| Hotline: 0983.970.780

Khu nghỉ dưỡng 1.500 tỷ đóng băng: Cienco 4 nhì nhằng, chính quyền ngán ngẩm

Thứ Sáu 15/05/2020 , 11:01 (GMT+7)

Một dự án quy mô “khủng” mang theo nhiều kỳ vọng lớn lao đã chết từ trong trứng nước, một viễn cảnh tươi đẹp sớm không thành vì sự nửa vời của Cienco 4.

Đảo chè Cầu Cau thơ mộng là địa danh nức tiếng, được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Việt Khánh.

Đảo chè Cầu Cau thơ mộng là địa danh nức tiếng, được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Việt Khánh.

Sau 3 năm dài đằng đẵng, có thể khẳng định niềm tin của cấp chính quyền và nhân dân vùng dự án đã đặt nhầm chỗ.

Chết từ trong trứng

Như NNVN đã thông tin, nhận thấy tiềm năng vô hạn của Đảo chè Cầu Cau, địa danh nức tiếng thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 2017 Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 đã lập kế hoạch “bơm” hơn 1.500 tỷ đồng quyết tâm biến nơi đây thành một điểm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp hàng đầu.

Với danh tiếng lẫy lừng cùng tiềm lực tài chính vững mạnh, việc Cienco chấp thuận tham gia đầu tư dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau” được xem là tín hiệu vàng.

Hiểu được vận may trời cho nên chính quyền và các cơ quan, ban, ngành tỉnh đã ra sức “trải thảm đỏ”, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ chủ đầu tư sớm hoàn thiện về mặt thủ tục.

Điều này đã được thể hiện rõ bằng Quyết định 550/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An vào tháng 2/2017, đến cuối năm tỉnh này tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000.

Dù vậy Cienco 4 đã không thể biến nơi đây thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp như kế hoạch đặt ra. Ảnh: Việt Khánh.

Dù vậy Cienco 4 đã không thể biến nơi đây thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp như kế hoạch đặt ra. Ảnh: Việt Khánh.

Nhằm củng cố niềm tin cho đối tác, phía Cienco 4 cũng chủ động đáp lễ bằng cách vạch ra kế hoạch hào nhoáng trên quỹ đất gần 500 ha thuộc địa giới hành chính của 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh.

Dự kiến sau 5 năm sẽ hình thành thành điểm vui chơi lý tưởng với tổng cộng 5 phân khu riêng biệt, bao gồm: Khu đón tiếp; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi, giải trí; khu làng nghề và khu thiền viện.

Dù vậy đời không như là mơ khi diễn biến về sau đã đảo chiều chóng vánh. Những lời hứa hẹn sáo rỗng rốt cuộc đã cạn vơi theo thời gian, động thái nửa vời của chủ đầu tư khiến tất thảy đều ngỡ ngàng.

Kỳ vọng lắm thì thất vọng nhiều, sau 3 năm dài đợi chờ đằng đẵng niềm tin ngày nào đang lao dốc thấy rõ. Tệ đến mức khi nhắc đến cái tên “Cienco 4” ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm, cảm giác thất vọng tràn trề hiện rõ mồn một.

Không chút ngập ngừng, ông Nguyễn Danh Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Thanh An nói thẳng: “Nội dung này luôn là chủ đề trong các cuộc giao ban, hội họp. Lần gần nhất chúng tôi đã đề nghị UBND huyện làm việc với Cienco 4 để họ trao đổi cụ thể với cử tri của xã Thanh An, thực tâm chính quyền và người dân nóng lòng muốn biết dự án có khả thi hay không? Trường hợp làm tiếp hay hủy bỏ phải thông báo để chúng tôi còn chủ động tình hình, quả thực kéo dài như thế này rất đáng quan ngại”.

Theo kế hoạch được vẽ nên, dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau” sẽ triển khai trong 5 năm, từ 2017 đến 2022. Trong đó giai đoạn 1 (2017 – 2018) tiến hành xây dựng khu đón tiếp, các hệ thống hạ tầng thiết yếu nhằm kết nối với các phân khu chức năng.

Tất cả vẫn dừng lại ở dạng sơ khai. Ảnh: Việt Khánh.

Tất cả vẫn dừng lại ở dạng sơ khai. Ảnh: Việt Khánh.

Giai đoạn 2 (2018 – 2019) xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái số 1 và số 2, thời gian còn lại tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn thiếu. Về tổng thể khi hoàn thiện công trình này đủ tiêu chuẩn 4 sao.

Dù vậy từ những điều mắt thấy tai nghe có thể khẳng định đây là giấc mộng viển vông, đến lúc này tham vọng của Cty CP Tập đoàn Cienco 4 đang bị đặt một dấu hỏi to đùng.

Lắm hệ lụy

“Đây là một dự án lớn, liên đới trực tiếp đến nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thanh An nên cấp chính quyền không thể xem nhẹ.

Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 7/2018 đại diện của chủ đầu tư khẳng định sẽ chính thức khởi công giai đoạn 1 vào ngày 2/9/2018. Dù vậy điều đó đã không xảy ra, đến tận lúc này tất cả đang nằm vẹn nguyên trên giấy”, ông Nguyễn Danh Duyên.

Hàng loạt phương tiện không phép 'ăn theo' khiến nguy cơ mất an toàn luôn hiển hiện. Ảnh: Việt Khánh.

Hàng loạt phương tiện không phép "ăn theo" khiến nguy cơ mất an toàn luôn hiển hiện. Ảnh: Việt Khánh.

