| Hotline: 0983.970.780

Kiểm ngư Bình Định trách nhiệm nặng nề nhưng thiếu thốn đủ bề

Thứ Ba 19/12/2023 , 10:27 (GMT+7)

Lực lượng kiểm ngư Bình Định ngoài tuần tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền biển đảo còn có trách nhiệm chống khai thác vi phạm IUU, trọng trách lớn nhưng lại… thiếu đủ thứ.

Thiếu nhân lực

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, từ năm 2021, tỉnh đã thành lập lực lượng kiểm ngư theo Quyết định số 366/QĐ/UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh Bình Định.

Quyết định này phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các chi cục chuyên ngành trực thuộc Sở NN-PTNT Bình Định. Trong đó, có quy định tổ chức lại bộ máy của Chi cục Thủy sản Bình Định gồm 4 phòng chuyên môn, trong đó có Phòng Kiểm ngư - Thanh tra. Như vậy, kể như lực lượng kiểm ngư ở Bình Định đã được thành lập với quy mô cấp phòng trực thuộc Chi cục Thủy sản.

Theo phân cấp về khai thác thủy sản, từ vùng lộng trở vào vùng ven bờ được giao cho ngành chức năng địa phương quản lý. Trong khi Bình Định có chiều dài bờ biển đến 134km, tính từ vùng ven bờ ra đến vùng lộng khoảng 30km, như vậy, vùng quản lý của lực lượng kiểm ngư Bình Định trong hoạt động khai thác thủy sản rộng đến hơn 4.000km2. Đó là chưa kể 3 đầm lớn là Trà Ổ, Đề Gi và Thị Nại có tổng diện tích khoảng 8.000ha nữa.

Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư Bình Định còn phải bổ sung cho các tổ IUU trên địa bàn 2 cán bộ để phục vụ công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tàu của lực lượng kiểm ngư Bình Định tuần tra trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu của lực lượng kiểm ngư Bình Định tuần tra trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Công việc bộn bề là vậy, nhưng Phòng Kiểm ngư - Thanh tra của Chi cục Thủy sản Bình Định có chỉ tiêu vỏn vẹn 8 biên chế hành chính. Hiện tại, chỉ có 6 biên chế hiện hữu, 2 biên chế còn lại chưa tuyển dụng.

Thêm nữa, cán bộ Phòng Kiểm ngư - Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định hiện cũng chưa được bổ nhiệm kiểm ngư viên. Để được bổ nhiệm kiểm ngư viên, cán bộ Phòng Kiểm ngư - Thanh tra phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được đào tạo nghiệp vụ bài bản.

Mặc dù Cục Thủy sản có tổ chức đào tạo kiểm ngư viên nhưng với số lượng rất ít, nên cán bộ Phòng Kiểm ngư - Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định chưa được tham gia đào tạo.

“Chức năng của ngành kiểm ngư là quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trên biển nhằm hướng đến nghề cá bền vững. Đó là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản đang nỗ lực chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để gỡ “thẻ vàng” IUU như hiện nay”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.

Yếu vật lực

Lực lượng kiểm ngư Bình Định thiếu nhân lực đã đành, đến cả phương tiện để tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động trên biển cũng thiếu trầm trọng.

Hiện nay, Chi cục Thủy sản Bình Định chỉ có 2 tàu phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên biển nhưng đã quá “già nua”; trong đó, 1 tàu có chiều dài khoảng 16-17m và 1 tàu dài 14-15m. Do đó, những tàu nói trên chủ yếu chỉ hoạt động ven bờ, ra cách bờ khoảng 5-7 hải lý chứ không dám đi xa hơn, trong khi phạm vi trách nhiệm có đến hơn 4.000km2.

Hơn nữa, những con tàu cũ kỹ nói trên chỉ có thể chịu được sóng gió cấp 5, trong khi ở khu vực miền Trung, thời điểm biển có sóng gió trên cấp 5 chiếm đến 1 nửa thời gian trong năm, thời gian biển động kéo dài từ tháng 8-9 năm trước kéo dài sang tháng 2-3 năm sau. Thế nên hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển của lực lượng bị hạn chế rất nhiều.

Tàu của lực lượng chức năng dừng tàu cá ghi ngờ vi phạm để kiểm tra. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu của lực lượng chức năng dừng tàu cá ghi ngờ vi phạm để kiểm tra. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm nữa, 6 cán bộ của Phòng Kiểm ngư - Thanh tra của Chi cục Thủy sản Bình Định phải đảm nhiệm 2 công tác rất khác biệt là kiểm ngư và thanh tra. Theo phân tích của ngành thủy sản Bình Định, thanh tra chỉ thi hành nhiệm vụ khi “chuyện đã rồi”. Thanh tra phải có quy trình, muốn kiểm tra phương tiện hoạt động trên biển, cán bộ thực thi nhiệm vụ phải cầm trong tay Quyết định do cấp có thẩm quyền ban hành. Nếu phát hiện vi phạm thì mới tiến hành thủ tục xử lý.

Còn nhiệm vụ của kiểm ngư là phải thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển để ngăn chặn vi phạm. Nếu thấy tàu cá có dấu hiệu vi phạm thì đủ thẩm quyền yêu cầu tàu cá ấy dừng hoạt động, phát hiện ra vi phạm thì đủ thẩm quyền xử lý ngay, và được phép dùng công cụ hỗ trợ để khống chế nếu gặp đối tượng chống đối. Phân tích rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn được quy định, lực lượng kiểm ngư tiếp cận với những tàu cá có dấu hiệu vi phạm dễ dàng hơn lực lượng thanh tra.

“Hiện nay, lực lượng kiểm ngư Bình Định không còn xử lý những vi phạm trên biển nữa, nếu trong quá trình đi tuần tra, kiểm soát phát hiện có tàu cá vi phạm thì lập hồ sơ, chuyển cho Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định xử lý”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.