| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm người lao động những ngày cuối năm: [Kì 2] Trăn trở đường về

Thứ Năm 13/01/2022 , 09:08 (GMT+7)

Đối với nhiều công nhân việc nghỉ tết, sắm tết là điều xa xỉ. Dù rất nhớ nhà nhưng hiện tại được làm việc mới thực sự là nhu cầu thiết yếu...

Vật giá leo thang, tiền lương bèo bọt

Những ngày đầu năm 2022, đến với khu nhà trọ nằm ở khu vực giáp đường đê thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội mới càng thấu hiểu được nỗi khó khăn, lo âu của những người công nhân trong thời buổi dịch bệnh trước khi tết nguyên đán cận kề.

Khu trọ công nhân t

Khu trọ công nhân t

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Hoài (nhân vật đã được đổi tên) quê Hà Tĩnh là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Năm nay do dịch bệnh hoành hành, tôi cũng đang nuôi con nhỏ, không được tham gia thực hiện 3 tại chỗ trong đợt dịch vừa qua cũng như không được tăng ca mà chỉ được làm theo thời gian quy định nên thưởng tết dương năm nay có phần khiêm tốn hơn mọi năm với 5 cân gạo”.

Gia đình chị Hoài luôn trong tâm trạng thấp thỏm, ngóng chờ vào thưởng tết nguyên đán 2022.

Gia đình chị Hoài luôn trong tâm trạng thấp thỏm, ngóng chờ vào thưởng tết nguyên đán 2022.

Mặt khác do không tăng ca nên thu nhập của chị cũng chỉ được hưởng theo mức cơ bản là 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, chồng chị là lao động tự do (chạy Grab) nên đợt dịch vừa qua cũng không thể kiếm thêm thu nhập, khiến tiền tết năm nay đối với gia đình chị Hoài càng thêm xa vời. Chị cũng chỉ hy vọng đợt thưởng tết âm lịch sắp tới được như mọi năm, không thì thêm được tháng lương thứ 13 đã cảm thấy hạnh phúc.

Khó khăn nhất phải kể đến trường hợp của anh Quang quê Nghệ An, chia sẻ với phóng viên sau khi đi làm ca đêm về. Khi nhắc đến câu chuyện thưởng tết anh Quang chạnh lòng, anh đã ra Hà Nội làm khu công nghiệp được 5 năm. Nhưng dịch Covid – 19 khiến anh lâm vào hoàn cảnh cực kì khó khăn. Đợt tết dương lịch 2022 anh cũng không được thưởng, chỉ được công đoàn cho 100 nghìn đồng.

Anh Quang trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Anh Quang trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Đợt cao điểm dịch vừa rồi, công ty phải dừng sản xuất nên mãi đến tháng 9 mới chuẩn bị thực hiện “3 tại chỗ” hết giãn cách lúc đấy anh Quang mới được quay trở lại công ty làm việc. Ngoài ra, do khu trọ nơi anh ở không bị phong tỏa nên giãn cách xã hội cũng không được hỗ trợ. Thế nhưng, khi được đi làm trở lại được hơn tháng thì anh Quang lại bị tai nạn, gãy chân nên lại phải nghỉ tiếp. Hơn một tháng khi quay lại làm việc cũng khó có thể hoạt động như bình thường. May mắn anh được nhận được sự chia sẻ đùm bọc của anh em khu trọ cũng như được giảm tiền nhà, tiền điện nước nên sinh hoạt cũng đỡ đi phần nào.

Anh Quang đã chia sẻ về hoàn cảnh éo le của mình khi chỉ còn có mẹ già tại quê nhà, nên anh phải gửi được tiền về cho mẹ. Thế nhưng năm nay, dịch bệnh hoành hành, sản xuất kinh doanh bị đình trệ khiến tết nguyên đán này anh chưa không biết như thế nào?. Dù rất nhớ nhà nhưng anh cũng không thể tranh thủ về quê do chi phí đi lại và công ty mới được hoạt động sản xuất để đảm bảo đơn hàng bù do dịch bệnh.

Về khoản thưởng tết Nguyên đán như mọi năm thời điểm này cũng chưa có thông báo. Thế nhưng anh vẫn hi vọng vào khoản tiền thưởng tết âm năm nay có thể được thưởng như mọi năm là 2 tháng lương để có tiền gửi về quê nhà.

Chị Huyền quê Phú Thọ chia sẻ hiện chị đang công tác tại nhà máy Cannon. Đợt dịch vừa rồi, chị được công ty tăng lương mỗi người được thêm 100 nghìn đồng. “Lương công nhân đã ít ỏi em bảo tăng có thêm 100 nghìn đồng thì thấm vào đâu trong khi đó vật giá đang ngày càng leo thang, trước khi có dịch chị cũng đã tích cóp được một ít để đề phòng nhưng vừa rồi cũng phải mang ra chi tiêu hết”, chị Huyền hụt hẫng kể.

Trong đợt tết dương lịch vừa rồi chị cũng chỉ được thưởng bằng hiện vật nhưng giá trị cũng không quá 100 nghìn đồng. Còn đối với tết âm lịch, hiện công ty chưa đưa ra mức thưởng nhưng chị đang rất hụt hẫng, ngóng trông vì theo thông tin được chia sẻ có thể chỉ được thưởng 5 triệu đồng, trong khi mọi năm là 8 triệu đồng.

Trăn trở đường về

Nhiều công nhân thấp thỏm, chờ đợi về tình hình dịch bệnh cũng như những quy định của địa phương và lịch nghỉ tết của công ty để quyết định có về quê ăn tết hay không. 

Nhiều công nhân thấp thỏm, chờ đợi về tình hình dịch bệnh cũng như những quy định của địa phương và lịch nghỉ tết của công ty để quyết định có về quê ăn tết hay không. 

Thời gian qua, tại một số địa phương ở tỉnh Thanh Hóa, người dân (không cần biết vùng có cấp độ dịch cao hay thấp) cứ về quê là buộc phải test nhanh Covid-19 và nhiều trường hợp khác phải cách ly tại nhà từ 7 đến 14 ngày.

Trong giai đoạn dịp tết nguyên đán đang cận kề, nhu cầu về quê ăn tết của nhiều lao động xa quê, mới đây, tại tỉnh Thanh Hóa đã có 2 địa phương là TP.Thanh Hóa và huyện Nông Cống có thư ngỏ kêu gọi, khuyên người dân đang học tập, làm việc xa quê không nên về quê trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để cùng chung tay với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện, theo Quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế về phân cấp vùng dịch, những lao động xa quê đặc biệt ở những vùng có dịch cấp độ cao và ở quê hương đang có dịch bệnh việc trở về quê ăn tết là một điều khó khăn. Tiếp xúc với những người công nhân trong những ngày này, chúng tôi mới thấy được nỗi niềm lo âu, thấp thỏm khi tết nguyên đán đang cận kề.

Anh Thiệp trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Anh Thiệp trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Những ngày này, anh Thiệp quê Hàm Yên, Tuyên Quang đang ra sức tăng ca để kịp đơn hàng tồn lại trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua. Trao đổi với Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trong lúc chuẩn bị đi làm ca đêm ngày Chủ Nhật, anh cho biết: “tết năm nay em cũng chưa biết được là có về được không, vì ở huyện em đang có dịch nên muốn về là phải đi cách ly tập trung 7 ngày còn nếu về từ vùng đỏ thì phải cách ly tập trung 14 ngày. Như anh thấy, xung quanh chỗ em, nhiều xóm trọ đang phải cách ly tại nhà tình hình dịch bệnh tại khu vực Đại Mạch, Đông Anh không biết có thành vùng đỏ hay không. Đợt tết dương vừa rồi em cũng định về nhưng thấy về phải cách ly tập trung nên cũng đành thôi chứ từ đầu năm em cũng chưa về được, em cũng mong ngóng về quê lắm nhưng dịch bệnh đi lại khó khăn lại phải phụ thuộc vào lịch sản xuất của công ty nên chắc cũng khó anh ạ”.

Anh Thiệp cũng trăn trở, vì thông thường công ty anh ngày 26 tết mới được nghỉ và đi làm lại vào ngày mùng 6 tết. Tết năm nay người lao động được nghỉ 9 ngày. Do đó, nếu về phải cách ly 7 ngày thì cũng chỉ được ở nhà 2 ngày rồi lại vội vàng lên Hà Nội cho kịp lịch sản xuất. Ngoài ra, nếu chẳng may nếu khu vực trọ thành vùng đỏ thì về phải cách ly 14 ngày thì coi như “mất tết” mà còn không kịp quay lại công ty sản xuất.

Anh cũng chia sẻ thêm, “ Năm nay, thưởng tết công ty em nghe thông báo thấy được được thêm 2 triệu với tháng lương thứ 3. Về quê như mọi năm thì còn tùy quà cáp được nhiều thì quà nhiều còn được ít thì cũng quà ít hơn đôi khi quà cáp cũng là cái để cho bố mẹ yên lòng chứng minh con mình vẫn sống tốt, có công có việc. Nhưng năm nay dịch bệnh chỉ cần về thôi đã là mừng rồi. Em cũng đã tiêm 2 mũi nhưng quy định ở huyện như vậy mình vẫn phải chấp hành mà như vậy tính ra ở nhà cũng chỉ được 2 ngày mà khi lên cũng chưa biết thế nào chẳng may đi cùng xe với F0 thì lên Hà Nội lại phải cách ly nên nếu ở quê làm căng quá thì em cũng không dám về”.

  • Tags:
Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.