Thượng tá Đỗ Ngọc Vĩnh, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phong tỉnh Thanh Hóa cho biết các lỗi vi phạm của tàu cá thường diễn ra trên biển là trộm cắp ngư lưới cụ, sử dụng xung kích điện, đánh bắt cá sai tuyến… |
Về phía tổ chức tín dụng họ đề nghị sửa đổi theo hướng khoản vay phải có tài sản đảm bảo thay cho việc lấy con tàu hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo, thực hiện chính sách bảo hiểm con tàu suốt chu kỳ dự án và thay thế hỗ trợ lãi suất bằng một lần sau đầu tư cho ngư dân.
Lắng nghe thực tiễn để có chính sách phù hợp
Vấn đề đặt ra lớn nhất trong Chương trình này là chính sách tín dụng hỗ trợ lãi suất vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu. Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định 67 chưa có quy định đối với ngư dân đang đóng hoặc mới đóng xong nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không tiếp tục thực hiện dự án đóng tàu nữa muốn chuyển nhượng cho chủ tàu khác.
Trường hợp ngư dân đề nghị được vay vốn bổ sung vượt dự toán ban đầu do có sự điều chỉnh thiết kế hoặc do khối lượng vật tư thực tế vượt dự toán chưa được thực hiện. Trường hợp tàu đóng xong đi vào hoạt động bị bắt, bị xử phạt, một số trường hợp bị tịch thu tàu nhưng chưa có phương án xử lý thu hồi vốn để bảo toàn vốn vay cho ngân hàng thương mại…
Đối với chính sách cho vay vốn lưu động, Bộ NN-PTNT đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng tăng hạn mức cho vay tối đa cho một chuyến biển; sửa đổi, bổ sung thêm cơ chế cho vay (theo hình thức vay tín chấp và bỏ thủ tục UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn); đồng thời áp dụng hỗ trợ một lần sau đầu tư. Về phía tổ chức tín dụng đề nghị áp dụng hỗ trợ một lần sau đầu tư thay thế hỗ trợ lãi suất cho ngư dân.
Chính sách bảo hiểm cũng được đề xuất sửa đổi, bổ sung thời gian thực hiện phù hợp với thời gian hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu, nâng cấp tàu giữa chủ tàu và các ngân hàng thương mại, thay thế chính sách hỗ trợ bảo hiểm đang thực hiện theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong chuyến khảo sát mới đây của PV NNVN tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hải Phòng… nhận thấy việc cần thiết phải sửa đổi ngay Nghị định 67 theo hướng buộc chặt trách nhiệm của chủ tàu đối với khoản vay cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm con tàu trong suốt chu kỳ dự án.
Đề nghị này từ phía các ngân hàng thương mại là hoàn toàn xác đáng. Bởi lẽ, việc ngân hàng cho vay đóng tàu với khoản vay lên đến hàng chục tỷ đồng/tàu, thời hạn cho vay 11-16 năm mà chính sách đặt ra lấy con tàu hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp thực sự là bất hợp lý, rất mong manh đối với độ an toàn của gói vay cũng như sinh mệnh chính trị của các tổ chức tín dụng.
Hãy đặt một giả thiết, nếu ngư dân đánh bắt cá vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác hoặc sử dụng phương tiện tham gia hoạt động buôn lậu trên biển hay tự ý đánh đắm tàu… thì tài sản đảm bảo tiền vay có nguy cơ bị tổn thất trong khi chính sách bảo hiểm hiện hành chỉ áp dụng thí điểm trong 3 năm đầu của dự án 11 – 16 năm. Liệu như thế có công bằng đối với tổ chức tín dụng?
Việc quản lý dòng tiền của ngư dân trên biển là rất khó khăn đối với ngân hàng |
“Thực tế thấy rõ là phần lớn người vay khai thác đánh bắt theo hình thức đơn lẻ, các chủ tàu thường bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần hoặc bán tại các cảng thuộc địa phương khác, không thuộc địa bàn của chi nhánh ngân hàng đã cho vay, nên khả năng kết nối theo chuỗi giữa hoạt động khai thác – chế biến – tiêu thụ còn rất hạn chế, ngân hàng gần như không thể quản lý được dòng tiền bán hàng của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển. Ngân hàng không đánh giá được hiệu quả sau đầu tư và so sánh với phương án thẩm định ban đầu”, Phó TGĐ Agribank Nguyễn Thị Phượng lý giải. |
Đó là vấn đề cần phải được xem xét thỏa đáng để ghi rõ trong Nghị định sửa đổi lần này rằng, việc vay vốn phải có tài sản đảm bảo tiền vay như bìa đất, nhà ở để gắn chặt trách nhiệm của ngư dân với con tàu và khoản vay.
Không thể coi vốn đóng tàu là tài trợ không hoàn lại
Xung quanh vấn đề trên, lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) nêu ý kiến tại hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 – những vấn đề cần đặt ra” do Bộ NN-PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đã nêu lên một thực tế rằng: Có một số ngư dân coi Chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ. Cho nên ngư dân không chú trọng tính toán hiệu quả của phương án mà tìm mọi cách vay vốn, thậm chí thông qua trung gian, cò mồi. Hoặc tâm lý “làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng. Ngân hàng nhận tàu, coi như ngư dân không còn nợ…” là rất nguy hiểm đến an toàn vốn.
