| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông cơ sở - những bước chân không mỏi: Những giáo viên ruộng đồng '3 cùng' với nông dân

Thứ Năm 04/01/2024 , 13:58 (GMT+7)

YÊN BÁI Để huyện Trấn Yên hình thành được những sản phẩm hàng hóa lớn như măng tre Bát Độ, dâu tằm..., có đóng góp không mệt mỏi của những người làm công tác khuyến nông.

Phòng trào '3 cùng' (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của cán bộ khuyến nông huyện Trấn Yên đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tại địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Phòng trào "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của cán bộ khuyến nông huyện Trấn Yên đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tại địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Vác củ tre Bát Độ lên nương, hướng dẫn bà con cách trồng

Trước năm 2000, cây tre Bát Độ còn rất xa lạ với người dân ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), việc vận động bà con phát triển loại cây này rất khó khăn. Để mở rộng diện tích trồng tre, huyện đã chú trọng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Đặc biệt là huy động toàn bộ lực lượng khuyến nông, thành lập các tổ hướng dẫn kỹ thuật trồng tre cho người dân trong vùng quy hoạch. Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất bỏ hoang, đất trồng chè, sắn, cây tạp kém hiệu quả sang trồng tre.

Cán bộ khuyến nông giúp người dân lựa chọn củ giống tre Bát Độ trước khi đưa vào trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông giúp người dân lựa chọn củ giống tre Bát Độ trước khi đưa vào trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Cứ đến dịp trước Tết Nguyên đán hàng năm, cán bộ khuyến nông lại phối hợp với chính quyền các xã đi thực tế cơ sở để rà soát, chuẩn bị quỹ đất, vận động các hộ dân đăng ký diện tích trồng mới trong vụ xuân. Từ tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, những "giáo viên ruộng đồng" sẽ trực tiếp lên đồi để “cùng ăn, cùng ở, cùng trồng tre” với bà con nông dân.

Bà Triệu Thị Bích Liệu – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên chia sẻ: Đầu xuân là thời điểm mưa nhiều, những con đường đến các xã vùng trồng tre như Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh (huyện Trấn Yên) lầy lội, trơn trượt. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm thuận lợi nhất cho củ măng bén rễ, nảy mầm. Không quản mưa nắng, thứ 7, chủ nhật, đội ngũ khuyến nông lại trèo đèo, lội suối cùng bà con vận chuyển củ tre giống lên nương, rồi đào hố để trồng. Những bữa cơm quá giờ trưa trên đồi tre cùng người dân là thường nhật, có người cả tháng mới về nhà. 

Cán bộ khuyến nông cùng người dân vận chuyển củ giống lên nương để trồng vụ mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông cùng người dân vận chuyển củ giống lên nương để trồng vụ mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Hà Thị Tính ở thôn Yên Thịnh (xã Kiên Thành) nhớ lại: Ngày đó, nhà bà có một tổ khuyến nông về ở để hướng dẫn bà con trong thôn trồng tre, anh chị em toàn là cán bộ trẻ hăng hái, nhiệt tình. Cả 3 tháng trời, tổ khuyến nông ở đây giúp người dân vác củ giống lên nương, hướng dẫn kỹ thuật đào hố, bón phân, trồng cây hết hộ này đến hộ khác. Xe máy thì cứ để ở ủy ban xã, rồi đi bộ đến các thôn hướng dẫn kỹ thuật. Đến buổi tối vẫn tiếp tục đến các thôn xóm vận động người dân trồng tre. Nhờ đó mà diện tích tre Bát Độ cứ nhân rộng từ đồi này sang nương khác. Vài năm sau, đây đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại kinh tế thường xuyên, ổn đỉnh nên bà con yên tâm gắn bó.

Đến hẹn lại lên, công việc của cán bộ khuyến nông kiên trì bền bỉ suốt hơn 20 năm qua, góp phần kiến tạo nên vùng trồng tre măng hàng hóa lớn nhất cả nước. Hiện tổng diện tích tre Bát Độ của huyện Trấn Yên hơn 4.200ha, sản lượng măng thương phẩm trung bình đạt 30.000 tấn/năm, đem lại giá trị thu nhập gần 200 tỷ đồng, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre Bát Độ hơn 4.200ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre Bát Độ hơn 4.200ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau mỗi vụ thu hoạch, những cán bộ khuyến nông lại tiếp tục lên rừng hướng dẫn người dân kỹ thuật thâm canh chăm sóc, chặt tỉa, bón phân để giúp cây tre phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ở vụ sau.

Kiên trì hướng dẫn bà con trồng dâu, nuôi tằm

Cây dâu tằm bén rễ với với đồng đất Trấn Yên từ năm 2001. Từ khi bắt đầu triển khai chương trình trồng dâu nuôi tằm đến nay, hình ảnh cán bộ khuyến nông luôn gắn liền với bà con nông dân trên các ruộng dâu, nong tằm.

