| Hotline: 0983.970.780

Chắt chiu nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu

Thứ Năm 16/05/2024 , 06:11 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Quảng Ngãi đã xây dựng phương án tưới phù hợp nhằm đảm bảo sản xuất vụ hè thu hiệu quả trước nguy cơ hạn hán kéo dài.

Hiện nay, lượng nước trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thấp hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Ảnh: L.K.

Hiện nay, lượng nước trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thấp hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Ảnh: L.K.

Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2024, tổng diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trên 49.700ha, trong đó có hơn 34.750ha lúa và gần 15.000ha cây trồng khác. Tuy nhiên, do lượng mưa vào cuối năm 2023 thấp, cùng với nắng nóng kéo dài suốt thời gian qua khiến lượng nước trữ ở hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh này đang giảm nhanh, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất rất cao.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Ngãi, hiện nay, đơn vị này đang được giao thực hiện quản lý, khai thác và bảo vệ 22 hồ chứa với dung tích gần 370 triệu m3, phục vụ tưới cho khoảng hơn 23.600ha đất nông nghiệp trong vụ hè thu 2024. Nếu như các năm trước, vào thời điểm đầu vụ, lượng nước tích tại các hồ đạt trung bình khoảng 85% thì năm nay chỉ đạt 80%.

Sau đợt tưới vừa qua, lượng nước ở nhiều hồ đã xuống mức thấp, cụ thể như hồ Hóc Cái (gần 50%); hồ An Thọ (51,6%); hồ Cây Sanh (51,5%); hồ Sở Hầu (hơn 56%); hồ Mạch Điểu (hơn 56%)… Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Ngãi cho biết, các năm trước, trong giai đoạn từ đầu đến cuối vụ hè thu trên địa bàn sẽ xảy ra 1 đợt lũ tiểu mãn vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Mặc dù vậy, qua dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi thì năm nay nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài, khả năng cao không có đợt lũ này dẫn đến các hồ chứa không có thêm nguồn nước bổ sung. Điều này càng khiến cho nguồn nước tưới thiếu hụt, đặc biệt là ở khu vực phía nam của tỉnh.

“Qua thống kê, trong vụ sản xuất này, toàn tỉnh có khoảng 5.000ha lúa vùng cuối kênh sẽ bị hạn. Ngoài ra, tại thị xã Đức Phổ đã quyết định bỏ hơn 300ha không gieo sạ”, ông Hùng thông tin.

Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương cần sử dụng nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí trước nguy cơ hạn hán trong thời gian tới. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương cần sử dụng nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí trước nguy cơ hạn hán trong thời gian tới. Ảnh: L.K.

Từ thực tế trên, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra giải pháp tưới luân phiên từng khu vực theo chu kỳ 5 – 7 ngày/đợt nhằm duy trì nguồn nước sản xuất cho đến cuối vụ hè thu. Đồng thời, kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng đơn vị trong việc điều phối nước để sử dụng hợp lý, đảm bảo đủ nước cho các vùng có diện tích đã được đăng ký; chủ động phương tiện máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất và gieo sạ trên diện tích đã đủ nước.

Cũng theo ông Hùng, tại Quảng Ngãi, vấn đề thiếu nước ở khu vực phía nam, đặc biệt là thị xã Đức Phổ thường xuyên xảy ra trong vụ hè thu khi lượng nước ở hồ Liệt Sơn không đáp ứng đủ. Do đó, Công ty đã tiến hành điều tiết nguồn nước từ hồ chứa Núi Ngang (huyện Ba Tơ) để tiếp cho kênh chính Nam Sông Vệ qua kênh chìm Suối Muôn – Bà Nhuận nhằm đảm bảo cấp đủ nước cho các vùng tưới trên địa bàn Thị xã này cũng như phía bắc sông Trà Câu. “Giải pháp lâu dài là nâng cấp, tăng dung tích hồ chứa Núi Ngang. Phương án này đã được tính đến, tuy nhiên hiện nay không có nguồn kinh phí nên chưa thể thực hiện”, ông Hùng nói thêm.

Trước nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống mà ngành chức năng đã đưa ra, phù hợp với thực tế từng vùng; khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, tu sửa và nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa để thông nước phục vụ sản xuất.

Đồng thời, phát động phong trào ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét cửa cống lấy nước, kênh dẫn, bể hút, trạm bơm tưới; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nhất là vùng có nguy cơ bị hạn cao, thiếu nước, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và điều kiện cụ thể của địa phương, hạn chế thấp nhất diện tích đất không sản xuất.

“Vấn đề đặt ra hàng đầu trong việc ứng phó với hạn hán là phải tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình thủy lợi, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu của cây trồng, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; không gieo trồng đối với những diện tích không bảo đảm nước tưới suốt vụ, sản xuất không an toàn”, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...