| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Hai 19/04/2021 , 09:28 (GMT+7)

Với các giải pháp đồng bộ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại Hậu Giang đã đạt những bước tiến mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.

Thời gian qua, Hậu Giang thực hiện hiệu quả nhiều lớp dạy nghề, đáp ứng được nhu cầu thực tế đời sống của người dân. Nghề đan lục bình, may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn… hoặc những nghề liên quan đến nông nghiệp đều mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được việc làm tại chỗ hoặc nâng cao trình độ của người dân, nhất là nông dân để phục vụ tốt việc làm hàng ngày của họ.

Hàng ngàn lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng sau học nghề may.

Hàng ngàn lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng sau học nghề may.

hị Hà Xuân Hương, sau khi tham gia đào tạo nghề đan lục bình, xin làm gia công cho HTXThanh Tú, thu nhập cũng được ổn định.

hị Hà Xuân Hương, sau khi tham gia đào tạo nghề đan lục bình, xin làm gia công cho HTXThanh Tú, thu nhập cũng được ổn định.

Hậu Giang hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, HTX Thanh Tú (huyện Vị Thủy – Hậu Giang) và HTX Kim Ngân (thị xã Long Mỹ – Hậu Giang) đã tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn với số lượng lớn.

Theo bà Lê Thị Ngọc Thu, Giám đốc HTX Thanh Tú, huyện Vị Thủy, đối với nghề đan lục bình, trước hết tạo ra công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho mọi người lúc nông nhàn, sau nữa là nâng cao tay nghề cho nông dân. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng do khéo tay và chịu thương chịu khó, đến khi đã quen tay thạo việc thì thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông.

"Hiện công việc này luôn có quanh năm, nên thu nhập cũng được ổn định, chúng tôi đã liên kết với các công ty thu mua sản phẩm của người dân. Tùy theo kích cỡ sản phẩm lớn, nhỏ mà mỗi sản phẩm có giá từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng. Hiện tại, hợp tác xã có 11 tổ nhóm với 750 lao động. Điều chúng tôi quan tâm nhất là làm sao nâng cao tay nghề lao động để các sản phẩm không dừng lại ở thị trường Bình Dương mà còn vươn ra ngoài nước”, bà Thu cho biết.

Tay thoăn thoắt luồn từng cọng lục bình vào khung, chị Hà Xuân Hương, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết, mỗi ngày đan, chị cũng thu được 100.000 – 150.000 đồng. Thời gian rảnh, gia đình chị còn làm ruộng. Chị Xuân Hương cho biết: “Sau khi tham gia lớp học nghề đan lục bình do địa phương tổ chức, tôi đã nhận khung về làm gia công. Ban đầu làm chưa quen tay nên thao tác còn chậm, sau thời gian tay nghề được nâng lên. Nguyên liệu được HTX Thanh Tú cung cấp, chúng tôi chỉ làm gia công, không lo hàng tồn đọng. Công việc này dễ làm, tôi cũng có thể tranh thủ làm thêm buổi tối. Bình quân mỗi ngày, tôi đan được từ 6 – 10 mét thảm lục bình, mỗi tháng gia đình tôi cũng kiếm được trên 4 triệu đồng từ nghề đan thảm lục bình, gia đình có thêm khoản tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhờ đó cuộc sống ổn định hơn”.

Với mong muốn giúp người lao động có việc làm sau học nghề, ngành chức năng và các đơn vị đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động. Được học nghề may, rồi giới thiệu vào làm ở công ty, chị Nguyễn Thị Thúy Linh, ở thị trấn Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A – Hậu Giang), rất vui mừng, bởi từ đây chị đã có việc làm ổn định, để phụ giúp chồng lo cuộc sống gia đình.

Chị Linh chia sẻ: “Trước đây, tôi phụ giúp việc nhà cho người ta, mỗi tháng được trên 2 triệu đồng. Còn chồng tôi đi làm mướn, công việc cũng bấp bênh, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Được học nghề và có việc làm ổn định tôi mừng lắm”. 

Xác định việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm công tác này. Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang: Trong 10 năm qua, Hậu Giang đã thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, Hậu Giang có 93.590 LĐNT được đào tạo nghề (đạt 109%), lao động có việc làm sau học nghề chiếm 86,4%. Có 8.802 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động, 9.103 lao động được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, 27.497 lao động tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên, 3.783 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá… Qua công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 30% vào năm 2010, dự kiến cuối năm nay đạt 61,19%.

“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân. Người lao động sau khi học nghề đã áp dụng những kiến thức, kỹ thuật vào lao động, sản xuất đã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững…”, ông Bình nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.