Thế nhưng lần này, người chăn nuôi Điện Biên đã chịu một vố đau khi nguồn lợn thịt từ miền xuôi ào ào tràn lên.
Nhiều hộ chăn nuôi ở Điện Biên khóc ròng vì bị lợn miền xuôi tràn lên |
Đã gần một tháng trôi qua, ông Quàng Văn Muôn (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) chẳng đêm nào có thể ngủ ngon bởi hơn 70 con lợn tồng ngồng đã quá lứa xuất chuồng chưa đẩy đi được.
Ở Điện Biên, có tới trên 75% số hộ chăn nuôi chỉ nuôi 1 - 5 con lợn/hộ (số hộ nuôi trên 20 con chỉ chiếm 2,1%). Những hộ nuôi với quy mô trên 70 con lợn như ông Muôn có thể hiểu đã đổ hết cả gia tài vào đó.
Ông kể như muốn khóc: Loại lợn lai ngoại như nhà ông đang nuôi trước đây năm nào rẻ cũng bán được giá tới 60 - 70 nghìn đồng/kg. Lợn siêu nạc giống ngoại thì phải tới trên 80 nghìn đồng/kg. Thế nhưng từ khoảng đầu tháng 3, giá lợn cứ dần dần tụt mãi. Trong cuộc đời nuôi lợn, giá lợn hơi ở Điện Biên chẳng có khi nào rẻ dưới 50 nghìn đồng/kg cả. Vậy nên ông cứ nghĩ chắc chỉ ít hôm giá sẽ tăng lại, nhưng càng giữ giá càng tụt, tới cuối tháng 4 thì lợn lai ngoại chỉ còn 22 - 24 nghìn đồng/kg mà cũng chẳng bán được. Khoảng nửa tháng trở lại đây, giá lợn có tăng dần trở lại, nhưng cũng chỉ tới được 27 - 28 nghìn đồng/kg là kịch kim rồi đứng im ở giá ấy từ đó tới nay.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, với quy mô tổng đàn lợn thịt thường xuyên chỉ khoảng 290 nghìn con, chăn nuôi lợn trong tỉnh trước đây chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu cho địa phương. Vài năm gần đây, tỉ lệ này có tăng lên, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Thống kê của Sở này trong năm 2016 cho thấy, tổng đàn lợn chỉ tăng hơn 5%. Tới giữa tháng 5/2017, tổng đàn lợn thịt toàn tỉnh chỉ có 305 nghìn con, tăng chưa tới 3% so với thời điểm cuối năm 2016. Đây là mức tăng khá thấp và không có gì đột biến, tương tự như những năm trước.
Nếu như giá thành SX (lợn siêu nạc) ở miền xuôi cao lắm cũng chỉ 37 - 38 nghìn đồng/kg thì ở Điện Biên trung bình phải 43 - 45 nghìn đồng/kg. Do nguồn cung hạn chế nên lâu nay, giá lợn hơi xuất chuồng tại Điện Biên thường phải tới 75 nghìn đồng/kg đối với lợn siêu nạc, lợn lai ngoại trung bình cũng 60 nghìn đồng/kg.
Giá lợn cao như vậy nên trước đây, một số thương lái từ các tỉnh miền xuôi vẫn thi thoảng chở lợn lên cung cấp cho các lò mổ tại Điện Biên, tuy nhiên do chi phí vận chuyển quá cao nên lượng chuyển lên thường không lớn. Các thương lái tại Điện Biên tiết lộ, trong khi giá lợn tại các vựa nuôi lợn ở ĐBSH đã tụt dưới 30 nghìn đồng/kg kể từ trước Tết Đinh Dậu thì tại Điên Biên giá lợn vẫn rất ổn định. Những tháng đầu năm 2017, trong khi giá lợn tại miền xuôi đã xuống rất thấp thì tại Điện Biên vẫn còn giữ được ở mức trên 40 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên tới khoảng cuối tháng 3/2017, “hàng rào chắn” giá lợn ở Điện Biên bị xô đổ bởi giá lợn miền xuôi quá rẻ và ồ ạt đổ lên.
LienVietPostBank triển khai trợ giá thu mua lợn cho người chăn nuôi tại huyện Điện Biên |
“Trước đây, chỉ vài ngày mới có lác đác một xe lợn lên Điện Biên thì vài tháng trở lại đây, xe lợn nối đuôi nhau đổ về. Thương lái dưới xuôi họ nhập lợn cho cánh ba-toa (hàng xeo, lò mổ) với giá rẻ hơn chúng tôi trước đây rất nhiều nên chúng tôi chẳng thể bán được cho lò mổ với giá cũ được nữa. Cứ thế, giá lợn ở Điện Biên bây giờ chỉ có 25 - 27 nghìn đồng/kg”, một thương lái tại TP Điện Biên ngao ngán.
LienVietPostBank tham gia “giải cứu lợn” Nhằm chung tay góp phần chia sẻ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi lợn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phối hợp với Tỉnh Đoàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức phát động Chung tay giải cứu thịt lợn và triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để hỗ trợ và tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, LienVietPostBank đã dành gói kinh phí để thu mua khoảng 8,3 tấn lợn hơi của một số trang trại đang có lợn đến kỳ xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được với giá cao hơn thị trường 10 nghìn đồng/kg (tương đương trung bình khoảng 40 nghìn đồng/kg lợn hơi). Sau khi thu mua, LienvietPostbank sẽ phối hợp với Tỉnh Đoàn Điện Biên triển khai hỗ trợ thịt lợn trực tiếp cho các đơn vị khó khăn về nhu cầu thực phẩm trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ 30 con cho một số đồn biên phòng; triển khai chương trình “Bữa ăn có thịt” và tài trợ ít nhất trong vòng 2 tháng liên tục thịt lợn (kể từ ngày 26/5) cho toàn bộ suất ăn của các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên... |