Người dân phương Nam nói riêng và người dân cả nước nói chung đều đang trông đợi thành quả đẩy lùi Covid-19 tại TPHCM đối với cột mốc 15/9. Bởi lẽ, không khí căng thẳng của đợt bùng phát dịch bệnh của một trung tâm kinh tế, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng chục triệu người.
Kết thúc một tháng áp dụng phong tỏa gắt gao, đô thị lớn nhất cả nước này sẽ có những thay đổi như thế nào? Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng “không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt và cũng không thể quét sạch F0”. Ý kiến ấy, rất rõ ràng và rất chân tình. Nhìn thẳng vào sự thật và công khai thừa nhận sự thật, cũng là giải pháp tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai cộng đồng thời đại dịch toàn cầu.
Chính những vị lãnh đạo đã nhận ra hoạt động tài chính tại TP.HCM có hơn 80% là dịch vụ, chỉ cần đóng cửa một chút thôi thì có những người cần trợ cấp liền. Một bộ phận lớn người dân thậm chí không có nồi cơm trong nhà, cứ đi làm rồi ăn uống hàng quán, tối về ngủ, sống quanh năm suốt tháng như vậy. Dịch vụ khi tắc một điểm nào đó thì sẽ làm tắc cả chuỗi. Mở cửa trở lại nếu không khéo, không quản lý được thì sẽ sinh chuyện. Vì vậy, sau chuỗi ngày “ai ở đâu ở đấy”, TP.HCM sẽ chọn con đường “mở chậm nhưng chắc”.
Những biến thể của virus corona không cho phép quốc gia nào trên thế giới đủ ngạo nghễ để đưa ra dự báo hoa mỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định Việt Nam chấp nhận sống chung với Covid-19 lâu dài. Bài toán kép đang cần đáp án, làm sao vừa tiếp tục chống dịch vừa quay lại sản xuất. Vấn đề vacxin phủ sóng tỉ lệ 80% dân số không đơn giản, phải loay hoay tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau. Thế nhưng, không thể lãng phí nguồn nhân lực từ những người đã tiêm đủ 2 mũi vacxin, mà cần tạo điều kiện ưu tiên để họ sớm quay lại công việc thường nhật.
TP.HCM không thể giãn cách xã hội ở trạng thái đóng băng đô thị nữa, vì nơi đây là đầu mối thương mại và là thị trường nhộn nhịp nhất. Không chỉ nông sản từ đồng bằng sông Cửu Long, mà nông sản của miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc cần lộ trình phù hợp để tiêu thụ tại TP.HCM. Nếu vẫn dùng thái độ sợ hãi để ứng phó virus corona thì sự trì trệ và sự ngột ngạt sẽ tăng lên khắp cả nước. Đã đến lúc TP.HCM phải đi đầu trong xu hướng sống chung với Covid-19.
Phục hồi nhịp điệu TP.HCM sau hơn 3 tháng giãn cách, không thể vội vàng, mà phải mở cửa lại cho đô thị một cách khoa học và có quy trình mạch lạc. Phân vùng địa lý an toàn và sàng lọc đối tượng lao động để từng bước tái vận hành nhà máy, công xưởng và các dịch vụ dân sinh. Ý thức chống dịch của mỗi người đã được củng cố thì biện pháp 5K hoàn toàn có thể xây dựng tình trạng bình thường mới cho mọi hoạt động cộng đồng. Khi và chỉ khi TP.HCM tháo gỡ được bế tắc dịch bệnh, thì cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng sẽ được kích hoạt tinh thần khắc phục trở ngại ngưng đọng vì Covid-19.