| Hotline: 0983.970.780

Không thể nói kháng sinh trong TĂCN vô hại!

Thứ Ba 16/07/2013 , 09:46 (GMT+7)

Sau khi Báo NNVN đăng loạt bài “Sớm loại bỏ kháng sinh khỏi thức ăn chăn nuôi”, đại diện Cục Chăn nuôi đã cho rằng kháng sinh liều thấp trong TĂCN không có tội. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

Sau khi Báo NNVN đăng loạt bài “Sớm loại bỏ kháng sinh khỏi thức ăn chăn nuôi”, đại diện Cục Chăn nuôi đã cho rằng kháng sinh liều thấp trong TĂCN không có tội.

Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu, điều tra của các nhà khoa học, cơ quan có trách nhiệm trong và ngoài nước đã cho thấy, việc cho kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi đã có gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Dễ gây hại!

Cuối năm 2012, bà Heather Allen và đồng nghiệp tại Trung tâm Dịch bệnh Động vật quốc gia Mỹ (thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của kháng sinh trong TĂCN đối với vi sinh vật trong đường tiêu hóa của lợn.

Theo công bố này, khi lợn được cho ăn thức ăn có chứa kháng sinh, thể thực khuẩn tăng lên rất nhiều trong đường tiêu hóa của những con lợn sử dụng thức ăn có kháng sinh so với những con lợn dùng thức ăn không có kháng sinh. Thể tiền thực khuẩn được gây ra bởi thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi ở vi sinh vật tìm thấy trong phân lợn và gen kháng kháng sinh đã được phát hiện trong hầu hết các vi khuẩn.

Điều này cho thấy kháng sinh trong TĂCN đang góp phần chuyển gen thực khuẩn qua trung gian, có khả năng của gen kháng kháng sinh trong ruột lợn. Như vậy, kháng sinh trong TĂCN đã kích thích quá trình chuyển biến gen, làm hình thành khả năng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.

Và nếu các vi khuẩn có trong cơ thể con người có được các gen kháng này từ động vật, điều này sẽ gây nên những hậu quả lớn về mặt sức khỏe. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra bởi vi khuẩn có khả năng nhiễm chéo, con này truyền gen qua con kia mà không nhất thiết phải có quan hệ họ hàng với nhau.

Do đó, vi khuẩn kháng thuốc trong đường ruột của lợn, khi theo phân, nước tiểu bài tiết ra ngoài môi trường, hoàn toàn có thể “chuyển giao” những gen kháng thuốc (mà nó đã tự trang bị để đối phó với kháng sinh liều thấp trong TĂCN) sang vi khuẩn có trong cơ thể con người.


Người chăn nuôi không nắm được trong thức ăn có kháng sinh hay không

Với nghiên cứu này, có thể thấy ngay cả khi không để lại tồn dư kháng sinh trên sản phẩm động vật, thì kháng sinh trong TĂCN cũng đã có thể gián tiếp gây nên tình trạng kháng kháng sinh cho các vi khuẩn trong cơ thể con người.

Xa hơn, từ năm 1970, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có báo cáo về vấn đề sử dụng kháng sinh trong TĂCN. Theo đó, FDA cho rằng việc sử dụng kháng sinh trong TĂCN đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc. Những vật nuôi có những vi khuẩn này trong cơ thể sẽ là nguồn cung cấp vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh vào cơ thể người, qua đó gây ra nhiều khó khăn trong điều trị bệnh cho con người.

Nhỏ lẻ càng không thể kiểm soát

Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo NNVN, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng việc cấm hoàn toàn kháng sinh trong TĂCN khó thực hiện được khi mà nền chăn nuôi ở nước ta đang còn nhỏ lẻ, nhiều dịch bệnh.

Khi tham khảo ý kiến của một số chuyên gia ngành chăn nuôi, chúng tôi cũng nhận được sự đồng tình từ họ rằng cấm kháng sinh trong TĂCN là điều cần phải tiến tới, nhưng không phải bây giờ vì chăn nuôi nước ta còn nhỏ lẻ, dịch bệnh liên miên.

Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu khoa học có liên quan đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm động vật, được thực hiện trong những năm gần đây, đều cho thấy chính với nền chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, việc kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi để tránh xảy ra tồn dư kháng sinh trong sản phẩm động vật, là hầu như không thể.

Trong báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu sản xuất thịt lợn an toàn chất lượng cao”, do Viện KHKTNN Miền Nam chủ trì, nhóm tác giả cho biết, điều tra tổng số 60 trại chăn nuôi lợn ở Hà Nội và TP.HCM, kết quả cho thấy phần lớn các trại đều mua thức ăn hỗn hợp (96,7% ở phía Bắc và 80% ở phía Nam).

