Vụ học sinh nam vì áp lực học hành đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhảy từ tầng 28 của một chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) và rạng sáng 1/4, thực sự khiến cộng đồng bàng hoàng. Cậu trai mới 15 tuổi, đang học một trường chuyên, đã rời bỏ thế gian thật đau đớn và thật bẽ bàng, buộc những người có trách nhiệm trong xã hội phải dùng lương tri để nghiêm túc tự vấn.
Một thống kê đưa ra số liệu đáng giật mình, chỉ hai tháng gần đây, đã có 4 vụ học sinh tìm đến cái chết để thoát khỏi áp lực học hành. Sao lại ra nông nỗi ấy? Đành rằng, giữa bối cảnh dịch bệnh căng thẳng kéo dài, ai cũng tổn thương, dễ nóng nảy, dễ bi quan, dễ phẫn uất. Thế nhưng, có một câu chuyện mà lẽ ra cần được chú trọng thường xuyên ở môi trường giáo dục là tâm lý học đường, thì dường như bị lãng quên.
Đứng trước một bi kịch, không nên đổ lỗi cho phụ huynh đã quá khắt khe, hoặc đổ lỗi cho học sinh đã quá bồng bột. Bởi lẽ, phụ huynh nào mà không mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con em mình. Phụ huynh nào cũng nghĩ, hôm nay học hành chăm chỉ giỏi giang thì tương lai sẽ tươi sáng hơn. Thậm chí, có nhiều phụ huynh chấp nhận vay mượn tiền bạc, dè sẻn chi tiêu hoặc cặm cụi làm thêm để con em mình được vào những ngôi trường danh giá. Đáng tiếc, nhiều học sinh không thể đáp ứng kỳ vọng ấy, nên nảy sinh phản ứng tiêu cực.
Độ tuổi vị thành niên là giai đoạn hình thành nhân cách, cũng là giai đoạn khó dạy dỗ nhất của mỗi học sinh. Đáp trả lại cha mẹ bằng lời nói gay gắt hoặc đáp trả lại cha mẹ bằng hành vi quá khích, là những biểu hiện dễ gặp ở những học sinh bị ức chế. Góc độ đó, có thể thông cảm. Tuy nhiên, học sinh tự tìm đến cái chết như một đòn trừng phạt với cha mẹ, chính là một nỗi ám ảnh mà cả gia đình và trường học đều phải có biện pháp phòng tránh hữu hiệu.
Nền giáo dục nước ta đã nhiều năm loay hoay với căn bệnh thành tích. Chỉ tiêu học sinh giỏi không chỉ là gánh nặng của giáo viên, mà còn đè lên vai mỗi học sinh. Nếu phụ huynh không bình tĩnh, thì áp lực học hành lại nhân đôi với con em mình. Phụ huynh đòi hỏi ở học sinh và phụ huynh tin cậy ở giáo viên, trong ham muốn đạt được điểm số ưng ý. Và ai cũng xem nhẹ tâm lý học đường.
Thử hỏi, trong hệ thống những trường điểm Việt Nam hiện nay, có giáo viên chuyên phụ đạo tâm lý cho học sinh không? Rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là không có. Tất cả đều cho rằng, học sinh phải vùi đầu vào sách vở, mà không cần biết học sinh có vui vẻ không, có thoải mái không, có hạnh phúc không. Nhồi nhét kiến thức để làm gì, khi học sinh bơ vơ giữa hai chốn đi về là trường học và gia đình?
Chắc chắn sẽ còn nhiều hệ lụy nhức nhối nữa xảy ra, nếu tâm lý học được không được chú trọng. Vì thông qua quá trình nắm bắt tâm lý học đường, giáo viên và phụ huynh mới hiểu được tình cảm và nghĩ suy của học sinh, cùng nhau san sẻ những yêu thương, để biến áp lực học hành thành động lực nhân văn.