| Hotline: 0983.970.780

Người dân chung sức đồng lòng cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới

Chủ Nhật 10/11/2024 , 12:18 (GMT+7)

Kiên Giang Thấy được những lợi ích và được thụ hưởng kết quả mà chương trình mang lại, người dân đã chung sức đồng lòng cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. 

Người dân hiến đất làm đường

Huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tiếp nối thành quả đã đạt được, chính quyền Vĩnh Thuận xác định phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trong đó, mục tiêu cụ thể là có 2 xã đạt chuẩn nâng cao và có ít nhất từ 1 xã trở lên đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định hiện hành. 

Người dân xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận chăm sóc hàng rào cây xanh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận chăm sóc hàng rào cây xanh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận là xã đầu tiên của huyện Vĩnh Thuận được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023. Theo đó, cơ sở hạ tầng của xã từ điện, đường, trường, trạm được đầu tư hoàn chỉnh đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn dưới 1,5%.

Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương có sự đồng thuận cao của người dân bằng việc hiến đất, đóng góp công sức, tiền của trong việc thực hiện các công trình phúc lợi xã hội... Ông Nguyễn Văn Minh, một trong những gia đình tiêu biểu trong xây dựng NTM ở xã Bình Minh cho biết, gia đình hiến hơn 300 mét vuông đất để chính quyền địa phương mở rộng lộ từ 2 mét lên 3 mét. Đồng thời, đóng góp một phần vật tư thi công với hơn 10 triệu đồng để làm đường. Sau khi con đường hoàn thành, gia đình ông làm hàng rào cây xanh, trồng thêm hoa kiểng để tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Xây dựng nông thôn mới chính là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, người dân luôn đồng tình ủng hộ, đồng lòng, chung tay với với chính quyền thực hiện các phần việc, góp phần hoàn thành các tiêu chí. Và rồi, cũng chính người dân địa phương là người được hưởng thụ, hưởng lợi từ nhưng thành quả ấy. Việc hiến đất làm đường không chỉ thuận tiện cho giao thông    đi lại mà giao thương, mua bán hàng hóa cũng thuận lợi hơn. Có đường, xẻ tải nhỏ đến tận nhà thu mua nông dân choi người dân và giá thường cao hơn so với những hộ dân ở vùng sâu chưa có đường giao thông đến nơi.

Chủ tịch UBND xã Bình Minh Võ Thị Thúy An cho biết, sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2018, Bình Minh tiếp tục tập trung nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nâng chất các tiêu chí để đạt xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2020-2023, xã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn hơn 28 tỷ đồng, trong đó trên 11 tỷ đồng vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân. Ngay sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, địa phương sẽ tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tiếp theo.

Thụ hưởng thành quả

Tương tự, tại huyện Gò Quao, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân đã có sự thay đổi rõ rệt sau nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Gò Quao vào năm 2017, đến cuối năm 2023 xã Thới Quản được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đây là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với hơn 1.500 người, chiếm trên 30% dân số của xã. Trước năm 2015, hầu hết các tuyến đường trong xã đều nhỏ hẹp, thậm chí là lộ đất nên việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa của người dân hết sức khó khăn.

Người dân hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng và cũng là người trực tiếp thụ hưởng thành quả khi giao thông nông thôn phát triển. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng và cũng là người trực tiếp thụ hưởng thành quả khi giao thông nông thôn phát triển. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Thị Đào, chủ cơ sở dịch vụ đám tiệc ở xã Thới Quản chia sẻ, trước năm 2018, gia đình chủ yếu sử dụng võ lãi để chở rạp cưới, bàn tiệc… đi phục vụ đám tiệc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây khi hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, bà Đào chuyển sang vận chuyển bằng xe tải thuận tiện hơn trước rất nhiều.Theo bà Đào, các tuyến đường và cầu trên địa bàn xã cho phép xe tải đến 2,5 tấn lưu thông, giúp người dân vận chuyển đồ nhanh hơn mà lại tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, nhờ mở rộng các trục đường nên khu vực nhà tôi có đông đúc người qua lại nên gia đình tôi mở bán quán ăn, nước giải khát giúp tăng thu nhập gia đình. Cuộc sống khấm khá hơn nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xóm đã đầu tư hàng rào, trồng thêm cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan sáng xanh, sạch đẹp nên chất lượng cuộc sống nâng cao hơn trước rất nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Thới Quản cho biết, đến nay ngoài tuyến đường liên xã, 100% trục đường liên ấp của xã đã được nhựa hoặc bê tông hóa với chiều rộng từ 3 - 4 m, đảm bảo xe ô tô con, xe tải nhỏ đến tận nhà, vườn của nông dân để thu mua nông sản cũng như trao đổi hàng hóa của bà con. Cùng với đó, hệ thống trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao giúp việc học hành, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 99%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ "thay áo mới" mới cho các vùng quê với diện mạo sáng, xanh, sạch đẹp và khang trang hơn, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tôn vinh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Tây Ninh Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc.