| Hotline: 0983.970.780

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông vẫn còn nhiều bất ổn

Thứ Năm 30/06/2016 , 13:15 (GMT+7)

Trong quá trình kiểm tra các tuyến rừng trong địa phận quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, đoàn kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phát hiện có 37 cây gỗ bị đốn hạ với tổng khối lượng lên đến 64,782m3.

Con số này lớn gấp nhiều lần so với báo cáo của Chi cục Kiểm lâm trước đó.

7/8 tuyến có vấn đề

Khu BTTN Pù Luông là đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, được giao quản lý 16.982,6 ha rừng, nằm trên địa bàn 4 xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng và Lũng Cao của huyện Bá Thước.

Rừng Pù Luông giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã, đồng thời có tiềm năng to lớn trong việc phát triển du lịch, sinh thái. Thế nhưng, điều đáng nói là vấn đề an ninh rừng nơi đây đang trong tình trạng báo động…

Như NNVN đã từng phản ánh, trong những năm gần đây, tình hình phá rừng tại vùng lõi của Khu BTTN Pù Luông ngày một diễn ra theo chiều hướng đáng lo ngại, đi đến đâu có “dấu tay” lâm tặc đến đó.

Điều này khiến cho dư luận hết sức bất bình, nhiều người thậm chí không ngại ngần đưa ra nhận định, nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp đối phó thì việc những cánh rừng đặc dụng quý giá biến mất chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sau hàng giờ cuốc bộ cả chục km đường rừng dẫn từ địa bàn hành chính bản Kịt (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) vào tận sâu vùng lõi của Khu BTTN Pù Luông, PV tận mắt chứng kiến tình trạng “chảy máu rừng” đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ nơi đây. Hàng loạt thân cây lớn bé, đủ mọi kích cỡ bị đốn hạ không thương tiếc, vì quá trình vận chuyển ra ngoài gặp nhiều khó khăn nên không ít “chiến lợi phẩm” lâm tặc bỏ lại hiện trường.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, phía Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông tổ chức kiểm tra, đánh giá thực địa tại các lô: b, d, e, I, h, s; khoảnh 1, 2; tiểu khu 250 thuộc địa bàn bản Kịt. Kết quả, phát hiện thấy tổng cộng 11 cây gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 7 bị đổ gãy, trong đó có 4 cây bị khai thác trái phép từ năm 2014 đến năm 2016 với khối lượng 6m3 gỗ tròn…

Theo nhận định chung, báo cáo nói trên của đơn vị chuyên ngành là không chính xác và chưa đánh giá đúng với thực tế. Để rộng đường dư luận, PV NNVN đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước.

17-53-18_3
Ảnh: Việt Khánh

 

Ông Khoa cho biết: “Thực hiện Quyết định 1198/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Bá Thước và Kế hoạch số 98/KH-BCĐ ngày 26/5/2016 về kiểm tra an ninh rừng và công tác PCCCR năm 2016, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra do Hạt Kiểm lâm chủ trì, chia làm 2 tổ tiến hành kiểm tra thực tế, đánh giá tình hình an ninh rừng trên địa bàn. Riêng tại Khu BTTN Pù Luông, đoàn đã kiểm tra tổng cộng 8 tuyến (từ 5/6-12/6) thì phát hiện 7 tuyến có vấn đề. Dự kiến từ ngày 29-30/6, UBND huyện sẽ tổ chức cuộc họp thông báo về vấn đề này”.

Báo cáo bước đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước về “Kết quả kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành và an ninh rừng Khu BTTN Pù Luông” cho thấy: Tiến hành kiểm tra 8 tuyến rừng tại các tiểu khu 250, 251, 75, 268, 271 thuộc địa bàn xã Cổ Lũng, Lũng Cao, Thành Lâm và Thành Sơn, ngoài tuyến số 4 (thuộc địa giới hành chính thôn Eo Kén, xã Thành Sơn, giáp ranh với xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa) tạm ổn thì 7 tuyến còn lại vẫn còn hiện tượng khai thác gỗ trái phép, an ninh rừng không ổn định.

Cụ thể, tiến hành kiểm tra tại tiểu khu 258 thuộc địa bàn xã Thành Sơn và tiểu khu 259 thuộc địa bàn xã Lũng Cao của tuyến số 7, tổ công tác phát hiện có 12 cây gỗ với khối lượng 21,07 m3 bị khai thác trái phép, thời điểm khai thác từ khoảng cuối năm 2015 đến đầu năm 2016. Tại tuyến số 8, sau khi kiểm tra lô số 2, khoảnh 4, tiểu khu 254 ở xã Lũng Cao, lực lượng chức năng phát hiện 10 cây gỗ nhóm VI có tổng khối lượng là 18,72m3 bị chặt phá, theo nhận định số lâm sản này bị các đối tượng lâm tặc đốn hạ từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016…

Kết quả, tại 8 tuyến rừng thuộc địa bàn quản lý của Khu BTTN Pù Luông, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Bá Thước phát hiện tổng cộng 37 cây gỗ bị đốn hạ với tổng khối lượng lên đến 64,782m3. Con số này lớn hơn gấp nhiều lần so với báo cáo của Chi cục Kiểm lâm trước đó.

Chủ rừng không biết!

Đánh giá về tình hình an ninh rừng trên địa bàn huyện Bá Thước, đặc biệt là khu vực thuộc quyền quản lý của Khu BTTN Pù Luông, ông Trần Văn Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bá Thước thẳng thắn thừa nhận: “Thời gian qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2016, tình hình khai thác rừng trái phép vẫn đang diễn ra, an ninh rừng tại Khu bảo tồn chưa thực sự bền vững”.

Lạ lùng thay, với quyền hạn, nhiệm vụ là chủ rừng, nhưng Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông dường như không hề hay biết việc các đối tượng lâm tặc đang ngày đêm tàn phá, đục khoét từng diện tích trong địa phận do mình quản lý.

Trao đổi với PV NNVN, ông Lê Thế Sự, Giám đốc Khu bảo tồn một mực quả quyết: “Sau khi có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chuyên ngành, tiến hành kiểm tra dọc tuyến đi hang Nước (bản Kịt, xã Lũng Cao) và phát hiện 11 cây bị đỗ gãy, trốc gốc và khai thác trái phép. Tại các tuyến khác không có hiện tượng phá rừng.

17-53-18_4
Ông Lê Thế Sự, Giám đốc Khu BTTN Pù Luông vẫn một mực khẳng định vấn đề khai thác rừng chỉ xảy ra tại tuyến hang Nước (bản Kịt)

 

Trong 3 năm qua (từ năm 2014 đến 2016) có 4 cây bị khai thác, bao gồm 2 cây gỗ trai lý và 1 cây gỗ nhóm 6”. Khi PV lập luận con số trên không phản ánh đúng thực tế, ông Sự bao biện: “Thông tin này phải kiểm tra lại, thời điểm đoàn kiểm tra chỉ có như thế”.

Cũng theo ông Sự, quá trình bảo vệ rừng tại Khu BTTN Pù Luông đến nay còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ việc diện tích quản lý rộng, dân cư sống trong vùng lõi đông (9 thôn với khoảng 2.000 nhân khẩu/500 hộ), trong khi cả đơn vị chỉ có 33 biên chế nên không thể quán xuyến hết được (?!).

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.