Sáng tác để trải lòng cùng “nghiệp báo”
Mới đây, khi dịch bệnh Covid - 19 bùng phát trở lại, kéo theo làn sóng nhập cảnh trái phép trên vùng biển Tây Nam, Nhà báo Trọng Ninh, Phó trưởng đại diện VTV Digital- Đài THVN tại TP.HCM lại nhanh chóng cùng nhóm ê-kip ra khơi, tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.
Sau đó hàng loạt phóng sự truyền hình được phát sóng gây tiếng vang và dư luận tốt trong xã hội. Các đồng nghiệp thường quý mến gọi anh bằng biệt danh: “Ngòi bút thép nơi đầu sóng”, hay “Tay máy cự phách lãng mạn” vì ngoài nhiệm vụ làm báo truyền hình anh còn được biết đến là một người có tâm hồn thơ ca, yêu nghệ thuật và có khả năng thiên phú về sáng tác âm nhạc.
Tuy nhiên, thật bất ngờ khi anh đã từng sáng tác ca khúc “Hành khúc VTV24” nhằm cổ vũ, động viên tinh thần của những đồng nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết. Đặc biệt, sáng tác mới nhất mà anh kịp cho “ra lò” trong thời điểm dịch Covid -19 về nghề báo của chính mình là “Khúc ca người làm báo” …
Chia sẻ với KTGĐ về cảm hứng sáng tác “Khúc ca người làm báo”, nhà báo Trọng Ninh tâm sự: “Xuất phát từ lòng đam mê nghề nghiệp tôi đã viết nên ca khúc này. Đã có rất nhiều nhạc phẩm dành cho các ngành nghề khác như giáo viên, bộ đội, công an, công nhân…nhưng ít ai tự viết về công việc mình đang làm. Do đó, sáng tác này của tôi nhằm khơi lại niềm tự hào của người làm báo cách mạng Việt Nam”.
Theo Nhà báo Trọng Ninh, trong ca khúc này anh cũng nhận thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Người làm báo cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng nên phải vững bước trên con đường đã chọn.
Ca khúc “bắt mạch” cảm xúc
Những ngày gần đây có rất nhiều Nhà báo và bạn đọc hào hứng chia sẻ cảm nhận về “Khúc ca người làm báo” nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (Báo Duyên dáng Việt Nam) chia sẻ: “Khúc ca người làm báo" làm tôi rất xúc động vì đa tầng nhịp điệu đời sống như theo làn điệu cảm xúc tuôn trào trong đó. Phải nói Nhà báo Trọng Ninh đã nắm bắt được cảm xúc của mình để sáng tác, ca khúc đã “bắt mạch” được cảm xúc của người nghe cũng như đi trực diện vào trái tim mọi người.
Theo Đại tá, Nhà báo Phan Tùng Sơn - Báo Quân đội Nhân dân, ca khúc cổ vũ tình yêu nghề và khát vọng cống hiến của người làm báo. Nghề báo rất vẻ vang, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn hiếm hoi có được tác phẩm âm nhạc về nghề báo, nhà báo. Cả nước hiện có đến hơn 20.000 Nhà báo, nhưng trong các sân chơi âm nhạc từ chuyên nghiệp đến phong trào, có nhà báo tham gia, vẫn thiếu vắng các ca khúc để người làm báo tự hào cất lên lời ca về nghề. “Thế nên khi “Khúc ca người làm báo” ra đời, tôi rất quan tâm và trân trọng. Hai ca khúc về nghề báo được chính các nhà báo sáng tác gần đây, gồm: “Bài ca người cầm bút” (nhạc Ngô Tùng Văn, thơ Huỳnh Dũng Nhân) và “Khúc ca người làm báo” (sáng tác Trọng Ninh), đã được đồng nghiệp hào hứng đón nhận”, Nhà báo Phan Tùng Sơn nói.
