| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi tránh để lan rộng

Thứ Năm 31/12/2020 , 12:24 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến cho nhiều hộ gia đình thiệt hại trong thời gian tái đàn.

Tỉnh Quảng Nam đã tiêu hủy hơn 1.300 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi kể từ khi dịch bệnh này tái phát. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam đã tiêu hủy hơn 1.300 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi kể từ khi dịch bệnh này tái phát. Ảnh: L.K.

Người dân gặp khó khi tái đàn

Tỉnh Quảng Nam xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào ngày 14/5/2019 tại xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) sau đó lây lan ra nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, tỉnh này đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh.

Qua hơn 1 năm, đến ngày 29/6/2020, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã có công văn chính thức công bố giải tỏa bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên phạm vi toàn tỉnh. Thế nhưng, khoảng 1 tháng sau đó, bệnh dịch này lại tái phát trên một số huyện, thị xã của tỉnh khiến người dân lo lắng, đặc biệt là trong thời gian họ đang nỗ lực để tái đàn.

Vào đợt dịch đầu tiên, gia đình ông Trần Công Mạnh (trú xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng khi đàn lợn 20 con của nhà ông nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi bị chết và tiêu hủy. Sau khi địa phương công bố hết dịch, ông Mạnh liền vay vốn ngân hàng mua 4 con lợn nái cùng một số lợn thịt về tái đàn.

Vậy nhưng, đến đầu tháng 11/2020 đàn lợn nái này và 10 con lợn thịt của gia đình ông Mạnh bắt đầu có biểu hiện bỏ ăn, nằm một chỗ rồi lăn ra chết. Thú y xã về lấy mẫu đi xét nghiệm. Kết quả, đàn lợn của ông đã mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

5 con lợn nái và 2 con lợn thịt của bà Trần Thị Hường (trú xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) cũng gặp phải tình trạng tương tự. “Vào cuối tháng 10/2020, những con lợn của gia đình tôi bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn, nằm một chỗ. Thấy thế, tôi đã báo cho lực lượng thú y đến tiêm thuốc nhưng cuối cùng lợn cũng bị chết”, bà Hường chia sẻ.

Nhanh chóng kiểm soát dịch

Huyện Thăng Bình là một trong những địa phương có số lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi tương đối lớn của tỉnh Quảng Nam kể từ khi dịch tái phát. Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn huyện từ tháng 7/2020 đến nay. Hiện tại, đã có 6 xã trên địa bàn có lợn bị nhiễm bệnh.

Lợn nhiễm bệnh được tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các lực lượng chức năng đưa đi tiêu hủy đảm bảo các quy định về phòng chống dịch lây lan diện rộng. Ảnh: L.K.

Lợn nhiễm bệnh được tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các lực lượng chức năng đưa đi tiêu hủy đảm bảo các quy định về phòng chống dịch lây lan diện rộng. Ảnh: L.K.

Thống kê đến thời điểm này, toàn huyện Thăng Bình có khoảng 593 con lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi với tổng trọng lượng 55.433kg. Theo đại diện UBND huyện Thăng Bình, kể từ khi nắm được thông tin về việc một số con lợn của các hộ dân trên địa bàn huyện tái phát dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền huyện đã phối hợp với các thú y xã cùng ngành chức năng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.

“Toàn bộ số lợn nhiễm bệnh và chết đã được lực lượng chức năng đem đi tiêu hủy. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các hộ dân nuôi lợn ký cam kết không bán hoặc không vận chuyển lợn và sản phẩm lợn thịt mắc bệnh ra khỏi địa phương”, ông Vũ nói.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát trên địa bàn từ ngày 10/7/2020. Đến nay, đã có 43 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố có lợn nhiễm bệnh. Tỉnh Quảng Nam đã tiến hành tiêu hủy 1.341 con, trọng lượng tiêu hủy là 87.267 kg. Hiện, tỉnh còn 32 xã/10 huyện, thị xã, thành phố có bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày.

Về phía UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chỉ thị số 21/CT-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Theo đó, đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ông Bửu yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn trên địa bàn, lập danh sách những cơ sở chăn nuôi tái đàn trái quy định. Kiên quyết không hỗ trợ đối với những cơ sở chăn nuôi không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, khai báo trước khi tái đàn lợn.

Đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi từ nguồn hóa chất mà Trung ương hỗ trợ.

Đối với địa phương có ổ dịch bệnh chưa qua 21 ngày cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.