| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 03/03/2022 , 16:51 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:51 - 03/03/2022

Không gây khó dễ cho người dân khai báo F0

Để tránh quá tải cho y tế cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo F0, cần phải phát huy giá trị ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngày 2/3, ca nhiễm mới được thống kê lên đến con số 110.301, khiến không ít người quan tâm đến tình hình Covid-19 tại Việt Nam phải ái ngại. Thế nhưng, trên thực tế ở nhiều địa phương lại đang xảy ra câu chuyện F0 không khai báo với y tế cơ sở.

Thích ứng an toàn và linh hoạt để đưa cả xã hội vào trạng thái bình thường mới là một chủ trương rất đúng đắn, nhằm bảo đảm sản xuất và ổn định đời sống. Để kiểm soát Covid-19 hiệu quả thì không thể chủ quan mạnh ai nấy biết, mạnh ai nấy làm. Dù số ca mắc mới không còn quan trọng bằng phương pháp điều trị để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, nhưng việc không khai báo F0 sẽ dẫn đến những hệ lụy khác.

Hiện nay Hà Nội đang dẫn đầu số ca nhiễm Covid-19 nên hệ thống y tế cơ sở đã có dấu hiệu bất cập trong quá trình tiếp nhận thông tin F0. Nhiều người dân chen chúc ở trạm y tế để xin giấy xác nhận F0 nhưng lại cầm theo bộ kit test nhanh có kết quả dương tính mà không hề ghi họ tên người được xét nghiệm lẫn thời gian làm xét nghiệm.

Một số trạm y tế buộc lòng phải triển khai công tác quản lý F0 bằng kết nối Zalo. Tuy nhiên, sau khi trở lại âm tính thì người bệnh phải ra trạm y tế lưu động để nhận “giấy xác nhận F0 điều trị khỏi bệnh” và qua trạm y tế xã, phường để nhận “quyết định F0 cách ly y tế, điều trị Covid-19 tại nhà” thì nhiêu khê quá.

Con số F0 tăng nhanh khiến một bộ phận xã hội nảy sinh tâm lý tự giải quyết các triệu chứng Covid-19. Tự xét nghiệm rồi tự mua thuốc điều trị, là một kiểu chống dịch tự phát nên được nhanh chóng chấn chỉnh. Theo quy định Bộ Y tế, cá nhân chỉ được xác định là F0 khi thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 có sự giám sát gián tiếp của nhân viên y tế thông qua các phương tiện từ xa. Cá nhân tự xác định “hai vạch” rồi tự mua thuốc uống, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Nếu quan điểm F0 không khai báo vẫn lan rộng thì có gì lo lắng? Thứ nhất, người bệnh không chủ động khai báo thì không thể giúp ngành y tế có thống kê đầy đủ để xác định ổ dịch và ngăn ngừa nguồn lây nhiễm.

Thứ hai, người bệnh không khai báo thì cũng không được tư vấn phù hợp và hướng dẫn theo dõi để phòng tránh các trường hợp chuyển biến nặng không được xử lý chuyên môn thỏa đáng. Mặt khác, F0 không khai báo sẽ không được trang bị những kiến thức nhằm hạn chế ảnh hưởng đến người thân trong gia đình, nhất là những hộ có người cao tuổi hoặc người có bệnh nền.   

Để tránh quá tải cho y tế cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo F0, cần phải phát huy giá trị ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài đường dây nóng của các trạm y tế, phần “khai báo y tế” tích hợp trong hệ thống kiểm soát dịch bệnh thống nhất toàn quốc PC- Covid nên cho phép công dân khai báo trực tiếp các trường hợp dương tính điều trị tại nhà.