Nhóm tác giả khẳng định: “Chính lý do này đã góp phần làm tăng giá thành trong chăn nuôi lợn và điều quan trọng nhất là các chủ trang trại không nắm chắc được thành phần, giá trị dinh dưỡng của thức ăn, không biết được trong thức ăn đó có kháng sinh hoặc các chất kích thích sinh trưởng hay không.

Do đó, khi lợn có hiện tượng bị bệnh là họ trộn thêm kháng sinh vào thức ăn để phòng và trị, dẫn đến tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh rất phổ biến và tình trạng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Trong Luận án Tiến sĩ của bà Vi Thị Thanh Thủy (ĐH Thái Nguyên – bảo vệ năm 2011), đề tài “Nghiên cứu thực trạng, yếu tố liên quan đến tồn dư kháng sinh, hormone trong một số sản phẩm từ lợn thịt tại thành phố Thái Nguyên và hiệu quả can thiệp”, tác giả đã điều tra, lấy 102 mẫu phân tích ở các mô hình nuôi công nghiệp và 102 mẫu ở mô hình hộ gia đình.

Kết quả phân tích cho thấy ở mô hình nuôi công nghiệp, tỷ lệ tồn dư kháng sinh trong thịt, thận và gan lợn cũng lên tới 16,6%, còn ở mô hình nuôi hộ gia đình, tỷ lệ này lên tới 38,2%. Cũng trong Luận án này, các kết quả điều tra của tác giả cho thấy chỉ có 10,16% số người điều tra biết về thời gian ngưng sử dụng kháng sinh, hormone trước khi giết mổ; 10,15% số người điều tra biết được thời điểm cho lợn ăn thức ăn có kháng sinh, hormone…

Một điều cũng cần phải nói tới là theo quan điểm của nhiều tổ chức quốc tế, nếu vẫn chấp nhận cho kháng sinh vào TĂCN thì phải là những loại kháng sinh không sử dụng để trị bệnh cho người và động vật. Điều này nhằm giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc kháng sinh điều trị bệnh.

Ngay ở Trung Quốc, nơi đang cung cấp kháng sinh giá rẻ cho ngành TĂCN Việt Nam, cũng không cho phép trộn kháng sinh dùng để trị bệnh vào TĂCN. Theo bà Vi Thị Thanh Thủy, ở Trung Quốc, tuy kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN từ năm 1989 đến nay, nhưng nước này chỉ cho phép trộn vào TĂCN những kháng sinh không dùng để điều trị bệnh cho người và động vật như monesin, salinomycin, destomycin, colistin, kitasamycin, enramycin, virginamycin…

Trong khi đó, trong số những loại kháng sinh vẫn đang được phép trộn vào TĂCN ở nước ta, vẫn có những loại được sử dụng để điều trị bệnh cho con người như lincomycin, bacitracin... Những loại kháng sinh này khi dùng điều trị bệnh cho con người đều có thể gây ra những tác dụng phụ.

Điều đáng nói là có những loại kháng sinh trộn vào thức ăn và cũng dùng điều trị cho người lại không có quy định về thời gian ngưng sử dụng trước khi giết mổ, chẳng hạn như lincomycin. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm động vật nếu có tồn dư kháng sinh như lincomycin, thì không thể là lỗi do người chăn nuôi mà là lỗi của cơ quan quản lý.

Bình luận về việc kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi ở nước ta, chủ một công ty xuất khẩu trứng, nói:

“Các nước EU, Hàn Quốc hay Mỹ đều có nền chăn nuôi tiên tiến, TĂCN đều phải đạt tiêu chuẩn, đại đa số người chăn nuôi có hiểu biết về an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, có sự liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi với nhà phân phối sản phẩm, vậy mà người ta cũng không thể kiểm soát được hết nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi. Vì thế mới phải cấm hoặc đang xem xét cấm. Như vậy thì với nền chăn nuôi nhỏ lẻ của nước ta, làm sao mà kiểm soát được nếu vẫn còn cho trộn kháng sinh vào TĂCN?”.

Xem thêm
Lưu ý khi bón phân cho cây mía ở vùng đất phụ thuộc vào ‘nước trời’

Miền Trung và khu vực giáp ranh đã bắt đầu vào vụ mía mới 2023 - 2024, giá mía khởi sắc khiến bà con nơi đây thêm phần phấn khởi với loài cây lắm 'truân chuyên' này...

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE sản xuất theo công nghệ mới

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE là sản xuất theo công nghệ mới, diệt trừ được nhiều loại cỏ như đuôi phụng, lồng vực, cháo, chác, rau mác, rau mương... rất an toàn.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm