| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình: Dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục phát sinh và lây lan

Thứ Sáu 08/03/2019 , 15:28 (GMT+7)

Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 10 tỉnh trên cả nước. Tại tỉnh Thái Bình, dịch vẫn tiếp tục phát sinh và lây lan…

5 huyện “dính” dịch

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, ngày 12/2, DTLCP xuất hiện tại 2 hộ chăn nuôi của xã Đông Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Từ đó, đến nay dịch tiếp tục phát sinh và lây lan sang các xã, huyện khác.

Lực lượng cắm chốt kiểm dịch kiểm tra các phương tiện giao thông ra vào địa phương

Đến ngày 6/3 dịch đã xảy ra ở 44 xã, 5 huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư và Thái Thụy. Số đầu lợn đã tiêu hủy là 3.384 con, tổng trọng lượng là hơn 195 tấn.

Để “khoanh vùng, dập dịch”, hàng chục chốt kiểm soát dịch bệnh tại các xã có dịch, những vùng có khả năng bị uy hiếp cao và tại các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh lân cận như Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đã được dựng lên. Hàng ngày, lực lượng cắm chốt thực hiện việc rắc vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, kiểm soát xe ra vào…

Ngoài hệ thống loa truyền thanh, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện in tờ rơi, sử dụng xe lưu động để thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch và đề nghị các hộ thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật thú y.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình lo lắng, hiện nay DTCLP bùng phát nhanh và có nguy cơ lan rộng. Do đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, tập trung mọi lực lượng, phân công về các xã phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo và giám sát công tác phòng chống dịch.

Cũng theo ông Nhương, Thái bình là tỉnh có tỉnh tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ cao, chuồng trại chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… vì vậy công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh, xử lý ổ dịch còn gặp nhiều khó khăn.
 

Căng mình chống dịch

Từ khi xảy ra DTLCP, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo sát sao các ngành các cấp cùng nhau sắn tay dập dịch. Tuy nhiên, đây là dịch chưa có vắc xin phòng bệnh, tốc độ lây lan cao nên số lượng lợn tiêu hủy do bị ốm, chết trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại xã xuất hiện ổ dịch

Huyện Đông Hưng là huyện thứ 2 của tỉnh Thái Bình xuất hiện ổ DTLCP tại xã Lô Giang. Sau khi có thông tin chính thức về ổ dịch, huyện Đông Hưng đã chỉ đạo các xã có ổ dịch, các xã nằm vùng uy hiếp, vùng đệm tập trung phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm bắt được, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Đông Hưng đã có hơn 10 xã xuất hiện DTLCP. Công tác phòng chống dịch đang được các địa phương thực hiện nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ…

Có mặt tại xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng), theo ghi nhận của chúng tôi, tại các trục đường liên xã, liên xóm đều có chốt kiểm dịch, vôi bột được vãi phủ trắng đường. Mỗi chốt có 3 - 4 người làm nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Hữu Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá thổ lộ, sau khi nhận được thông tin trên địa bàn có lợn ốm, chính quyền địa phương đã xuống trang trại kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các thôn, xóm.

Đến ngày 6/3, chính quyền phối hợp với các đơn vị liên quan xuống lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn ốm của 5 hộ. Theo đó, 4/5 mẫu bệnh phẩm có virus dương tính với DTLCP. Sau khi có kết quả, toàn bộ số lợn đã được tiêu hủy đúng quy trình.

“Đến ngày hôm nay (8/3) trên địa bàn xã tiếp tục xuất hiện lợn ốm bất thường. Sau khi nhận thông tin từ người dân, chính quyền đã báo cáo vụ việc lên cấp trên và đang chờ cán bộ Trạm Thú y huyện về lấy mẫu”, ông Viên cung cấp thêm thông tin.

Tại các trục đường liên xã, liên xóm đều có chốt kiểm dịch

Để chủ động phòng chống dịch, chính quyền địa phương xã Nguyên Xá đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch. Chỉ đạo các thôn, xóm phát tờ rơi, đài phát thanh xã liên tục thông báo về tình hình dịch bệnh để bà con nắm bắt được…

Láng giềng với xã Nguyên Xá là xã Phong Châu. Cũng như các địa phương khác trong huyện, xã Phong Châu đã thành lập các chốt kiểm dịch nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan trong xã này.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.