Quảng Bình có chiều dài bờ biển gần 120km, có nhiều tiềm năng về thủy sản. Những năm gần đây, ngư dân đã đầu tư phát triển đội tàu khai thác. Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.800 tàu cá, trong đó có gần 3.600 tàu cá có chiều dài trên 6m đang hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển…
Lực lượng Thanh tra (Chi cục Thủy sản Quảng Bình) đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, đơn vị đã phối hợp với các địa phương ven biển, các ban ngành chức năng tổ chức mở đợt cao điểm ra quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Thành lập các tổ xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tàu cá vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình.
“Qua đó, đã góp phần nâng cao hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, người dân về các quy định của pháp luật thủy sản về chống khai thác IUU”, ông Linh nói.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, Chi cục Thủy sản đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý tàu cá chặt chẽ hơn. Hiện có 3.553 tàu đã đăng ký, đạt 98,9% (tàu cá dưới 6m theo quy định không đăng ký). Có trên 3.100 tàu cá thực hiện đánh dấu, đạt trên 86% và 982 tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (đối với tàu từ 15m trở lên), đạt trên 84%.
Qua rà soát, hầu hết các tàu cá không hoạt động, đang thực hiện cải hoán, các địa phương, đơn vị đã lập danh sách tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát để theo dõi, không cho hoạt động khi chưa khắc phục.
Nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác biển cũng được tổ chức thường xuyên. Lực lượng Thanh tra thủy sản phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tổ chức nhiều chuyến công tác trên biển để nhắc nhở, xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm.
Theo ông Lê Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Hành chính - Thanh tra, Chi cục Thủy sản Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, đã xử lý 74 tàu cá vi phạm, xử phạt hành chính trên 800 triệu đồng.
Với tinh thần, trách nhiệm cao, lực lượng Thanh tra thủy sản đêm ngày trên biển để ngăn chặn, xử lý tàu cá các tỉnh khai thác trái tuyến trên vùng biển phía bắc Quảng Bình; Ngăn chặn tình trạng khai thác giã cào trên vùng lộng ở vùng biển phía nam của tỉnh. Qua đó, giữ gìn an ninh trên biển, hạn chế việc vi phạm khai thác trái tuyến, trái ngành nghề đăng ký…
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tình trạng vi phạm IUU vẫn còn diễn ra, nhất là sử dụng xung điện, tàu mất kết nối dài ngày, tàu vượt ranh giới. Nhiều tàu cá chưa có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép đã hết hạn, chưa đăng ký, quá hạn đăng kiểm, chưa đánh dấu, chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Chính vì vậy, việc thành lập lực lượng kiểm ngư với chức năng, nhiệm vụ mới để giữ gìn an ninh trên biển là cấp thiết.
Theo ông Lê Ngọc Linh, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một tổ chức chuyên môn thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển như lực lượng kiểm ngư.
“Hơn nữa, sau khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực vào ngày 1/7/2023 thì lực lượng Thanh tra chuyên ngành tại các Chi cục Thủy sản không còn nữa. Do đó, nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến biển của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn”, ông Linh cho hay.
Ngày 15/12, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định thành lập Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình), Phòng có chức năng tham mưu thực hiện quản lý Nhà nước về kiểm ngư; thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phạm vi vùng biển và vùng nước nội địa do tỉnh quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Linh cho hay, sẽ triển khai về công tác nhân sự phù hợp để đảm bảo cho lực lượng kiểm ngư hoạt động có hiệu quả hơn.
Sau khi ổn định tổ chức, lực lượng kiểm ngư triển khai hoạt động thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ hơn trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
“Lực lượng kiểm ngư Chi cục Thủy sản Quảng Bình sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và chính quyền các địa phương ven biển để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân thực hiện quy định của pháp luật về thủy sản. Ngoài ra, lực lượng cũng sẽ làm tốt và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống thiên tai, phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển”, ông Lê Ngọc Linh nhìn nhận.
Cũng theo ông Linh, hiện phương tiện hoạt động trên biển của đơn vị đang rất thiếu. Tàu cao tốc đã sử dụng gần 30 năm nên xuống cấp nghiêm trọng. “Vì vậy, việc hỗ trợ, nâng cấp phương tiện cho lực lượng kiểm ngư rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới”, ông Linh mong muốn.