| Hotline: 0983.970.780

Rộn rã mùa gặt

Thứ Năm 16/05/2024 , 06:13 (GMT+7)

HÀ TĨNH Mùa gặt, trên các cách đồng từ miền ngược đến miền xuôi ở Hà Tĩnh, tiếng máy gặt rền vang hòa trong tiếng cười rộn rã của nông dân báo hiệu mùa vụ bội thu.

Quả ngọt hậu tập trung, tích tụ ruộng đất

3 năm nay, gần như năm nào ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cũng ghi nhận những kỷ lục về năng suất lúa sau mỗi vụ thu hoạch. Nhiều người không khỏi hoài nghi về những con số thống kê của ngành chức năng hay cơ quan chuyên môn đưa ra. Tuy nhiên, sau một vài vụ trực tiếp đến cơ sở và hộ sản xuất kiểm chứng, chúng tôi tin, ngành lúa gạo ở Hà Tĩnh đã thực sự khởi sắc.

Những cánh đồng vàng ruộm bước vào mùa thu hoạch tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Những cánh đồng vàng ruộm bước vào mùa thu hoạch tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Yếu tố tạo nên sự khởi sắc này có nhiều, nhưng tựu chung có thể gói gọn bằng những ý chính:

Thứ nhất, sau một thời gian dài đau đầu vì thực trạng nông dân bỏ ruộng "Bắc tiến, Nam tiến" làm công nhân, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn ban hành các chích sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất.

Thứ 2, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ, VietGAP với nông dân. Thứ 3 là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như mạ khay, máy cấy; sử dụng máy bay không người lái bón phân, phun thuốc BVTV; đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cuối cùng không thể bỏ qua yếu tố thời tiết thuận lợi, nông dân đang dần mặn mà trở lại với đồng ruộng.

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy gần 60.000ha lúa, có những thời điểm thời tiết bất thuận, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông đe dọa, ngành chuyên môn lo ngại ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt trong công tác khuyến cáo và chủ động phòng trừ của người dân, toàn bộ diện tích lúa bị bệnh đã vượt qua ngưỡng thất thu, thậm chí nhiều diện tích lập kỷ lục mới về năng suất.

Năm nay, xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ) sản xuất gần 560ha lúa, chủ lực là các giống Bắc Thịnh, Hana số 7, Hương Bình, Lai thơm 6, Nếp 98... Thống kê bước đầu cho thấy, năng suất lúa bình quân của xã ước đạt 64,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã thu hoạch đạt hơn 55% tổng diện tích lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã thu hoạch đạt hơn 55% tổng diện tích lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

“Kỳ tích này chính là quả ngọt chúng tôi có được hậu tập trung, tích tụ ruộng đất trên diện rộng”, ông Bùi Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân phấn khởi.

Theo ông Tín, trước vụ sản xuất, xã vận động, khuyến khích người dân phá bỏ ô thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, sản xuất đồng nhất “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác”; tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện cơ giới hóa các khâu như làm đất, thu hoạch, phun thuốc BVTV… Kết quả, đến nay 350ha ruộng không còn bờ thửa nhỏ, 90% hộ sản xuất trên 1 vùng với diện tích tối thiểu 5ha/vùng, có nơi 15 - 20ha/vùng.

Tranh thủ “cướp” nắng buổi sáng, né mưa giông buổi chiều, bà Trần Thị Đào, thôn Triều Đông huy động toàn bộ nhân lực 3 người ra đồng bốc những bao lúa nặng trĩu vừa gặt xong đem về nhà phơi. Bà Đào cho biết, vụ xuân năm nay là vụ đầu tiên gia đình sản xuất trên cánh đồng lớn sau dồn đổi ruộng đất.

“Nếu như trước đây, để gieo hết diện tích 1,2 mẫu ruộng chúng tôi phải mất 5 – 7 ngày, thu hoạch cũng vậy nhưng nay chỉ làm trong một buổi là xong. Việc hình thành cánh đồng lớn còn tạo ra sản phẩm lúa đồng nhất, năng suất đạt kỷ lục (3,2 tạ/sào 500m2), đem lại lợi nhuận cao cho gia đình”, bà Đào phấn khởi.

Đức Thọ là huyện sản xuất lúa lớn nhất khu vực phía tây Hà Tĩnh với tổng diện tích vụ xuân 2024 đạt 6.200ha. Thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi ruộng đất cơ bản tại 13/16 xã, thị trấn, đạt 85% diện tích sản xuất nông nghiệp (gần 5.000ha).

Thời điểm này, trên khắp các đánh đồng, tiếng máy gặt rền vang cả ngày lẫn đêm, chạy hết công suất để thu hoạch lúa đúng lịch thời vụ. Theo bà con, việc canh tác tập trung trên một cánh đồng không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian mà còn hạn chế tình trạng sâu bệnh phá hoại, năng suất lúa nâng lên rõ rệt.

“Theo đánh giá bước đầu, bình quân năng suất toàn huyện ước đạt 64,5 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với trước khi thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất”, lãnh đạo huyện Đức Thọ thông tin.

Tại huyện Thạch Hà, bây giờ không chỉ có 1 – 2 cánh đồng lớn mà con số ấy đã lên hàng chục, trải đều ở nhiều xã như Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Xuân, Thạch Hội, Thạch Trị…

Nông dân Hà Tĩnh phấn khởi khi lúa vụ xuân được mùa, được giá. Ảnh: Thanh Nga.

