| Hotline: 0983.970.780

Khuyên nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật là việc làm thiết thực nhất của nhà khoc học

Thứ Ba 31/12/2013 , 10:52 (GMT+7)

Là một kỹ sư ngành nông hóa thổ nhưỡng, tôi xin được tiếp lời tác giả bài viết “Ưu nhược điểm của phân lân và cách ứng dụng hiệu quả” như sau:

Báo NNVN số 257 đăng bài viết “Ưu nhược điểm của phân lân và cách ứng dụng hiệu quả” của một tác giả là PGS.TS có góp ý phê bình một số bài báo trước đó có những phản ánh sai lầm về phân lân. Là một kỹ sư ngành nông hóa thổ nhưỡng, tôi xin được tiếp lời như sau.

Thứ nhất: Nhà khoa học cho rằng, supe lân chỉ có axit H3PO4 dư chứ không có dư H2SO4 và các phốt phát trong supe không thể phân ly ra ion H+ nên không gây chua. Ở đây đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc!

Theo phương pháp SX phân supe lân, người ta cho một lượng dư axit H2SO4 và một lượng thiếu apatit nghiền vào phòng hoá thành rồi khuấy đều để SX theo phản ứng: Ca3(PO4)2 + 2H2SO4 = Ca(H2PO4)2 + 2CaSO4.

Sau khi ra khỏi phòng hóa thành, sản phẩm còn dư H2SO4 nên tiếp tục trộn thêm bột apatit vào và đảo trộn đều trong khoảng 20 ngày để phản ứng tiếp tục xảy ra.

Quá trình xảy ra phản ứng, một lượng lớn pha lỏng (axit H2SO4) nằm trong các “túi” do các tinh thể rất mịn CaSO4 tạo ra và bị cản trở bởi một lớp vỏ mịn các tinh thể Ca(H2PO4)2 sinh ra kết tinh trên bề mặt các hạt apatit ngăn cản sự tiếp xúc giữa axit H2SO4 và các hạt apatit làm cho quá trình trên bị kéo dài.

Vì phương pháp SX, nên trong supe lân luôn tồn tại một lượng H2SO4, H3PO4 dư (dư ít hay nhiều là tùy vào việc tính toán phối liệu và điều kiện SX, nhất là việc đảo trộn có đều hay không). Còn phản ứng phân ly trong nước sinh ra ion H+ như: H2SO4 = SO4 2- + 2H+, phản ứng H3PO4 = PO4 3- + 3H+ và Ca(H2PO4)2 = Ca2+ + 2H2PO4 – 1, rồi sau đó 2H2PO4- 1 = 2H+ + PO4 3- là các phản ứng quá đơn giản có thể tìm thấy trong bất cứ cuốn sách hóa học phổ thông nào (!). Và ai cũng biết rằng, axit và muối axit có tính chua, gây chua; còn bazơ thì có tính kiềm, khử chua.

Thứ hai: Để giảm độ chua khi bón phân supe, các kỹ sư nông nghiệp khuyên bón thêm vôi bột. Tác giả cho rằng, vôi sẽ gắn kết các hạt nhỏ thành các hạt kết làm đất tốt hơn(!?) Như chúng ta biết, bón vôi bột xuống ruộng có 2 điểm lợi:

Một là, vôi bột khử chua cho ruộng nhờ tác dụng với nước thành hydroxyt canxi (vôi tôi) theo phản ứng: CaO + H2O = Ca(OH)2 sau đó vôi tôi sẽ tham ra phản ứng khử chua: 2Ca(OH)2 + H+ = Ca2+ + 2H2O.

Hai là, vôi tham ra phân hủy xác hữu cơ, tốt cho đất. Tuy nhiên, đất tốt cho cây trồng tồn tại dưới dạng các hệ keo; khi bón thêm vôi quá nhiều, một phần vôi sẽ tác động phá hủy hệ keo của đất làm cho đất bị kết tụ không tốt. Ta vẫn thấy các hố tôi vôi, sau khi lấy hết vôi đi, đất bị chai cứng không thể trồng được gì(!), muốn trồng lại phải đổ mùn vào cải tạo vài năm.

Thứ ba: Lưu huỳnh là trung lượng được cây hấp thụ dưới dạng SO4-2. Nhưng cây hút lưu huỳnh không nhiều, muốn cây hút được SO4-2 phải nằm ở dạng muối dễ tan như (NH4)2SO4 chẳng hạn. Còn trong phân supe lân, lưu huỳnh tồn tại trong GYP thạch cao (CaSO4), mà thạch cao không tan trong nước nên cây rất khó hấp thụ (sách giao khoa hoá học lớp 11 phổ thông).

Vì vậy, CaSO4 sẽ tồn dư trong đất. Nếu bón quá nhiều sẽ tích tụ gây chai đất. Ai cũng biết, trong công nghệ SX xi măng, người ta bổ sung bột thạch cao (CaSO4) để tăng khả năng đóng rắn của xi măng. Nhân đây, tôi nghĩ ngành nông nghiệp nên có các nghiên cứu nghiêm túc về việc bón quá nhiều thạch cao vào đất.

Thứ tư: Ai cũng biết trong lịch sử SX phân bón, công nghệ SX supe lân đơn là một trong những công nghệ sơ khai, ban đầu. Ngày nay một số quốc gia như Liên Xô (cũ), Nhật Bản… vì lý do nào đó đã không còn SX nữa mà chuyển sang SX supe kép hoặc DAP.

Tác giả bài báo lo lắng việc phải xử lý một lượng lớn chất thải GYP (thạch cao CaSO4) trong công nghệ SX phân DAP nhưng lại ca ngợi lượng dinh dưỡng SO4-2 trong thạch cao (CaSO4) tồn tại trong supe lân đơn!? Theo lập luận này, phải chăng ta có thể dùng luôn số GYP (CaSO4) thải trong công nghệ SX phân DAP tại Hải Phòng làm phân bón?

Thứ năm: Khi sử dụng bất cứ loại phân bón nào cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Phân supe lân đơn cũng vậy, là loại phân có tính axit, rõ ràng nó thích hợp nhất với ruộng đất có tính kiềm, khi bón xuống ruộng chua nên bón thêm vôi để khử chua. Là loại phân tan tốt trong nước, khi bón xuống ruộng cây hấp thụ được ngay, nên bón vào ruộng khô là thích hợp nhất vì chỉ cần ít ẩm trong đất là cây có thể hút được.

Tuy nhiên, cũng như các loại phân tan tốt trong nước khác, nó dễ bị rửa trôi, vì vậy hiệu quả sử dụng thấp nếu không tuân thủ quy trình. Với nhà khoa học chân chính, khuyến cáo nông dân chấp hành nghiêm chỉnh quy trình kỹ thuật bón phân là hành động thiết thực nhất, đặc biệt là với những người có học hàm, học vị.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.