Đã có rất nhiều Nghị quyết, Nghị định của Quốc hội và Chính phủ về việc này được ban hành. Ngày 17/4/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW “về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”. Từ đó đến nay, việc đó đã có những kết quả rất đáng kể. Một số địa phương như thôn, xã đã được sáp nhập lại, khiến bộ máy trở nên tinh gọn hơn
Sở dĩ phải tinh giảm biên chế, là vì đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách của ta quá đông, bộ máy quá cồng kềnh, nhiệm vụ chồng chéo, số lượng liên tục phình to, chất lượng cán bộ công chức viên chức nhiều nơi không đảm bảo, thậm chí có cả việc “chạy” vào biên chế, dẫn đến việc chi thường xuyên quá lớn, chiếm đến trên dưới 70% ngân sách.
Tinh giảm biên chế có thể giúp nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ công chức viên chức. Nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là giảm chi thường xuyên, dành ngân sách để đầu tư phát triển.
Thế nhưng mới đây, ngày 22/9, tại buổi làm việc của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung dự thảo kế hoạch giám sát chuyên đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nhiều nơi báo cáo tinh giảm biên chế tốt nhưng việc chi thường xuyên vẫn không giảm. Ông cũng cho rằng tinh giảm biên chế, đầu mối phải đi liền với việc giảm chi phí ngân sách Nhà nước.
Sở dĩ có tình trạng đó là vì chúng ta có sáp nhập nhưng không giảm được người hưởng lương từ ngân sách. Giả sử hai huyện nhập làm một, sẽ thừa ra một ông Bí thư, một ông Chủ tịch và ba bốn ông phó bí thư, phó chủ tịch. Lẽ ra chúng ta “so bó đũa lấy cột cờ”, chọn những ông có năng lực hơn để tiếp tục làm Bí thư, Chủ tịch và cấp phó, còn lại cho nghỉ hết. Cấp sở, thậm chí cấp xã, nếu sáp nhập lại, nếu cũng làm thế, thì sẽ tiết kiệm được hàng tỷ tiền chi thường xuyên.
Thế nhưng tất cả những người đáng lẽ phải nghỉ đó đều đang là công chức, hay nói khác đi là họ đang có “biên chế suốt đời”, không thể cho họ nghỉ được, nên đành phải bố trí họ sang những vị trí khác với mức lương tương đương.
Đó chính là nguyên nhân giảm đầu mối, giảm đơn vị hành chính nhưng không giảm được biên chế, mà không giảm được biên chế thì không giảm được chi thường xuyên. Nói như lời chủ tịch quốc hội được các báo trích dẫn thì “nếu hai anh yếu nhập lại thành một anh yếu thì chẳng có ý nghĩa gì. Mà một anh mạnh, một anh yếu nhập lại thành một anh yếu cũng không đạt”.
Muốn giảm được chi thường xuyên, chỉ có cách xóa bỏ chế độ biên chế suốt đời. Căn cứ năng lực của anh, tôi giao nhiệm vụ cho anh. Nếu không hoàn thành thì mời anh nghỉ, không có chuyện thuyên chuyển anh sang vị trí khác.