Chỉ trong vòng một ngày 3/8, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành 3 văn bản liên quan đến việc cung cấp dược phẩm điều trị Covid-19. Thế nhưng, oái oăm thay, 3 văn bản này không hề bổ sung cho nhau, mà văn bản sau chỉ để thu hồi văn bản trước.
Cả 3 văn bản của Sở Y tế TP.HCM đều được đóng dấu “khẩn” và đều do một vị Phó giám đốc ký. Vậy cái hành trình kỳ lạ của 3 văn bản trên thực sự “khẩn” đến mức độ nào.
Văn bản thứ nhất (ghi số 5216) đề nghị các đơn vị y tế mua gấp một số thuốc có liệt kê rõ ràng của nhà cung ứng là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2.
Văn bản thứ hai (ghi số 5279) đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và phác đồ điều trị của Bộ Y tế; hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện nghiên cứu xem xét xây dựng phác đồ điều trị có sử dụng các thuốc nói trên. Đồng thời, việc sử dụng các thuốc trên phải tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị, nghiêm cấm các nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM bán các thuốc nêu trên khi không có đơn thuốc hợp lệ.
Thế nhưng, không khí càng “khẩn” hơn, khi văn bản thứ ba (ghi số 5289) ban hành vào buổi tối cùng ngày lại đề nghị “do một số nội dung chưa phù hợp, nay Sở Y tế TP.HCM thu hồi 2 văn bản nói trên và sẽ có hướng dẫn cho các đơn vị sau”.
Có điều gì đáng băn khoăn và đáng ái ngại ở đây chăng? Một văn bản chỉ đạo “mua thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19” chưa kịp triển khai, thì có luôn văn bản “thay thế văn bản”, rồi lại có thêm văn bản “thu hồi” để hai văn bản vừa ký ráo mực.
Người trực tiếp ký cả ba văn bản phân bua vì chưa có phác đồ điều trị nên không thể áp dụng văn bản “chỉ đạo” lẫn văn bản “thay thế”. Éo le thật, không dựa vào phác đồ điều trị mà đã giới thiệu dược phẩm điều trị, thì làm sao bảo đảm uy tín chuyên môn của một đơn vị đang giữ trọng trách tuyến đầu chống dịch?
Cách đây không lâu, Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu sử dụng 12 loại thuốc y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị Covid-19, nhưng sau đó cũng lập tức thu hồi. Những văn bản vội vàng được phát đi từ ngành y tế, ít nhiều cho thấy sự lúng túng của những người làm công tác quản lý trong cao điểm ngăn chặn virus Corona.
Phải thừa nhận, đợt lây nhiễm mới của Covid-19 đã vượt ngoài tầm kiểm soát của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh thành phía Nam. Lực lượng y tế như những người đương đầu với sóng gió biển khơi không thể sử dụng những kinh nghiệm đã tích lũy trên đất liền.
Điều ấy, rất đáng thông cảm và rất đáng chia sẻ, khi những khẩu hiệu nói thuận miệng nghe thuận tai như “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” hoặc “giữ vùng xanh, giành vùng cam, đi ngang vùng đỏ” không thể nào an ủi thân nhân những ca tử vong vì Covid-19.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh chống dịch căng thẳng hiện nay thì người dân càng phải đồng lòng và ngành y tế càng cần bình tĩnh và sáng suốt. Không thể vì “khẩn” mà ban hành những văn bản vội vàng gây hoang mang dư luận.