| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng tìm giải pháp khắc phục tình trạng bỏ ruộng

Thứ Tư 03/07/2024 , 10:20 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng vừa tổ chức diễn đàn với sự tham dự của hàng trăm đại điền để tìm giải pháp hạn chế tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang tràn lan.

Tình trạng bỏ ruộng hoang, không canh tác diễn ra ngày càng phố biến ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tình trạng bỏ ruộng hoang, không canh tác diễn ra ngày càng phố biến ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Vụ xuân năm 2024 trên địa bàn TP Hải Phòng có gần 4 nghìn ha đất ruộng bị người dân bỏ hoang, không canh tác, con số này có giảm so với cùng thời điểm năm 2023 do các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp và tích tụ ruộng đất nhưng không đáng kể.

Để khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng, cùng với các mô hình đang triển khai, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã tổ chức diễn đàn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp và người dân để tìm giải pháp.

Thông qua hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp đã giới thiệu, kết nối với các đại điền tích tụ ruộng đất, máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, một số thiết bị bay không người lái, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trên các cánh đồng lớn.

Các đại điền cũng đã chia sẻ về mô hình việc tích tụ ruộng đất dưới hình thức thu gom ruộng bỏ hoang để sản xuất lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như những khó khăn về cơ chế chính sách, nhân lực, kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, đề xuất các giải pháp để cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ.

Ông Nguyễn Ngọc Đam (đứng) - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chia sẻ về thực trạng bỏ ruộng và nêu quan điểm, giải pháp thực hiện. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Ngọc Đam (đứng) - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chia sẻ về thực trạng bỏ ruộng và nêu quan điểm, giải pháp thực hiện. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Hiệu (thôn Hạ Đồng, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo) chia sẻ, gia đình hiện đang có khoảng 30ha trồng lúa. Trước đây trên địa bàn xã An Hòa có hàng chục ha đất ruộng bị bỏ hoang nhưng gần đây, nhờ sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, diện tích đất bỏ hoang đã giảm xuống chỉ còn khoảng 5ha, chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Theo anh Hiệu, nguyên nhân bỏ ruộng có nhiều yếu tố như lao động chuyển dịch sang công nghiệp, chuột phá hại, nguồn nước khó khăn, cấy lúa không hiệu quả nên người dân không mặn mà.

Do vậy, cần có cơ chế tích tụ ruộng đất, đầu tư thiết bị máy móc, giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu để tăng năng suất lao động và có những chương trình kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức… nhằm thay đổi nhận thức người dân, thay đổi tập quán sản xuất.

Bà Phạm Thị Khiếu (xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng) cho biết, gia đình hiện đang có 3 mẫu ruộng, trước đây chỉ canh tác theo kinh nghiệm truyền thống, thi thoảng có biết thêm một số công nghệ mới, giống mới, phân bón, cách canh tác mới nhưng không cụ thể. Do đó, khi được một số doanh nghiệp giới thiệu về giống, phân bón, được xem trình chiếu kết quả sản xuất, bà Khiếu rất chăm chú lắng nghe.

Người dân chăm chú nghe thông tin, chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân chăm chú nghe thông tin, chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

“Lần đầu được dự hội nghị thế này, thấy toàn thông tin mới, những cái tôi chưa biết. Đồng đất quê tôi bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng nên canh tác gặp nhiều khó khăn, năng suất cây trồng không cao. Rất cần những hội nghị thế này để chúng tôi có thông tin, chia sẻ với nhau, từ đó khắc phục dần tình trạng bỏ ruộng”, bà Khiếu bộc bạch.

Còn ông Nguyễn Duy Bi hiện có hơn 5ha lúa ở xã Du Lễ (huyện Kiến Thụy) cho biết, gia đình trồng lúa đã nhiều năm, các vấn đề như tích tụ ruộng đất, giống và phân bón để cải thiện năng suất đều đã làm được nhưng việc diệt ốc bươu vàng rất khó khăn. Hàng năm, gia đình phải sử dụng thuốc diệt ốc và các phương pháp khác để bảo vệ mùa màng nhưng rất lo lắng về sự độc hại.

“Sản xuất lớn như chúng tôi mà có lúc còn nghĩ đến buông bỏ để làm cái khác thì với những hộ sản xuất manh mún, khi sản xuất khó khăn họ sẽ bỏ thôi. Trước đây tôi lo về nạn ốc bươu nhưng hôm nay khi được giới thiệu về thuốc diệt ốc mà cá tôm không chết, thấy an tâm hơn”, ông Bi bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, diện tích ruộng đất bị bỏ hoang ở Hải Phòng rất lớn, có nhiều nguyên nhân nhưng chung quy lại là canh tác không hiệu quả, đầu ra bấp bênh nên người dân chán nản.

Một doanh nghiệp giới thiệu công nghệ diệt ốc bươu vàng mới tại hội nghị. Ảnh: Đinh Mười.

Một doanh nghiệp giới thiệu công nghệ diệt ốc bươu vàng mới tại hội nghị. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, nhiều địa phương ở Hải Phòng đã có nhiều cố gắng trong việc hỗ trợ nông dân, trong đó huyện Kiến Thụy là điển hình về chính sách tích tụ ruộng đất, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở xã Kiến Quốc, Ngũ Phúc…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, cần quan tâm hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, cần có những chính sách để người dân yên tâm sản xuất, sau đó là kết nối để chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình tốt.

Thời gian tới, các đơn vị chức năng cần giới thiệu các giải pháp sản xuất hiệu quả, quản lý sản phẩm tốt, giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm và làm tốt vai trò kết nối.

Tính đến năm 2024, trên địa bàn TP Hải Phòng có 189 đại điền tích tụ ruộng đất được 2.2556ha, chiếm 5,4% tổng diện tích đất trồng lúa toàn Thành phố. Giai đoạn 2019 - 2023, toàn TP Hải Phòng đã chuyển đổi 3.880ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.