống rét, phòng bệnh cho vật nuôi.

Nhấn mạnh về công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống rét, chống đói và dịch bệnh cho vật nuôi. Yêu cầu người dân chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thức ăn, chuồng trại, con giống, kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là rét đậm, rét hại. Công tác phòng bệnh cho vật nuôi được đặc biệt quan tâm, hạn chế việc trâu, bò bị mắc bệnh sẽ càng làm giảm khả năng chống chịu với thời tiết lạnh giá.

Kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nhấn mạnh việc áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thực hiện tiêm phòng định kỳ và đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho từng loại vật nuôi. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, hàng ngày cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch.

Một số khuyến cáo bảo vệ đàn vật nuôi vào mùa đông

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn khuyến cáo, các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại cho phù hợp để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo, sạch sẽ và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ hoặc trấu khô để giữ ấm cho vật nuôi.

Người chăn nuôi cũng có thể sử dụng bóng điện công xuất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non.

Chính quyền địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời tới người chăn nuôi để có kế hoạch cụ thể bảo vệ đàn vật nuôi. Trong những ngày giá rét, áp dụng chế độ thả muộn, về sớm và không bắt trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Khi thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa và nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, đưa trâu, bò vào nơi nuôi nhốt để kiểm soát và tiến hành chăm sóc tại chuồng nuôi. Có thể dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bê nghé nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện có biểu hiện khác thường để kịp thời xử lý; không nhập gia súc, gia cầm non về nuôi trong thời gian này. 

Vận động người dân thu gom các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò trong mùa đông, như: Rơm, rạ; thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc…. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý, chế biến để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn.

Tận dụng diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất hoang, đất trống xung quanh vườn nhà để trồng cỏ, trồng ngô dày làm thức ăn cho trâu, bò. Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.