Lợi ích chẳng thấy đâu nhưng hiểm họa nhãn tiền đã rõ mồn một, không chỉ đánh mất niềm tin, tước đi cơ hội, dự án “khủng” còn gián tiếp dồn cả tấn áp lực lên vai chính quyền sở tại và cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là đơn vị trực tiếp đứng ra quản lý mặt nước tại khu vực đảo chè Cầu Cau.

Không phủ nhận địa điểm này sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch nhưng trước đây cơ bản chỉ ở dạng sơ khai, họa hoằn lắm mới có dăm ba thực khách chuộng nét hoang sơ, dân dã tìm về khám phá. Thế nhưng từ thời điểm rò rỉ thông tin “ông lớn” Cienco 4 nhảy vào cuộc, không khí bỗng chốc nóng ran.

Dân đua nhau mua sắm trang thiết bị, tàu thuyền phục vụ nhu cầu du lịch nở rộ như nấm sau mưa. Qua một thời gian ngắn mô hình này đã phát triển đậm đặc, lúc đỉnh điểm có trên 40 phương tiện thi nhau quần thảo khắp mặt nước, khung cảnh ồn ào, nhốn nháo hệt như ong vỡ tổ.

Dựa theo chức năng và quyền hạn, Công ty TNHH thủy lợi Thanh Chương chỉ được phép tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm, riêng việc đưa ra hình thức xử lý thuộc trách nhiệm của cấp chính quyền. Nhưng vì “cả nể” nên nhiệm vụ này không được thực thi đến đầu đến đũa, dần dà dẫn đến tư tưởng “nhờn thuốc” nơi phần đa bộ phận chủ thuyền.

“Tất cả tàu thuyền đều hoạt động không phép, do đó cứ ra quân là phát hiện sai phạm. Phương tiện hoạt động ngày nào chúng tôi lo ngay ngáy ngày đó, may thay đến giờ phút này chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào về người”, một cán bộ quản lý chia sẻ.

Cầm trên tay xấp “biên bản vi phạm” dày cộp, ông Nguyễn Trí Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thủy lợi Thanh Chương đắn đo: “Hàng năm hồ chứa Cầu Cau tiến hành cấp nước tưới cho 600ha đất sản xuất nông nghiệp của 3 xã Thanh An, Thanh Thịnh và Thanh Chi, đây là công trình trọng điểm của huyện Thanh Chương cần đảm bảo an toàn hồ chứa.

Lâu nay khu vực lòng hồ xuất hiện nhiều phương tiện giao thông đường thủy không có đăng ký, đăng kiểm, không có giấp phép hoạt động, không đảm bảo các điều kiện an toàn vẫn ngày ngày ngang nhiên nhận chở khách tham quan, tình hình rất đáng lo”.

Tình trạng phương tiện tàu thuyền vi phạm diễn ra nhan nhản. Ảnh: Việt Khánh

Tình trạng phương tiện tàu thuyền vi phạm diễn ra nhan nhản. Ảnh: Việt Khánh

Với mục đích bảo đảm an toàn hồ chứa, an ninh trật tự và tính mạng người dân, Cty TNHH thủy lợi Thanh Chương – đơn vị quản lý mặt nước đã nhiều lần phát văn bản đề nghị UBND xã Thanh An và Thanh Thịnh cùng phối hợp để ngăn ngừa. Dù vậy kết quả chẳng mấy suy chuyển, lắm lúc biên bản xử phạt chưa ráo mực đã thấy phương tiện quay lại hoạt động tức thì.

Tự thân vận động

Gánh trên vai cả tấn áp lực suốt thời gian dài hiển nhiên tỉnh Nghệ An và huyện Thanh Chương hiểu rõ cần phải làm gì để sớm thoát khỏi vũng lầy mang tên “Cienco 4”.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, chốt lại: “Dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau khả năng không thành. UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì, làm việc với Tập đoàn Cienco 4 xem đơn vị này có tiếp tục làm hay không làm, đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan”.

Ngày 17/7/2019, sau buổi kiểm tra, đánh giá thực tế với sự góp mặt của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý (hiện là Bí thư Tỉnh ủy – PV), lãnh đạo huyện Thanh Chương đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đôn đốc nhà đầu tư sớm bắt tay triển khai Dự án khu du lịch dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Hồ Cầu Cau. Trường hợp chậm tiến độ, không khả thi cần tiến hành thu hồi để thu hút nhà đầu tư khác vào khảo sát.

Rất rốt ráo, chỉ 1 ngày sau UBND huyện Thanh Chương đã làm văn bản số 1105/UBND-TNMT gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nói rõ quan điểm trên. Nội dung được thể hiện như sau:

“Dự án chậm tiến độ so với Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 550/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.

Đến nay chủ đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc thống nhất thỏa thuận bồi thường trên diện tích 25,8ha với số tiền 10,7 tỷ đồng, dù vậy đơn vị chưa tiến hành chi trả tiền đền bù GPMB cho các hộ để có cơ sở hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng QSDĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế về phát triển dịch vụ, du lịch gắn với tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, UBND huyện đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư khác vào khảo sát, thực hiện”.

Theo dòng sự kiện, tháng 8/2019 Đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An gồm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Quế đã tìm đến “cậy nhờ” Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường - ông vua lĩnh vực tâm linh.

Đáp lại tấm thịnh tình, Đại gia Xuân Trường cho thấy thiện chí trước lời đề nghị táo bạo, vị này gợi mở: Trường hợp tiếp nhận lại sẽ xin chủ trương điều chỉnh, mở rộng quy mô dự án lên trên 700ha, bao trùm cả khu vực cửa khẩu Thanh Thủy.

Tưởng như nút thắt đã tìm được hướng tháo gỡ, nào đâu chỉ là câu chuyện làm quà không hơn không kém…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.