| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 25/04/2022 , 09:09 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

09:09 - 25/04/2022

Không thể mãi kéo dài thời gian trẻ con của người học

Nhìn vào chất lượng giáo dục và cách ứng xử đối với bằng cấp trong giáo dục hiện nay thì khó mà không thừa nhận rằng nền giáo dục Việt Nam đang hạ chuẩn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) một lần nữa lại làm dấy lên những tranh cãi xung quanh chủ đề định hướng nghề nghiệp với việc phân chia môn học thành 3 nhóm (bắt buộc, lựa chọn, tự chọn). Trước những tranh cãi có vẻ bất tận ấy, chúng ta thử tham khảo một số mô hình giáo dục để có cái nhìn tham chiếu và rút ra được những kết luận cần thiết.

Cuốn Giáo dục phổ thông miền Nam Việt Nam (1954 - 1975)* cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng. Giáo dục phổ thông miền Nam được chia thành hai giai đoạn là Tiểu học và Trung học, trong đó giai đoạn thứ hai lại tiếp tục chia thành hai: Trung học Đệ nhất cấp (từ lớp 6 - lớp 9, tương đương với THCS hiện nay) và Trung học Đệ nhị cấp (từ lớp 10 - 12, tương đương với THPT hiện nay).

Đáng chú ý, chương trình Đệ nhị cấp (THPT) có nhiều loại hình trường mà cơ bản là Trung học Tổng hợp, Trung học Kỹ thuật, Trung học Nông Lâm Súc.

Hai loại hình sau thì có định hướng và đào tạo nghề nghiệp rõ ràng, học xong có thể ra làm việc như những kỹ sư thực thụ. Ví dụ, “Giáo dục Trung học Kỹ thuật nhằm mục tiêu huấn luyện và đào tạo các chuyên viên kỹ thuật có tay nghề chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu của các nhà máy công kỹ nghệ đang phát triển ở miền Nam lúc bấy giờ đồng thời đào tạo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật phục vụ cho quân đội” [trang 158 -159].

Chính vì mục tiêu và chất lượng đặc biệt đó của nó, để liên hệ với chương trình phổ thông hiện hành chúng ta chỉ nên đối sánh với một loại hình gần nhất, là trường Trung học Tổng hợp. Tuy nhiên, ở ngay loại trường “phổ thông” nhất này, tính chất phân luồng và hướng nghiệp cũng rất mạnh mẽ.

Trong chương trình của trường Trung học Tổng hợp “Có sự phân biệt ranh giới giữa giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên biệt. Giáo dục phổ thông được tiến hành ở cấp tiểu học, 2 năm đầu trung học và giảm dần từ lớp 8 - lớp 12. Đến lớp 12 chỉ còn 2 môn bắt buộc đó là Quốc văn và Kiến thức xã hội. Hai năm lớp 6 và lớp 7 là 2 năm “khám phá”, cuối lớp 7 học sinh được sự trắc nghiệm. Dựa vào kết quả trắc nghiệm và kết quả học tập 2 năm, học sinh được hướng dẫn chọn môn học thích hợp với khả năng và sở thích của mình. Hai năm lớp 8 và lớp 9 là 2 năm “dự hướng”, cuối lớp 9 học sinh được sự trắc nghiệm và cùng với kết quả học tập 2 năm, học sinh sẽ được hướng dẫn chọn ban, ngành ở Đệ Nhị cấp. Tuy nhiên, môn Giáo dục y tế, nhất là môn Thể dục là môn bắt buộc từ lớp 6 đến lớp 12” [trang 136].

Đến đây, chúng ta sẽ thấy chương trình của miền Nam Việt Nam chuyên biệt và cá biệt hóa mạnh mẽ tới mức nào; và nó cũng cho thấy định hướng nghề nghiệp rõ ràng, quyết liệt tới đâu. Bắt đầu học môn tự chọn (gọi là nhiệm ý) từ lớp 8, lên đến lớp 12 chỉ còn 2 môn bắt buộc - mà đó lại là hai môn không liên quan gì đến chuyên ngành nào cả, chỉ gắn với sức khỏe (Y tế và Thể dục).