Là nhà báo sáng tác về nghề của mình nên Trọng Ninh đã đưa được cái chất nhà báo, cái hồn của nghề báo vào ca khúc. “Khúc ca người làm báo” của Nhà báo Trọng Ninh đẹp cả ca từ và giai điệu. Ca từ mộc mạc, súc tích, vừa có tính tả thực, vừa mang tính tượng trưng, khái quát cao. Nếu bỏ đi phần giai điệu, chỉ cần đọc ca từ, công chúng cũng nhận ra ngay tác giả viết về nghề báo. Nó giống như một bài thơ hiện đại có nhạc, có vần, có điệu, rất dễ nhớ, dễ thuộc. Kết hợp với giai điệu, tiết tấu trẻ trung, sôi động, “Khúc ca người làm báo” khi cất lên có tính hiệu triệu, cổ vũ, thúc giục tình yêu nghề và khát vọng dấn thân, cống hiến của người làm báo…
Nghe ca khúc cảm phục người làm báo
Anh Tiến Vũ - CEO & Fouder TV Media & Event bày tỏ: “Khúc ca người làm báo” của Nhà báo Trọng Ninh cất lên với những lời ca đến từ trái tim, khiến tôi cảm thấy ca khúc như đang biểu lộ thay cho vạn tâm tư của những người làm nghề cao quý này.
Hình ảnh những phóng viên, nhà báo không ngại gian khó, bất chấp mệt mỏi hiện lên trong từng lời ca. Nghe “Khúc ca người làm báo” tôi cảm nhận được những người trong nghề báo làm đẹp cho xã hội, nhưng họ phải chịu không ít áp lực. Ca khúc sử dụng hình thức chuyển nhịp 4/4 – 2/4 linh hoạt, cùng với tính chất tự hào, hào hùng khiến tôi “cảm” được trí và tâm của người cầm bút. Qua đó, tôi càng thấy yêu mến và khâm phục những người làm báo chân chính, những dấu chân của họ từ thành thị tới các vùng nông thôn và in trên khắp dải đất hình chữ S này. Tôi tin rằng những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.
Về ca từ “Khúc ca người làm báo” ngay từ đầu đã thể hiện sự đồng lòng của những người làm báo, họ cùng hòa nhịp, cùng nhau thắp sáng bao nụ cười, cùng nhau chắp bút và đồng lòng cho khát vọng muôn vàn trái tim. Nhà báo Trọng Ninh liên tục sử dụng những từ ngữ thể hiện sự gian khó, vất vả của nghề làm báo, tất cả cũng chỉ vì nhân dân vì đất nước. “Biển xa ta đã đi”, “Đồng xanh ôi bao la”…hình ảnh đó thật gần gũi và rất Việt Nam. Tuy nhiên, để có được những dòng tin thời sự về những nơi họ đã đi và đến là cả một hành trình gian khổ. “Dù mưa giông, ta vẫn đi. Dù bão tố ta vẫn đến, ngòi bút vẫn lấp lánh”, thực sự ca từ đó làm người nghe rất xúc động. Với “Khúc ca người làm báo”, Nhà báo Trọng Ninh đã đặt hết tâm huyết của mình để cho ra đời sáng tác này.
Còn với hoa khôi thân thiện môi trường Hoàng Hà cũng bộc bạch cảm xúc của mình: Khi nghe “Khúc ca người làm báo” sáng tác của Nhà báo Trọng Ninh, âm hưởng giai điệu và ca từ đã tái hiện lại hành trình của những người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Ca khúc như đưa người nghe được cùng “đồng hành” trên mọi nẻo đường tác nghiệp với các phóng viên, nhà báo đi qua nhiều miền đất hình chữ S, thậm chí đối diện trước hiểm nguy... Thế nhưng, “người chiến sĩ” ấy vẫn yêu nghề, vẫn giữ trọn niềm tin, vẫn nở nụ cười thật yêu đời và bay bổng…