| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Hải Phòng dùng trí tuệ nhân tạo viết kịch bản clip

Thứ Hai 28/10/2024 , 07:30 (GMT+7)

Khi viết kịch bản thì người phải nghĩ lâu nhưng đưa ra câu lệnh cho AI (trí tuệ nhân tạo) nó nghĩ hộ rồi mình chỉ việc gọt giũa lại là xong.

Chị Dược đang dẫn chương trình cho một clip khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Dược đang dẫn chương trình cho một clip khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đặng Thị Dược - cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tiên Lãng kể sau khi được học khóa 1 tuần về sản xuất clip khuyến nông ở Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, hàng tuần nhóm của chị phải thực hiện đủ số lượng và chất lượng video clip theo quy định. Là người phụ trách khâu viết kịch bản cho các clip có thời lượng 4 - 5 phút, chị nhận xét nó cũng giống như một bài tập làm văn, có mở bài, thân bài, kết luận, trong đó mở bài là chào và giới thiệu về nội dung; thân bài nói về kỹ thuật canh tác của những mô hình điển hình, nếu thời lượng dài có thể xen vào lời giới thiệu về sản phẩm của mô hình, nhu cầu kết nối tiêu thụ ra sao; kết luận là lời chào tạm biệt.

Mỗi tuần Trạm Khuyến nông huyện Tiên Lãng cũng như các trạm khác của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng phải thực hiện 5 clip như vậy. “Viết kịch bản đến cái thứ sáu, thứ bảy thì em bị bí, vì cái nào thấy cũng giống nhau, đều là phòng trừ sâu bệnh cùng theo một mô típ. Các cán bộ khuyến nông làm clip của các trạm khác trong Thành phố có một nhóm zalo, định kỳ tối thứ sáu từ 20 giờ đến khoảng 23 giờ đều họp qua zoom để báo cáo hoạt động trong tuần. Chúng em đề xuất rằng khó viết kịch bản quá, bởi thế Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã quyết định dùng Chat GPT (trí tuệ nhân tạo) để viết kịch bản cho thêm sáng tạo”.

Mỗi trạm khuyến nông có 1 người được cài Chat GPT vào điện thoại, có tài khoản. Thay vì mất vài tiếng để viết kịch bản như trước thì nay chỉ mất vài phút để trí tuệ nhân tạo viết rồi mình gọt giũa lại là xong. Việc viết kịch bản như thế có thể thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

Chị Dược xem kịch bản do Chat GPT viết ngay trên bờ đầm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Dược xem kịch bản do Chat GPT viết ngay trên bờ đầm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói rồi chị Dược rút điện thoại, soạn yêu cầu nội dung cho Chat GPT: “Hộ gia đình trồng táo đại Đài Loan theo hướng hữu cơ có hiệu quả cao”. Trí tuệ nhân tạo trả lời sau mấy giây bằng cách đưa ra một loạt các từ mô tả về kỹ thuật trồng, chăm sóc táo đại Đài Loan. Thấy không hợp, chị lại soạn một yêu cầu khác: “Hộ gia đình làm kinh tế giỏi, cho thu nhập cao nhờ giống táo đại Đài Loan theo hướng hữu cơ tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng”. Lần này trí tuệ nhân tạo lại trả lời sau mấy giây bằng mở đầu là kỹ thuật trồng táo đại Đài Loan hữu cơ, thân bài là hiệu quả kinh tế, lợi ích bền vững và kết luận. Tất cả chừng 500 chữ.

Chưa hài lòng, chị lại ra lệnh: “Dài gấp đôi”. Vậy là Chat GPT ra một văn bản dài cỡ 1.000 chữ, chi tiết hơn, phù hợp với một kịch bản clip hơn. Chị chỉnh sửa lại bản này rồi cóp kịch bản đó đưa vào zalo cho nhóm sản xuất clip chiều hôm ấy để xuống vườn táo của chị Vũ Thị Rua ở thôn Tân Quang, xã Vinh Quang tác nghiệp. Như một ekip sản xuất truyền hình đầy đủ, 5 cán bộ của Trạm phụ trách mỗi người một khâu từ kịch bản, quay phim, hậu kỳ, chuyển lên mạng youtube và trả lời comment.

Chị Nguyễn Thanh Tùng phụ trách quay phim giải thích, sau khi xem kịch bản, chị phải sáng tạo bằng cách nghĩ nếu mình đứng trên đồng lúa, bờ ao, hay chuồng trại thì phải quay những khuôn hình như thế nào, toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh ra sao, rồi lại quay cảnh MC dẫn chương trình sao cho tự nhiên và gần gũi. Bên cạnh đó, những cán bộ khuyến nông phụ trách xã của Trạm sau khi được học về sản xuất clip đều phải ý thức đi trên đường, ra hiện trường thấy gì phù hợp là rút điện thoại quay ngay, phỏng vấn ngay để gửi về cho tổ sản xuất clip xử lý, làm tư liệu.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.