Việc chúng ta đang lo lắng và tranh cãi về các môn lựa chọn/tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là có thể hiểu được nhưng e rằng có phần cảm tính và ít căn cứ trên mặt thực tiễn lẫn khoa học. Lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông của miền Nam trước đây là sát (gần như bản sao) với chương trình giáo dục phổ thông của Nhật Bản!

Việc phân ban/phân luồng/hướng nghiệp từ phổ thông không những đúng đắn mà còn là một đòi hỏi.

Chúng ta hãy tham khảo thêm về giáo dục phổ thông trước 1945 ở Việt Nam. Chương trình được thực hiện trong 13 năm, chia làm 3 giai đoạn là Tiểu học (6 năm), Cao đẳng tiểu học (4 năm) và Trung học (3 năm). Tốt nghiệp Trung học thì lấy được bằng Tú tài.

Lưu ý, có bằng Tú tài là có thể đi làm công chức, làm nhà giáo…, gia nhập vào tầng lớp được gọi là trí thức trong xã hội; có uy tín, ảnh hưởng và được trọng vọng rất lớn. Mà đó mới chỉ là những người “tốt nghiệp phổ thông” thôi, không phải là tiến sĩ như bây giờ! Nói như thế để thấy, chương trình đào tạo của nhà trường phổ thông dưới thời Pháp ở Việt Nam là rất chuyên sâu, bài bản và thành tạo được năng lực thực thụ cho người học. Ngay cả người tốt nghiệp Tiểu học thôi cũng đã không tầm thường, còn tốt nghiệp Tú tài như ngôn ngữ bây giờ thì phải gọi là “thứ dữ”!

Tại sao chúng tôi so sánh với quá khứ chứ không so sánh với các nền giáo dục tiên tiến hiện tại trên thế giới? Câu trả lời có lẽ ai cũng tự thấy được: chúng ta đang tụt hậu so với chính mình trong diễn trình lịch sử giáo dục!

Nhìn vào chất lượng giáo dục và cách ứng xử đối với bằng cấp trong giáo dục hiện nay thì khó mà không thừa nhận rằng nền giáo dục Việt Nam đang hạ chuẩn. Là “hạ chuẩn” chứ không phải “dưới chuẩn”, nghĩa là nó tự mình ngày càng dễ dãi và từ bỏ dần các mục tiêu chất lượng cao. Nói như thế không đồng nghĩa với việc giáo dục Việt Nam đang giảm áp lực. Ngược lại, áp lực càng ngày càng lớn, nhưng nó sinh ra từ đâu và có giúp gì cho chất lượng giáo dục hay không lại là một câu chuyện khác, nếu không nói là đã trở thành vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội. Để tránh loãng chủ đề trọng tâm, câu chuyện này chúng tôi sẽ xin được tiếp tục bàn sâu hơn ở một bài viết khác.

Chúng ta bị trói buộc trong thói quen và lối nghĩ cũ (mà cái “cũ” ấy cũng chỉ là cũ của mấy chục năm gần đây) thành ra sợ hãi và lo lắng trước sự phân luồng, hướng nghiệp; rồi đến phản đối việc tự chọn/lựa chọn môn học ở cấp THPT. Xin chớ quên rằng, chất lượng giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay đang rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Ngay cả đại học Việt Nam cũng bị nhiều người không ngại ngần mà gọi là “Trung học phổ thông cấp 4”! Chúng ta cần vượt qua những rào cản của quá khứ, hướng đến giáo dục con người trên tinh thần thực dụng và khai phóng, không thể kéo dài thời gian trẻ con của người học quá lâu như nó đang là.

(*) Chú thích: Ngô Minh Oanh (chủ biên), Giáo dục phổ thông miền Nam Việt Nam (1954 - 1975), NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019