Mặt khác, tại Agribank, hầu hết các khoản nợ phải thực hiện thu nợ theo năm, không thực hiện được hàng quý. Đặc thù ngành đánh bắt hải sản trên biển phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, rủi ro cao, con tàu hình thành từ vốn vay là tài sản đảm bảo duy nhất đối với ngân hàng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân hàng đang cho vay thực chất là nguồn vốn do ngân hàng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế để cho vay lại. Trong khi nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Phó Tổng giám đốc Agribank bà Nguyễn Thị Phượng cho hay, theo quy định của Chương trình, người vay vốn chỉ có trách nhiệm trả lãi cho ngân hàng một phần, phần còn lại do ngân sách hỗ trợ. Song, đến tháng 7/2017 số tiền cấp bù của nhà nước 100 tỷ đồng Agribank cũng chưa nhận được.
Qua kết quả kiểm toán vừa rồi, nhận thấy, có hàng loạt các vấn đề ngoài tầm kiểm soát của Agribank. Từ đó đặt ra giữa chính sách và thực tế hoạt động trên biển của ngư dân là một khoảng cách khá xa. Xin đề cập một vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, đó là tổ chức tín dụng chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu tham chiếu để đánh giá về hiệu quả phương án SXKD của khách hàng; không thu thập đầy đủ hóa đơn, hợp đồng mua bán thủy hải sản đánh bắt được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank chi nhánh Thanh Hóa, ông Trần Văn Đức, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Nghệ An và ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu đều lắc đầu vì cho rằng rất khó khả thi với ngư dân về các đòi hỏi này.
Những con tàu 67 vỏ thép ở Bình Định tiếp tục nằm bờ vì Cty đóng tàu vô trách nhiệm |
“Khoản vay đóng mới con tàu lên đến 16 – 19 tỷ đồng trong khi trị giá bìa đất và nhà ở của ngư dân có thể chỉ 1 – 2 tỷ đồng nhưng việc có một khoản đảm bảo tiền vay cũng là niềm tin với cán bộ ngân hàng, trách nhiệm với ngư dân”, một cán bộ tín dụng huyện Tỉnh Gia, Thanh Hóa bày tỏ. |
Ông Trần Văn Đức cho rằng, việc đánh giá về hiệu quả phương án SXKD của khách hàng trên biển chỉ là định tính thôi, khó mà định lượng được. Còn theo ông Nguyễn Văn Liệu thì việc yêu cầu hóa đơn đỏ, hợp đồng mua bán thủy sản đánh bắt được của ngư dân diễn ra trên biển là điều bất khả thi.
“Không quản lý được dòng tiền trên biển của ngư dân là nỗi lo lắng thường trực của tổ chức tín dụng.
Chúng tôi đã tính đến phương án cử cán bộ tín dụng đi theo tàu đánh cá hoặc bằng một biện pháp nghiệp vụ khác để có thể kiểm soát được dòng tiền của ngư dân nhưng xem ra cũng nan giải lắm.
Việc đòi hỏi ngư dân mua bán cá trên biển phải có hóa đơn chứng từ khác nào đòi hỏi hóa đơn mua vật liệu xây dựng chuồng trại, bản vẽ thiết kế thi công của nông dân.
Đó là những bất hợp lý mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để có hướng giải quyết thấu đáo chứ không phải để bắt chẹt làm khó nhau”, ông Trịnh Ngọc Thanh nêu quan điểm.
Vì thế việc sửa đổi Nghị định lần này cần một chế tài xử lý đối với ngư dân chây ì không trả nợ hoặc tìm cách trốn nợ. Trước mắt đề xuất, gắn trách nhiệm của ngư dân vào khoản vay bằng tài sản đảm bảo là bìa đất, nhà ở…; đồng thời có chính sách bảo hiểm con tàu suốt chu kỳ dự án triển khai và thực hiện việc giám sát chặt chẽ quá trình lập hồ sơ dự án cho đến khi con tàu được hạ thủy.
Kinh nghiệm thực tế và những vấn đề đặt ra tại cơ sở xung quanh câu chuyện này mời bạn đọc xem bài tiếp theo số báo ngày mai.
"Từ thực tế hàng chục con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 đang nằm bờ ở Bình Định và nguy cơ không thu hồi được vốn vay ở những con tàu 67 khác tại một số tỉnh ven biển miền Trung đặt ra vấn đề phải chăng không giám sát được và thiếu chế tài buộc trách nhiệm của các bên với nhau dẫn đến tiêu cực, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện. Hậu quả nhãn tiền thấy rõ và nguy cơ mất khả năng thu hồi vốn rất cao là điều không còn xa. Vấn đề đặt ra lúc này là Nghị định 67 sẽ được sửa đổi, bổ sung như thế nào để giải quyết căn cơ các vấn đề thực tiễn đặt ra đó. Loạt bài này xin góp thêm lời bàn!" |