| Hotline: 0983.970.780

Không lo thiếu nước lưu vực dòng chính sông Đồng Nai

Thứ Sáu 15/11/2019 , 08:21 (GMT+7)

Lưu vực dòng chính sông Đồng Nai có nhiều hồ chứa nhất ở Đông Nam Bộ. Đến thời điểm này, nguồn nước các hồ chứa ở mức khá, đáp ứng đủ nhu cầu địa bàn.

Hồ Sông Ray là hồ lớn nhất ở lưu vực dòng chính sông Đồng Nai.

Trên lưu vực sông Đồng Nai, hiện có 21 hồ chứa lớn nhỏ. Lớn nhất là hồ Sông Ray với dung tích thiết kế (DTTK) 215,36 triệu m3.

Nhiều hồ khác có dung tích thiết kế hàng chục triệu m3 như hồ Đá Đen (33,4 triệu m3), Cầu Mới tuyến VI (21 triệu m3), Đa Tôn (19,4 triệu m3) … Tổng dung tích thiết kế 21 hồ trên lưa vực sông Đồng Nai là 375,95 triệu m3.

Nguồn nước trong các hồ chứa tính đến thời điểm ngày 7/11/2019 ở mức khá so với DTTK. Cụ thể, tổng dung tích trữ hiện tại là 274,65 triệu m3 (đạt 73,05% DTTK).

Trong đó, một số hồ có dung tích trữ thấp dưới 50% DTKK như: Hồ Giao Thông (32,8% DTTK) và hồ Suối Đôi (34,55% DTTK). Cả 2 hồ này đều thuộc tỉnh Đồng Nai. 

Với nguồn nước như trên, tổng dung tích trữ các hồ chứa xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 và trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng cao hơn so với năm 2016.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, trong tháng 11, có 7990,5 ha cây trồng và nuôi thủy sản ở Đông Nam Bộ, thuộc phạm vi cấp nước của các công trình thủy lợi trên lưu vực sông Đồng Nai, cần được cung cấp nước.

Trong đó, lúa chiếm diện tích lớn nhất với 5.263,8 ha. Tiếp đó là cây công nghiệp dài ngày với 1.630,5 ha; rau màu 771 ha; thủy sản 325,2 ha.

Các diện tích cần cấp nước tập trung tại hồ Sông Ray (1.761 ha), hồ Đá Bàng (1.760 ha), hồ Suối Giàu (387,04 ha), hồ Sông Mây (365 ha), hồ Tầm Bó (303 ha) …

Kết quả tính toán cho thấy, tổng nhu cầu nước theo kế hoạch sản xuất tháng 11 của vụ Mùa năm 2019, thuộc 21 hồ chứa lớn và vừa trên lưu vực dòng chính sông Đồng Nai (vùng Đông Nam Bộ), là 27,08 triệu m3.

Dựa vào xu thế mưa một số năm gần đây; kết quả dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ; kế hoạch sử dụng nước; và kết quả tính toán cân bằng nước tháng 11 cho vụ Mùa 2019, Viện Quy hoạch Thủy lợn Miền Nam, cho biết, toàn bộ hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai có khả năng đảm bảo cấp nước 100%.

Bên cạnh đó, lượng mưa trung bình của các khu vực nằm ngoài công trình thủy lợi xấp xỉ lượng mưa TBNN, cao hơn 55,9% so với năm có lượng mưa nhỏ nhất.

Mặt khác, khu vực Đông Nam Bộ đang trong mùa mưa. Mưa sẽ bổ sung thêm lượng nước cho sản xuất nông nghiệp khu vực ngoài khu tưới công trình thủy lợi. Như vậy, sẽ không xảy ra hạn hán thiếu nước đối với các vùng sản xuất.

Hồ Đa Tôn.

Từ kết quả dự báo nguồn nước đến ngày 14/11/2019, cho thấy, tổng dung tích trữ trong các hồ chứa đạt 281,15 triệu m3 (chiếm 74,78% so với dung tích trữ thiết kế). Nguồn nước tại toàn bộ 21 hồ chứa trên lưu vực dòng chính sông Đồng Nai (vùng Đông Nam Bộ) có khả năng đáp ứng đủ 100% cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước theo nhiệm vụ thiết kế.

Tuy nhiên, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai cần đề phòng tình trạng ngập lụt nếu có mưa lớn xảy ra, khi hồ chứa thượng lưu xả lũ, triều cường ...

Đặc biệt ở các khu vực: Vùng ven sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai); khu vực hạ du sông Buông đoạn qua huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Để bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Mùa 2019 trong mùa mưa lũ, và ứng phó với diễn biến thiên tai có thể xảy ra, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị: Tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, ngập lụt, úng, đảm bảo cấp nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; khẩn trương kiểm tra, sửa chữa công trình đảm bảo sẵn sàng phục vụ trong mọi tình huống trong mùa mưa lũ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.