| Hotline: 0983.970.780

Không dùng phân hóa học, năng suất măng tây vẫn tăng gấp đôi

Thứ Sáu 17/05/2024 , 09:18 (GMT+7)

NINH THUẬN Không dùng phân hóa học, chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai cùng kỹ thuật canh tác 'thượng thừa', ông Hùng đã nâng năng suất măng tây xanh tăng gấp đôi quy trình thông thường.

Nhạy bén nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật và năng động trong sản xuất, lão nông Phạm Lê Hùng (64 tuổi ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã có nhiều sáng tạo trong mô hình trồng măng tây không dùng phân bón hóa học (phân vô cơ) mà năng suất vẫn đạt gấp đôi so với sản xuất thông thường.

Cách làm của ông khá đơn giản, chỉ là kết hợp giữa trồng măng và nuôi bò, sử dụng nguồn chất thải trong quá trình chăn nuôi để ủ phân hữu cơ bón cho cây, phụ phẩm từ cây măng tây xanh được dùng làm thức ăn cho bò.

Không chỉ sản xuất hoàn toàn hữu cơ, vườn măng của ông Hùng còn áp dụng đồng bộ nhiều kỹ thuật canh tác giúp cây măng cho năng suất, chất lượng vượt trội. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Không chỉ sản xuất hoàn toàn hữu cơ, vườn măng của ông Hùng còn áp dụng đồng bộ nhiều kỹ thuật canh tác giúp cây măng cho năng suất, chất lượng vượt trội. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Năm 2019, từ nguồn kinh phí của Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã triển khai xây dựng mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã Phước Hải, gia đình ông Hùng được nhận hỗ trợ để trồng 1 sào (1.000 m2­) thử nghiệm cây măng tây trên vùng đất mới. Thời điểm này, vùng đất này mới vỏn vẹn có 2 hộ trồng măng với diện tích 2 sào, đến nay sau hơn 5 năm đã có gần 100 hộ trồng với diện tích hơn 15ha (15.000m2).

“Mỗi sào măng tây xanh canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho ra trung bình 10kg măng/ngày, thời gian thu 3 tháng liên tục. Sau đó, cho cây măng nghỉ để phục hồi bộ rễ và rồi tiếp tục thu măng xoay vòng trong năm. Tùy theo cách thức canh tác, chăm sóc của mỗi hộ, vườn măng có khả năng cho thu hoạch từ 5 đến 10 năm.

Với vườn măng của gia đình ông Hùng, năng suất đạt kỷ lục 25kg/sào/ngày, năng suất này được duy trì liên tục trong 20 ngày thu măng, thời gian thu măng liên tục 4 tháng”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty Linh Đan chuyên thu mua măng tây xanh cho bà con trong tỉnh xuất khẩu đi thị trường nước ngoài cho biết.

Ông Hùng sáng tạo ra kỹ thuật chụp đầu măng, giúp cây măng phát triển tốt. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Ông Hùng sáng tạo ra kỹ thuật chụp đầu măng, giúp cây măng phát triển tốt. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Trước đây, khi chưa kết hợp giữa trồng măng tây xanh với nuôi bò, thu nhập từ độc canh cây măng khá thấp. Với sự năng động và quyết tâm phấn đấu vươn lên, ông Hùng đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi qua sách báo, mạng internet và tham quan thực tế sản xuất tại nhiều nơi để nghiên cứu, áp dụng những cách làm hay, phù hợp với điều kiện sản xuất của mình. Từ đó, ông có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc cây măng tây xanh.

Mỗi năm gia đình ông Hùng bón bổ sung thêm 10 tấn phân bò cho 3 sào măng. Ông mạnh dạn làm chuồng và nuôi nhốt 4 con bò để tận dụng nguồn phân. Từ đó, mô hình nông nghiệp tuần hoàn được hình thành. Ông tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất măng làm thức ăn cho bò, phân bò được phối trộn nấm Trichoderma để ủ hoai, kết hợp phân vi sinh trùn quế để bón, giúp vườn măng luôn khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh, cho măng loại 1, loại 2 khá cao.

Hiện tại, với 3 sào măng, mỗi năm gia đình ông Hùng thu về lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Ông không cho măng ra đồng loạt mà chia làm 2 kỳ, vừa để có măng thu hằng ngày, vừa có phụ phẩm cho bò ăn. Trung bình mỗi ngày gia đình ông thu hoạch 30kg măng, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày.

Ông Hùng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây măng tây xanh sinh trưởng tốt, cho năng suất rất cao. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Ông Hùng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây măng tây xanh sinh trưởng tốt, cho năng suất rất cao. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Cách làm của ông Hùng đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị của cây măng tây xanh và giảm các tác động xấu tới môi trường do không sử dụng phân hóa học. Ngoài ra, ông đã có nhiều giải pháp để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác cây măng như: Cải tiến dụng cụ làm cỏ, xới xáo vườn để tạo độ thoáng khí cho đất mà không ảnh hưởng đến bộ rễ của cây măng; thiết kế trồng măng tây xanh hàng đôi theo hướng đông - tây; sử dụng trụ đỡ bằng bê tông, giăng lưới cố định; phun trừ nấm bệnh bằng vòi áp lực cao; sử dụng hệ thống tưới phun tầng thấp; chụp đầu măng khi măng cao 7 - 10cm; trồng cây chắn gió...

Đặc biệt, ông đã chủ động lai tạo ra giống măng F2 để cung cấp, hướng dẫn và sẵn sàng chia sẻ cho bà con đến học hỏi kinh nghiệm để nâng cao thu nhập từ cây măng.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.