Minh Phú sẽ là trung tâm hạt nhân để kết nối các doanh nghiệp, người nuôi tôm nhỏ lẻ thành khu phức hợp với tổng diện tích lên đến 10.000 ha |
Ước tính, khi hoàn thành, mỗi năm khu phức hợp này sẽ tạo ra khoảng 12 tỷ con tôm giống, 300 ngàn tấn thức ăn, 250 ngàn tấn tôm thương phẩm, tương ứng với 200 ngàn tấn tôm thành phẩm và 50 ngàn tấn phụ phẩm, với giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, tạo việc làm cho 10 ngàn công nhân kỹ thuật và 30 ngàn công nhân chế biến tôm.
Tỉnh Kiên Giang nằm trải dài trên 200 km bờ biển Tây, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm nước lợ. Hàng chục năm qua, nghề nuôi tôm đã mở ra hướng phát triển kinh tế cho rất nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp ở các huyện ven biển. Kiên Giang cũng đã quy hoạch 2 vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh, gồm: các huyện vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần Gò Quao), phát triển nuôi tôm quảng canh: tôm – lúa, tôm – rừng...; các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên (trọng điểm là Kiên Lương, Giang Thành, TX Hà Tiên) phát triển nuôi tôm thâm canh công nghiệp, siêu thâm canh công nghệ cao.
Mặc dù diện tích nuôi tôm của Kiên Giang đã được mở rộng lên đến 123 ngàn ha (kế hoạch năm 2018), nhưng chủ yếu vẫn là manh mún theo kiểu kinh tế hộ, mạnh ai lấy làm, thiếu tính liên kết, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giá thành sản xuất cao và không bền vững. Ngay cả vùng nuôi tôm thâm canh, nhiều doanh nghiệp nằm cạnh nhau, diện tích đầu tư từ vài trăm đến cả ngàn hecta, nhưng cũng chẳng có mối liên kết, ràng buộc nào. Ước mơ về một hệ thống chung lấy nước mặn sạch từ biển khơi vào (doanh nghiệp sử dụng và trả phí) đã được đặt ra trong nhiều cuộc họp cách đây cả chục năm, nhưng đến nay vẫn chỉ là ý tưởng. Đơn giản vì thiếu sự liên kết, nhu cầu thì có nhưng chẳng ai chịu đầu tư làm.
Từ thực tế đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã đưa ra đề xuất xây dựng khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao Kiên Giang, nhằm phát triển chuỗi giá trị tôm hiệu quả và bền vững.
Theo đó, Minh Phú sẽ là trung tâm hạt nhân để kết nối các doanh nghiệp, người nuôi tôm nhỏ lẻ thành khu phức hợp với tổng diện tích lên đến 10.000 ha (trên địa bàn TX Hà Tiên, huyện Kiên Lương, Giang Thành), khép kín từ sản xuất thức ăn, con giống, thả nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu… Dự án này đã được UBND tỉnh Kiên Giang tán thành, thúc đẩy triển khai.
Ngay sau hội nghị phát triển kế hoạch ngành tôm năm 2018 (được tổ chức tại Kiên Giang ngày 1/3), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng đã có buối làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang là Tập đoàn Minh Phú để dự án này sớm thành hiện thực.
Theo ông Quang, khu phức hợp này sẽ quy tụ tất cả các công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực nuôi tôm hiện nay, gồm: sản xuất con giống kháng bệnh, nuôi trồng theo công nghệ 3 sạch, Bio-floc, Semi-Biofloc, Syn-Biotics, POM, chế biến chuyên sâu... kể cả hệ thống phụ trợ vận hành và quản lý, như: cơ chế tự động hóa, robot hóa, công nghệ cao IoT – kết nối Inernet và trí tuệ nhân tạo (AL). Đặc biệt, trong từng mắt xích sẽ được đồng bộ về công suất để đảm bảo cân bằng cung cầu. Với hệ thống này, ước tính giá thành sản xuất tôm nguyên liệu sẽ giảm trên 20% so với bên ngoài.
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm và bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư vào khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm tại Kiên Giang. Cụ thể, Cargill – một trong những đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ xây dựng theo quy trình và và công nghệ hiện đại nhất hiện nay (công nghệ ép đùn), giúp tôm tiêu hóa thức ăn dễ dàng và sử dụng được gần như triệt để dinh dưỡng từ viên cám, giảm lượng chất thải, giúp nước ao nuôi sạch hơn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã đưa ra đề xuất xây dựng khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao Kiên Giang |
Cty Việt Nam Food (VNF) sẽ là đơn vị đảm nhiệm xử lý toàn bộ phụ phẩm trong khu phức hợp (dự kiến có thể lên tới hơn 50 ngàn tấn/năm), sử dụng công nghệ enzyme sinh học và sản xuất theo định hướng không chất thải, từ đó tạo ra 4 dòng sản phẩm: Chitin (dược chất sinh học), dịch đạm (dùng trong thực phẩm), dịch tôm thủy phân (SSE) dùng làm chất dẫn dụ trong thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ.
Tương tự như phụ phẩm tôm, phần bùn đáy ao nuôi và bùn thải từ các nhà máy thủy sản, ước tính lên đến 200 ngàn tấn/năm, vẫn còn chứa rất nhiều đạm cần thu hồi để tạo ra giá trị gia tăng. Theo đó, Minh Phú và VNF sẽ liên kết xử lý bằng công nghệ sinh học thông qua ruồi lính đen, để sản sinh ra kén, ấu trùng và chất thải ấu trùng sẽ được thu hồi để tạo ra bột đạm (thay thế đạm bột cá) và dầu dùng trong chế biến thức ăn chăn nuôi, Chitin và phân bón hữu cơ.
Theo kế hoạch, khu phức hợp nói trên sẽ mất khoảng 6 năm để triển khai đầy đủ các hạng mục. Trong đó, các hạng mục cơ bản như hạ tầng sản xuất, hạ tầng xã hội, công nghệ, nuôi trồng và phụ phẩm sẽ triển khai ngay khi dự án được phê duyệt. Sau đó, tiếp tục triển khai hạng mục sản xuất con giống và thức ăn sau 1 năm. Cuối cùng là hạng mục chế biến và thương mại sau 2 năm triển khai với công suất nhà máy đầu tiên trên 40.000 tấn tôm thành phẩm/năm và sẽ nâng lên thành 200.000 tấn/năm trong 3 năm kế tiếp.
Tại buổi làm việc, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang rất ủng hộ sáng kiến mang tính đột phá này của Tập đoàn Minh Phú và cam kết sẵn sàng đồng hành, kiến nghị những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ thành lập nhóm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với địa phương, hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Minh Phú quản lý, vận hành toàn bộ khu phức hợp, chủ động phối hợp với địa phương thuê đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Từ đó, góp phần thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD theo quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
“Để Khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm với quy mô 10 ngàn ha tại Kiên Giang sớm trở thành hiện thực, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ NN-PTNT cần quan tâm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đầu tư toàn bộ hạ tầng; có chính sách hỗ trợ về tài chính như miễn tiền thuê đất trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ lãi suất vay vốn; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo công nhân kỹ thuật nuôi, công nhân chế biến đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghệ cao; hỗ trợ xúc tiến thương mại và bán hàng...”, ông Lê Văn Quang kiến nghị. |