Ngay từ những ngày đầu tiên, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo cử cán bộ khuyến nông xuống từng nhà dân, thực hiện "3 cùng" để tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích đất lúa 1 vụ, đất trồng cây rau màu kém hiệu quả sang trồng dâu. Bên cạnh đó, trực tiếp xuống ruộng làm đất, cuốc rãnh để trồng, chăm sóc cây dâu, hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn, cùng làm, cùng rút kinh nghiệm.

Cán bộ khuyến nông xuống ruộng trồng dâu cùng người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông xuống ruộng trồng dâu cùng người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Trần Thị Hoàn Liên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên chia sẻ: Ban đầu cây dâu, con tằm còn rất mới mẻ với không chỉ riêng người dân mà với cả đội ngũ cán bộ khuyến nông. Vì vậy, mỗi khuyến nông viên phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật để hướng dẫn bà con.

Đội ngũ khuyến nông viên được tham ra các chương trình hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương tổ chức và đi tham quan, học tập tại các vùng trồng dâu nuôi tằm đã có truyền thống ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình. Sau đó, áp dụng với điều kiện thực tế ở địa phương để xây dựng bài giảng, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp và hiệu quả nhất.

Thực hiện phương châm đồng hành với nông dân trong suốt quá trình thực hiện, từ trồng, chăm sóc cây dâu, thu hái lá, ấp trứng, nuôi tằm con, tằm lớn cho đến khi lên né cho tằm quấn kén, mọi khâu đều được cán bộ khuyến nông giám sát chặt chẽ, tỉ mỉ để hạn chế rủi ro, thất thoát. Thành quả của những tâm huyết đó được chứng minh bằng những vụ kén tằm thắng lợi nối tiếp nhau, từ đó giúp bà con tin tưởng gắn bó và mở rộng diện tích dâu, quy mô nuôi tằm.

Cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi tằm trên giàn khay trượt. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi tằm trên giàn khay trượt. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Thế Ngữ ở thôn Lan Đình (xã Việt Thành, huyện Trấn Yên) chia sẻ, từ nhiều đời trước, cuộc sống của bà con trong xã khu vực đất soi bãi ven sông chỉ gắn bó với cây lúa, ngô, rau màu, mỗi mùa mỗi thứ, giá trị thu nhập thấp, đời sống thiếu thốn.

Khi cây dâu tằm được đưa vào đồng đất Việt Thành, bà con lo ngại thất bại nhiều hơn là thành công. Cũng có lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh tưởng phải bỏ cuộc. Nhưng với sự động viên, hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, người dân đã kiên trì gắn bó với cây dâu, con tằm. Hiện nay, hơn 90% người dân trong thôn trồng dâu, nuôi tằm, thu nhập hàng trăm triệu đồng từ những vụ kén thắng lợi nên không còn hộ nghèo; hộ khá, giàu chiếm hơn 60%.

Hiện nay, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng dâu tằm lớn nhất miền Bắc với gần 1.000ha. Hàng ngày, lực lượng khuyến nông vẫn tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn bà con đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào trồng dâu, nuôi tằm.

Từ con số 0, đến nay huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm gần 1.000ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ con số 0, đến nay huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm gần 1.000ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ chỗ manh mún, lạc hậu, đến nay, quy trình trồng dâu - nuôi tằm đã được hoàn thiện với những những tiến bộ kỹ thuật hiện đại như nuôi tằm theo độ tuổi, nuôi trên giàn khay trượt, sử dụng né gỗ ô vuông… được áp dụng đồng bộ giúp cho bà con nông dân giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. Giá trị sản phẩm kén tằm ngày càng được nâng cao, góp phần giúp nghề “ăn cơm đứng” phát triển mạnh mẽ.

Cùng nông dân chuyển sang kinh tế nông nghiệp

Trong thời gian qua, công tác khuyến nông ở huyện Trấn Yên ngày càng đổi mới với các mô hình hiệu quả, định hướng giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên triển khai hàng chục mô hình ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Các mô hình luôn có sự thay đổi, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cán bộ khuyến nông không chỉ chuyển giao khoa học kỹ thuật, ưu tiên con giống, cây giống chất lượng mà còn hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. 

Thời gian tới, khuyến nông huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục lựa chọn và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trên các loại cây, con chủ lực. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian tới, khuyến nông huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục lựa chọn và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trên các loại cây, con chủ lực. Ảnh: Thanh Tiến.

Để có được cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành sản phẩm chủ lực của Trấn Yên ngày nay là cả một quá trình, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, trong đó có sự đóng góp tích cực của hệ thống khuyến nông. Thông qua các mô hình khuyến nông có hiệu quả, là cơ sở để tham mưu về công tác quy hoạch, kế hoạch, đề xuất chính sách nhân rộng.

Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón, quy trình sản xuất, cơ giới hóa trên các loại cây trồng vật nuôi chủ lực như tre Bát Độ, dâu tằm, quế, chè Bát Tiên, lúa chất lượng cao, chăn nuôi hàng hóa… Hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và nhãn hiệu hàng hóa để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.