| Hotline: 0983.970.780

Muốn 'khuyến nông' nhanh hiệu quả, phải gắn với vùng nguyên liệu lớn

Thứ Tư 08/11/2023 , 20:09 (GMT+7)

Chuyển giao khoa học công nghệ cần thực hiện tại các vùng nguyên liệu tập trung, có tổ chức của nông dân, hợp tác xã để có sự lan tỏa nhanh.

Trường Đại học Cần Thơ có truyền thống thực hiện các nghiên cứu ứng dụng tại đồng ruộng cùng với bà con nông dân, cán bộ khuyến nông địa phương, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp. Nổi bật nhất là khoa học công nghệ về phát triển lúa gạo. Các giống lúa, kỹ thuật canh tác lúa đều được thực hiện ngoài đồng ruộng.

Với đặc thù đó, bà con nông dân, cán bộ khuyến nông - những người đồng hành cùng tham gia vào nghiên cứu hiểu được mục tiêu của nghiên cứu, ghi nhận kết quả và cùng với nhà khoa học đánh giá. Nhờ đó, các kết quả nghiên cứu được lan tỏa trong nông dân và các địa phương. Qua đó, các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ cũng có sự nhìn nhận lại kết quả nghiên cứu cũng như sức sống của nó để cùng với bà con, cán bộ khuyến nông có sự điều chỉnh.

Từ năm 2019 - 2022, Trường Đại học Cần Thơ dành mỗi năm 50 tỷ đồng nghiên cứu ứng dụng trong ngành nông nghiệp để chuyển giao cho nông dân, địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Từ năm 2019 - 2022, Trường Đại học Cần Thơ dành mỗi năm 50 tỷ đồng nghiên cứu ứng dụng trong ngành nông nghiệp để chuyển giao cho nông dân, địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Giai đoạn 2019 - 2022, bằng các nguồn lực khác nhau, đối với lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trong ngành nông nghiệp cho ĐBSCL, mỗi năm Đại học Cần Thơ đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao cho địa phương. Hầu hết các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao cho nông dân, địa phương có sự đồng hành với các bên liên quan.

Đối với những giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại, công nghệ mới mà nông dân không thể tiếp thu được thì Trường đào tạo chuyển giao trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc cho hệ thống khuyến nông những kỹ thuật dễ lan tỏa ra với nông dân để cùng đồng hành với bà con.

Theo TS Nhân, để đưa được một kỹ thuật mới nói chung và kỹ thuật mới trong ngành nông nghiệp nói riêng tới bà con nông dân đòi hỏi một thời gian rất dài. Giai đoạn đầu, bà con thay đổi rất chậm, do đó phải thay đổi nhận thức, khơi gợi sự tò mò, sự thích thú của nông dân thì họ mới quyết định làm theo. Kỹ thuật mới, công nghệ mới được bà con đánh giá có hiệu quả mới ứng dụng được.

Để lan tỏa những kỹ thuật, tiến bộ khoa học mới ra sản xuất là điều không dễ, bởi điều kiện của các thành viên trong một nhóm nông dân, một HTX, địa bàn không giống nhau. Xét trên diện rộng, điều kiện tự nhiên, môi trường, điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực... ở mỗi nơi cũng khác nhau. Do đó, để chuyển giao được các nghiên cứu khoa học, tiến bộ kỹ thuật mới ra sản xuất, vai trò của chính bản thân bà con nông dân rất quan trọng.

Vai trò của hệ thống khuyến nông trong chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân là rất quan trọng, tuy nhiên cần tiếp tục thay đổi mô hình, hình thức hoạt động. Ảnh: TL.

Vai trò của hệ thống khuyến nông trong chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân là rất quan trọng, tuy nhiên cần tiếp tục thay đổi mô hình, hình thức hoạt động. Ảnh: TL.

Cũng theo TS Đặng Kiều Nhân, ngành nông nghiệp nước ta đã định hướng phát triển tổ khuyến nông cộng đồng. Vì vậy sắp tới cần phải thay đổi nhận thức về dạng hình khuyến nông. Tổ khuyến nông cộng đồng, cán bộ khuyến nông các cấp cùng với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và bà con nông dân phối hợp với nhau để phát triển khuyến nông ở dạng “khuyến nông trực tuyến”.

Khuyến nông trực tuyến không phải là cán bộ khuyến nông tham gia để giúp tất cả những kiến thức cho bà con nông dân mà phải có vai trò của nhà khoa học, doanh nghiệp cùng đồng hành để giải quyết các vấn đề thay đổi cũng như các điều kiện khác nhau của nông dân.

TS Nhân cho rằng, nếu phát huy được hình thức khuyến nông này thì sự đóng góp của các viện, trường trong nghiên cứu cũng như hoạt động của hệ thống khuyến nông phục vụ cho phát triển nông nghiệp sẽ rất hiệu quả.

ĐBSCL mặc dù là trung tâm sản xuất nông nghiệp, diện tích lớn, vùng nguyên liệu tập trung lớn, tuy nhiên sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ. Trung bình diện tích sản xuất mỗi hộ chỉ khoảng 1,2ha. Trong đó, khoảng 50% hộ dân có diện tích sản xuất chỉ khoảng 5.000m2/hộ. Đối với rau màu, cây ăn trái, diện tích còn nhỏ hơn so với lúa. Trong khi đó, khoảng 60 - 70% thu nhập của bà con nông dân là từ nông nghiệp nên họ thường phải chạy theo tín hiệu thị trường ngắn hạn để đảm bảo thu nhập, khiến rủi ro trong sản xuất càng cao.

Kết hợp công nghệ 4.0 gắn với vùng nguyên liệu lớn sẽ là điều kiện thuận lợi để chuyển giao nhanh khoa học kỹ thuật cho nông dân. Ảnh: TL.

Kết hợp công nghệ 4.0 gắn với vùng nguyên liệu lớn sẽ là điều kiện thuận lợi để chuyển giao nhanh khoa học kỹ thuật cho nông dân. Ảnh: TL.

"Ngày nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với tình trạng đầy biến động, khó lường trước. Những giải pháp công nghệ của hệ thống khuyến nông, các viện, trường và sự nối kết với doanh nghiệp trong việc chuyển giao cho nông dân sẽ khó bền vững nếu không có sự lan tỏa ra.

Thời gian qua, chuyển giao khoa học công nghệ cho sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nông hộ. Muốn có hiệu quả, cần phải chuyển giao cho các tổ chức hợp tác của nông dân, những HTX, vùng nguyên liệu tập trung và gắn với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng..".

(TS Đặng Kiều Nhân)

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.