Nông dân Hà Tĩnh phấn khởi khi lúa vụ xuân được mùa, được giá. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2021, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn) tích tụ thành công gần 54ha ruộng của 300 hộ dân tại 3 thôn Đông Tiến, Lộc Ân, Xuân Sơn để sản xuất cánh đồng lớn. Sau khi có đất, HTX phân chia ruộng cho 90 thành viên tiến hành sản xuất. Trong đó, có những hộ canh tác 9 – 10ha trên một xứ đồng. HTX chịu trách nhiệm cung cấp phân bón, dịch vụ làm đất, phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, máy gặt và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Anh Trần Hậu Nhân, Giám đốc HTX chia sẻ, sau 7 vụ sản xuất, năng suất lúa của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước. Như vụ xuân năm nay, bà con vừa được mùa vừa được giá. Ước năng suất của HTX đạt 65 tạ/ha, cao hơn vụ xuân 2023 khoảng 5 tạ/ha, bán với giá bình quân hiện nay là 6.000đ/kg, cao hơn vụ xuân năm 2023 từ 700 – 800đ/kg, nông dân thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.

“Tôi cho rằng sản xuất lúa ở Hà Tĩnh nói chung, xã Lưu Vĩnh Sơn nói riêng thu lãi được như bây giờ đã là một kỳ tích. Như diện tích HTX Bắc Sơn tích tụ trước đây dân bỏ hoang không làm, bây giờ cả cánh đồng rộng lớn thu hàng trăm tấn lúa. An sinh xã hội là đây, làm giàu là đây chứ đâu”, anh Nhân nói.  

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh phấn khởi thông tin, đến thời điểm này, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 33.000ha lúa xuân, đạt 55% tổng diện tích. Qua thống kê, đánh giá, ước năng suất đạt gần 61 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2023 gần 1,5 tạ/ha. Một số vựa lúa của tỉnh tiếp tục phá kỷ lục năng suất lúa vụ xuân như: Đức Thọ (đạt 64,5 tạ/ha), Can Lộc (63,39 tạ/ha), Cẩm Xuyên (63 tạ/ha), Thạch Hà (61 tạ/ha)…

"Cuộc cách mạng" cơ cấu giống

Phân tích về sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực sản xuất lúa của Hà Tĩnh, anh Trần Hậu Nhân, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn) cho rằng, ngoài thành công của công cuộc tích tụ, tập trung ruộng đất, yếu tố giống lúa đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh tiếp tục lập kỷ lục năng suất lúa vụ xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh tiếp tục lập kỷ lục năng suất lúa vụ xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Cách đây hơn 4 năm, xứ đồng Thiên Đình của xã Lưu Vĩnh Sơn chỉ rộng gần 28ha nhưng mỗi vụ sản xuất có đến 15 - 20 giống lúa được gieo cấy. Giống ngắn ngày có, dài ngày có; lúa thuần có, lúa lai có. Chính vì không đồng nhất bộ giống nên công đoạn chăm sóc, thu hoạch cũng lộn xộn, năng suất bình quân thấp.

Bây giờ, cũng trên cánh đồng ấy, người dân chỉ gieo cấy 2 giống lúa là Xuân Mai và Nếp. Toàn bộ diện tích đều xuống giống một lần, phun thuốc BVTV, thu hoạch một lần và được HTX thu mua lúa tươi ngay tại ruộng.

“Đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng mỗi địa phương, mỗi xứ đồng khác nhau nên việc cơ cấu giống lúa phù hợp sẽ quyết định 50% thành – bại của vụ sản xuất. Việc gút lại bộ giống chủ lực cũng sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng nhất, dễ tiếp cận thị trường”, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho hay, cơ cấu bộ giống càng ngày càng thay đổi nhiều theo hướng năng suất, chất lượng cao. Việc lựa chọn giống cũng co lại, không dàn trải như xưa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.

“Ngày xưa có khi chúng tôi cơ cấu 20 – 30 giống lúa/vụ sản xuất nhưng bây giờ chỉ còn 10 – 12 giống. Ngoài các giống đã khẳng định được tính thích nghi, năng suất, chất lượng như: Bắc Thịnh, HT1, BT09, Nếp 98…, Thạch Hà cũng mạnh dạn sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới như Hana số 7, Hương Bình để tìm thêm bộ giống chất lượng”, ông Sáu thông tin.

Việc liên tục đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản suất đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Việc liên tục đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản suất đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Cũng theo ông Sáu, sau yếu tố giống, những năm gần đây, việc cơ giới hóa trong sản xuất cũng tăng độ mùn cho đất; việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới 30 - 35km kênh mương nội đồng mỗi năm cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp nước đến đồng ruộng.

Tiên phong chuyển giao các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất tại Hà Tĩnh là Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Vụ xuân năm 2024, doanh nghiệp này sản xuất thử nghiệm giống lúa TBR 87 tại 2 huyện Can Lộc và Hương Khê, diện tích 1ha/huyện.

Kết quả cho thấy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Bị nhiễm nhẹ đạo ôn lá, không bị đạo ôn cổ bông và rầy gây hại, trong khi đối chứng bị đạo ôn và rầy gây hại nặng. Năng suất thu hoạch tại huyện Hương Khê ước đạt 61 tạ/ha; tại huyện Can Lộc 74 tạ/ha.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.