| Hotline: 0983.970.780

Kiếm tiền những ngày giáp tết

Chủ Nhật 23/01/2022 , 13:54 (GMT+7)

Năm nay, Quảng Bình “đột biến” việc xây dựng nhà cửa nên lực lượng lao động lúc nào cũng khan. Anh em về quê tránh dịch đã bổ sung kịp thời sự thiếu hụt này…

Ông Phan Thành (huyện Quảng Ninh- Quảng Bình), chủ thầu xây dựng nhà cửa nhận ngót trăm triệu bạc tiền công rồi hối hả xin phép chủ nhà đi luôn chứ không làm ly rượu mừng. “Em còn ba cái nhà phải hoàn thiện trước tết nên không còn thời gian nữa mô. Xin bác cho em sau tết ghé uống rượu cũng được”. Nói xong, rồ ga xe máy, phóng đi nhanh hơn đám khói xăng đằng sau.

Chật vật đường về…

Tôi gặp Nguyễn Văn Dũng (quê ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh- Quảng Bình) khi vừa có chuyến “hồi hương” bằng xe máy từ thành phố Hồ Chí Minh về quê né dịch.  Dũng có trình độ cao đẳng xây dựng đang làm việc ổn định ở trong đó dịch bệnh ập đến. Khu dân cư anh ở là ổ dịch nên cuộc sống khó khăn. Công việc bị tạm dừng, Dũng thành người thất nghiệp, sống nhờ ít tiền chắt bóp được trước đó để hy vọng. Vào đầu tháng 8, Dũng cùng vài người bạn đồng hương quyết định chạy xe máy về quê.

Ở các tỉnh miền Trung, hầu hết trong các gia đình đều có người đi làm ăn ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Người đi trước kéo người sau, bà con anh em kéo nhau, tạo thành từng nhóm lao động đồng hương mưu sinh ở các vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Người lao động phổ thông vào phía nam tìm việc để có được thu nhập cao hơn ở quê. Đến cả các mẹ, các chị đứng tuổi cũng chọn thành phố sôi động nhất phương nam làm nghề giúp việc để được trả lương cao hơn.

Anh Nguyễn Văn Dũng 'hồi hương' là bắt tay luôn vào việc làm thợ xây với thu nhập đều đặn. Ảnh: N.Tâm

Anh Nguyễn Văn Dũng “hồi hương” là bắt tay luôn vào việc làm thợ xây với thu nhập đều đặn. Ảnh: N.Tâm

Ở quê thu nhập tháng hơn 10 triệu đồng trong tầm tay

Cũng đã từng nhiều năm lăn lộn mưu sinh ở các tỉnh phía nam với đủ nghề như may mặc, dịch vụ trồng cây xanh, làm công ty nước ngoài…Rốt cuộc anh Phong (huyện Quảng Ninh) lại quay về quê để hành nghề. Sẵn có chút tay nghề vôi vữa, Phong gọi thêm mấy anh em cùng quê đi nhận thầu làm xây dựng. Ban đầu thì làm hàng rào, đổ bê tông đoạn đường xóm. Sau nâng dần lên nhận làm nhà cấp 4, nhà đổ mái bằng rồi làm nhà tầng cao cấp.

“Cái năm vừa rồi, các nhà thầu xây làm tối mắt. Khiếp là người ta xây nhà tầng lắm thế. Không nhận làm thì họ trách mắng mà nhận thì khong có quân có cán mà làm cho kịp thời gian”- Phong tiếp tục câu chuyện. Vốn đã biết tay nghề nhau nên khi hay tin Dũng về, Phong đã rủ đi làm cùng. Nghỉ lấy sức đúng một ngày, hôm sau, Dũng xách bay làm thợ chính cho nhóm thầu của Phong. Không cần văn bản ký kết, Phong giao kèo luôn: “Ông Dũng xếp vào thợ chính, tui trả ngày 400 ngàn đồng. Nếu làm gần thì thôi, làm xa thì bao ăn trưa. Vài ngày có một cuộc nhậu đãi đằng anh em thợ để lấy tý sức. Hết”.

 Nhiều phụ nữ cũng bổ sung vào lực lượng lao động phụ hồ tại các công trình xây dựng. Ảnh: N.Tâm

 Nhiều phụ nữ cũng bổ sung vào lực lượng lao động phụ hồ tại các công trình xây dựng. Ảnh: N.Tâm

Vậy là “đều như vắt chanh”, tháng nào Dũng cũng có tiền tươi đưa về cho vợ. Thủy, vợ Dũng, mặt tươi rói khi thấy chồng đưa cho cọc tiền 120 triệu còn mới. Đưa cho chồng hai tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng, Thủy bảo: ‘Anh cầm đổ xăng rồi còn cà phê cà pháo với bạn”. Cả bốn tháng nay, Dũng đi làm đều đặn nên tháng cũng có thu nhập trên 10 triệu. Không ngờ làm ở quê lại có tiền đưa vợ nhiều hơn, đều hơn. “Cái mừng nhất là được ở nhà, mắng mỏ, dạy được mấy đứa con ông ạ. Với lại, chuyện đêm hôm có đàn ông ở nhà cũng đỡ lo lắng hơn nhiều”-Dũng nói như tâm sự.

Kéo nhau đi là thành phong trào chứ thu nhập và chi tiêu cũng là bài toán khó giải. Dũng bảo với tôi là làm tháng cũng được chục triệu. Nhưng rồi tiền trọ, tiền ăn và kèm thêm tiền nhậu mỗi tối cứ xén vào cái đồng lương ấy nên khó mà dành dụm được bao nhiêu. “Nhiều người làm lụng cả năm, mang về cho vợ được chục triệu là mừng. Sau Tết lại xin tiền vợ vào nam chứ cũng chẳng ky cóp được gì”- Dũng bộc bạch.

