| Hotline: 0983.970.780

‘Phải có thực quyền, thẩm quyền mới hoạt động hiệu quả’

Thứ Hai 11/12/2023 , 11:27 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng khi bàn giải pháp nâng cao năng lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của lực lượng kiểm ngư năm 2024.

Tăng cường thực thi pháp luật trên biển

Thực hiện nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), công tác chỉ đạo, điều hành thực thi pháp luật thủy sản được lãnh đạo các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Nhiều địa phương đã tổ chức mở cao điểm ra quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thành lập các tổ xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tàu cá vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình, qua đó đã góp phần nâng cao hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, người dân về các quy định của pháp luật thủy sản về chống khai thác IUU.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho rằng, việc củng cố lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương trong thời gian gần sắp tới là nhiệm vụ cấp bách để thực thi pháp luật thủy sản trên biển. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho rằng, việc củng cố lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương trong thời gian gần sắp tới là nhiệm vụ cấp bách để thực thi pháp luật thủy sản trên biển. Ảnh: Hồng Thắm.

Lực lượng kiểm ngư đã triển khai hoạt động thường xuyên, liên tục và có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân thực hiện quy định của pháp luật về thủy sản; tham gia tích cực vào công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Qua thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã kịp thời ngăn chặn và giảm dần các hành vi khai thác IUU như: Sử dụng tàu cá không đăng ký, đăng kiểm; không lắp đặt thiết bị hoặc không duy trì tín hiệu giám sát hành trình (VMS); hoạt động sai vùng, sai nội dung trong giấy phép khai thác; sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản…

Công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định chống khai thác IUU được kết hợp trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và được tổ chức thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận; ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã có chuyển biến tích cực.

Kiểm ngư Trung ương khó 1, địa phương khó 10

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được về công tác thực thi pháp luật năm 2023 của lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương thời gian qua, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: Còn 7 tỉnh, thành phố ven biển chưa kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương; tổ chức bộ máy ở kiểm ngư địa phương chưa được thống nhất.

Chế độ chính sách cho lực lượng kiểm ngư địa phương chưa được quy định. Chưa có quy định về định mức đầu tư tàu, xuồng và định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu xuồng của kiểm ngư địa phương.

Bên cạnh đó, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị của lực lượng kiểm ngư địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phạm vi được giao quản lý; kinh phí cấp cho hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế.

21/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập lực lượng kiểm ngư. Ảnh: A.T.

21/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập lực lượng kiểm ngư. Ảnh: A.T.

Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên biển chưa đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố ven biển. Công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, gửi, tắt thiết bị VMS… còn hạn chế, chậm, chưa quyết liệt xử lý đến cùng; xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát tàu cá VMS đạt tỷ lệ thấp…

Đồng quan điểm, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh (Sở NN-PTNT Quảng Ninh) nêu những khó khăn hiện nay của lực lượng kiểm ngư như: Hệ thống tổ chức, bộ máy kiểm ngư địa phương đã được hình thành nhưng chưa đồng nhất; việc đóng tàu kiểm ngư là một trong những điểm yếu, điểm lõm của ngành bởi hiện chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật.

Theo đó, ông Minh đề xuất một số kiến nghị như: Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn 2045 sắp tới cần hướng dẫn thống nhất tên gọi của lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương; cần ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc đóng tàu, xuồng kiểm ngư…

Ông Cường chia sẻ: “Lực lượng kiểm ngư Trung ương mới được thành lập khoảng 10 năm, còn địa phương được 3 - 4 năm nay. Rất mừng vì chúng ta đã có những bước phát triển, đến thời điểm hiện tại đã có 21/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập được lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; khó khăn của kiểm ngư Trung ương 1 thì địa phương phải là 10”.

“Mặc dù vậy, thời điểm hiện nay là cơ hội vì việc chuyển đổi mô hình Cục Kiểm ngư trực thuộc Bộ NN-PTNT đã tạo cho Cục Kiểm ngư có vị thế và cách làm mới. Yêu cầu về công tác chống khai thác IUU vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội của lực lượng”, ông Cường nói thêm.

Theo đó, ông Cường đề nghị, những khó khăn, vướng mắc của kiểm ngư địa phương về mô hình tổ chức, thẩm quyền, phương tiện… Cục Kiểm ngư đã nắm được. Bộ NN-PTNT đã đồng ý cho Cục Kiểm ngư xây dựng một thông tư sửa đổi các thông tư về kiểm ngư. Hiện nay Cục Kiểm ngư cũng đã có văn bản gửi các địa phương để rà soát và đề xuất, đề nghị kiểm ngư địa phương đặc biệt quan tâm văn bản này.

Ngoài ra, đề nghị 28 tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu để báo cáo UBND tỉnh đề xuất bổ sung số lượng tàu, xuồng kiểm ngư, biên chế, trụ sở làm việc… để Bộ NN-PTNT tổng hợp đưa vào Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng kiểm ngư địa phương thời gian qua, chia sẻ những khó khăn của lực lượng kiểm ngư địa phương, đặc biệt là những lực lượng kiểm ngư địa phương mới thành lập, từ trụ sở, trang thiết bị, bộ máy, chính sách… Người đứng đầu Cục Kiểm ngư cho rằng, trong thời gian tới cần từng bước cải thiện.

Ông Hùng nói: “Tình hình vi phạm pháp luật về thủy sản đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, việc củng cố lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương trong thời gian gần sắp tới là nhiệm vụ cấp bách để thực thi pháp luật thủy sản trên biển, góp phần gỡ cảnh báo ‘thẻ vàng’ IUU của EC”.

“Chậm nhất đến tháng 6/2024, Cục Kiểm ngư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung vào việc xây dựng hệ thống kiểm ngư thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đề xuất đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và bổ sung biên chế, chế độ, chính sách đối với kiểm ngư địa phương. Đây là một trong những căn cứ rất quan trọng để phát triển lực lượng kiểm ngư”, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, nâng cao giá trị thủy sản

Đây là mục tiêu mà ngành thủy sản tiếp tục đặt ra trong năm 2025 - năm cuối tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất