Khóa tập huấn có sự tham gia của 30 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyên môn và cộng tác viên khuyến nông trên địa bàn tỉnh.
Khoá tập huấn nhằm mục đích cung cấp các thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) như cách nhận biết về dịch, các biện pháp phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn vệ sinh, khử trùng và tiêu độc; hướng dẫn kỹ thuật tiêu hủy bắt buộc lợn bệnh và sản phẩm của lợn bệnh.
Bên cạnh đó, phổ biến các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn gồm các nguyên tắc cơ bản trong chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi và cách nhận biết bệnh thường gặp trên lợn…
Hệ thống khuyến nông vào cuộc
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Hạ Thúy Hạnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều buổi họp trực tuyến để chỉ đạo các địa phương vào cuộc.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại khóa tập huấn |
Theo đó, đối với vùng lõi và vùng dịch thì cơ quan thú y Trung ương, địa phương sẽ triển khai xử lý, bao vây dập dịch và tiến hành các vấn đề tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn bị dịch bệnh nhằm hạn chế sự lây lan rộng.
Đối với vùng nguy cơ cao (cách vùng dịch 3km) và vùng đệm (cách vùng dịch 10km), Bộ cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vào cuộc hỗ trợ. Cụ thể, hệ thống khuyến nông sẽ tham gia vào các công việc đào tạo, tập huấn để bà con chăn nuôi an toàn, có kiểm soát, đảm bảo ổn định hoạt động chăn nuôi.
Bà Hạnh cho biết thêm, đơn vị đã gửi công văn đến Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố chuẩn bị tinh thần cao trong việc phòng chống DTLCP. Các cán bộ khuyến nông hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đã vào cuộc xử lý tiêu độc, khử trùng cũng như tăng cường hướng dẫn bà con chăm sóc cho đàn vật nuôi khỏe để kháng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng triển khai 2 lớp tập huấn TOT về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học và kiểm soát bệnh DTLCP cho 2 địa phương xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên trên cả nước là Hưng Yên và Thái Bình.
“Hy vọng sau đợt tập huấn này, các học viên được đào tạo sẽ về địa phương mình tập huấn lại cho người dân, các hộ chăn nuôi cách nhận biết DTLCP, cách phát hiện dịch sớm, cùng với công tác tiêu độc, khử trùng hiệu quả. Hướng dẫn người dân thực hiện tốt “5 không” theo quy định của Luật Thú y”, bà Hạnh nói.
Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chia sẻ, dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND các huyện, xã tham gia công tác phòng chống dịch tại các địa phương có dịch, địa phương nằm trong vùng uy hiếp…
Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân nhận biết sự nguy hiểm của dịch và nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch.
Cầm tay chỉ việc
Trong khóa tập huấn này, ngoài việc truyền tải những thông tin về dịch bệnh, cách phòng chống dịch…, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn tổ chức diễn tập, hướng dẫn các học viên về các biện pháp phòng chống, xử lý lợn nhiễm tả châu Phi.
Các học viên tham gia diễn tập xử lý lợn nhiễm tả châu Phi |
Với các kiến thức thu được sau khoá tập huấn sẽ giúp các cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyên môn, cộng tác viên khuyến nông tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, trực tiếp tập huấn nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi để duy trì sự an toàn về dịch bệnh lâu dài và ổn định.
Chị Lương Thị Yến, khuyến nông viên xã Vũ Lễ (huyện Kiến Xương) cho biết, kết thúc khóa tập huấn, chị đã nắm bắt được nhiều kiến thức về các triệu chứng bệnh tích của DTLCP; các biện pháp phòng chống dịch, cách vệ sinh, khử trùng tiêu độc; kỹ thuật tiêu hủy lợn bệnh.
Ngoài ra, tích lũy được thông tin bổ ích về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, cách nhận biết một số dịch bệnh thường xuyên gặp trên lợn… Từ đó, có nền tảng kiến thức để về địa phương truyền tải lại cho người dân và các hộ chăn nuôi.
Còn ông Nguyễn Tường Bao, cán bộ khuyến nông xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy) thổ lộ: Qua buổi học lý thuyết và thực hành, tôi đã hiểu DTLCP nguy hiểm đến mức nào?, ví dụ như chưa có vắc xin phòng bệnh, mức độ lây lan cao và tỷ lệ chết 100%... Tôi cũng nắm rõ được quy trình tiêu hủy lợn mắc dịch cần phải làm những gì? Khi phát hiện lợn ốm, chết sẽ khoanh vùng ổ dịch, sau đó đào hố chôn sâu 3m (cách chuồng trại 30m), chuẩn bị vôi bột, thuốc khử trùng, dụng cụ phục vụ tiêu hủy lợn để đảm bảo an toàn cho người và tránh việc lây lan sau này".
“Sau buổi tập huấn, tôi sẽ về địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc chăn nuôi. Và, sẽ tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương”, ông Bao bộc bạch.
Phải nói rằng, trong công tác phòng chống dịch, hệ thống khuyến nông các cấp từ Trung ương đến địa phương giữ vai trò rất quan trọng. Ngoài việc tham gia hỗ trợ xử lý dịch bệnh, hệ thống khuyến nông còn làm tốt công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, người dân.
Bệnh DTLCP do một loại virus có sức đề kháng cao trong môi trường gây ra. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang virus trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh DTLCP. Virus DTLCP lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. |