Quảng Bình tăng vọt con số làm nhà mới nên lực lượng lao động về quê có được việc làm ổn định, thu nhập  khá cao. Ảnh: N.Tâm

Quảng Bình tăng vọt con số làm nhà mới nên lực lượng lao động về quê có được việc làm ổn định, thu nhập  khá cao. Ảnh: N.Tâm

Đoàn thầu xây dựng của ông Phan Thành (xã Gia Ninh) cũng làm ăn có uy tín nên từ đầu năm, người ta gọi nhận làm nhà khá nhiều. Cân đo quân cán, năng lực nên ông cũng chỉ nhận độ chục nhà là làm đủ. Những vì cả nể bạn bè nên nhận thêm hai nhà nữa thành ra ôm lấy mối lo. Ông Thành có 20 quân thường xuyên nên chia ra làm mỗi nhà chỉ nhỉn…2 người.  Làm kiểu rãi quân như vậy thì gia chủ họ chửi cho rát mặt. Ông Thành hớt hải: ‘Bữa nay đi kêu người làm cứ như đi hỏi vợ cho con. Phải nói nhẹ, nói khẽ họ mới làm cho. Lỡ có việc gì thì cũng cấm nóng tính. Nếu không, họ bỏ ngang đi làm cho đoàn thợ khác ngay. Khó ghê gớm”.

Nhờ có anh em chạy dịch Covid-19 từ phía nam ra nên ông Thành kêu quân cũng dễ đôi chút. Nhờ tăng được thợ, được phụ mà ngôi nhà đổ mái xiên của ông Nguyễn Phúc được hoàn thành sau năm tháng cật lực thi công. Hôm vào nhà mới, ông Phúc gọi ông Thành đến thanh toán trăm triệu tiền công và mời uống ly rượu mừng. Đếm xong tiền, ông Thành từ chối vì đang hoàn thiện ba ngôi nhà cho bà con đón tết. Ông lên xe, nổ máy rồi phóng vụt ra cổng, để lại lời nhắn: “Cho em ghé uống rượu sau nha. Việc gấp lắm”.

Công việc thợ hồ vất vả nhưng có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đã giữ chân người lao động tại quê. Ảnh: N.Tâm

Công việc thợ hồ vất vả nhưng có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đã giữ chân người lao động tại quê. Ảnh: N.Tâm

Hai vợ chồng anh Nguyễn Thế cũng từ Đồng Nai về quê được gọi làm ở đoàn thợ ông Thành. Anh Thế làm thợ chính, chị vợ phụ thợ. Sáng hai vợ chồng lo cơm nước cho hai đứa con xong là chở nhau bằng xe máy đến nơi làm. Tháng đầu chưa quen việc nên cũng vất vả. Nhưng rồi quen việc thì cũng thấy bình thường chứ chẳng phải nặng nhọc lắm. Đều đặn, anh Thế công được 400 ngàn đồng, chị vợ được 350 ngàn. “Mỗi ngày hai vợ chồng cũng được 750 ngàn đồng. Mỗi tháng nếu nghỉ việc khoảng 4 ngày (mỗi tuần 1 ngày), thì có thu nhập hơn 16 triệu đồng. Làm được 5 tháng nay rồi nên cũng đã có cái ăn, cái để dành chứ không lo lắng chi nhiều. Tết này để dành một tháng tiền công thì cũng mua sắm xôm tụ lắm đó. Mấy năm trước đi làm trong nam thì chỉ được cái oai chứ không mua nổi cái xe máy mà đi mô”- anh Thế bộc bạch.

Xu hướng đi xuất khẩu lao động đang được người lao động trẻ ở Quảng Bình quan tâm. Ảnh: N.Tâm

Xu hướng đi xuất khẩu lao động đang được người lao động trẻ ở Quảng Bình quan tâm. Ảnh: N.Tâm

Có lẽ vui nhất là anh Cu To con ông Quốc (ở cùng xóm với Dũng) vì đã hoàn tất hồ sơ sau tết Nguyên đán là bay sang lao động ở Đài Loan. Cu To học cao đẳng cầu đường rồi vào miền nam làm đủ nghề. Hơn chục năm cũng chẳng nên cơm cháo gì. Ra né dịch, anh chàng chăm lo đi phụ thợ. Làm được gần nửa năm, tiền công nhận đủ đưa mẹ cất hộ. Cu To bảo: “Cháu gửi được 50 triệu đồng rồi. Làm tháng này thì phụ cho mẹ sắm tết. Nhờ về nhà mà cháu làm ra tiền để vay thêm một ít nộp phí đi xuất khẩu. Hơn chục năm ở nam mà cũng không đủ tiền mua cho bố cháu cái ti vi để xem bóng đá. Qua bên đó, kiểu gì cháu cũng tiết kiệm để gửi về. Kinh nghiệm “đau thương” không tiền cháu ngấm dữ lắm rồi”.

Theo Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình thì có khoảng 25 ngàn lao động đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.

Trong  đợt “hồi hương” tránh dịch Covid-19, toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 7.500 lao động về quê. Chia trung bình thì mỗi xã, phường được tăng cường khoảng 50 lao động. Vì vậy, số nhân lực này cũng “bố trí” được vào những lao động phổ thông và có thu nhập đều.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.