| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Tăng cường kiểm soát tàu cá, chống khai thác IUU

Thứ Năm 14/11/2019 , 13:55 (GMT+7)

Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang tăng cường đầu tư thiết bị để quản lý tàu cá, đồng thời kiểm soát chặt tàu xuất, nhập cảng nhằm chống khai thác IUU.

Tỉnh Kiên Giang hiện có gần 10 ngàn tàu cá, trong đó có khoảng 4 ngàn tàu thuộc diện phải gắn thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển.

Là tỉnh có gần 10 ngàn tàu khai thác hải sản, trong đó gần 4 ngàn tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ngư dân Kiên Giang không chỉ đi khai thác ở vùng biển Tây, mà còn vươn khơi ra cả ngư trường biển Đông. Trước đây, tàu cá chỉ sử dụng la bàn để định hướng và hải đồ để xác định vùng biển đánh bắt. Chính vì vậy, không ít tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ.

Hiện Chi cục Thủy sản Kiên Giang đang sử dụng song song 2 phần mềm giám sát tàu cá, gồm phần mềm giám sát của tỉnh và hệ thống phần mềm chung của Tổng cục Thủy sản.

Thực hiện Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 42/2019/NĐ-CP của chính Phủ, các tàu cá (dài từ 15 m trở lên) đánh bắt vùng khơi, xa bờ bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình mới được vươn khơi. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.030 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Riêng nhóm tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên, đã lắp đặt được 562/618 tàu, chiếm gần 91%.

Tàu cá đang chờ làm thủ tục xuất bến tại Đồn Biên phòng Tây Yên.

Theo ông Tâm, hiện Chi cục Thủy sản Kiên Giang đang sử dụng song song 2 phần mềm giám sát tàu cá. Một là phần mềm giám sát của tỉnh, được triển khai từ đầu năm 2019, có 5 đơn vị tham gia cung cấp thiết bị kết nối với hệ thống, gồm: VNPT, Viettel, Zinibal, Vishipel và Bình An. Hai là hệ thống phần mềm chung của Tổng cục Thủy sản, được phân cấp từ đầu tháng 10 cho đến nay, có 6 đơn vị tham gia, gồm 5 đơn vị kể trên và Movimar.

Thuyền trưởng làm thủ tục trước khi cho tàu xuất bến với cán bộ Trạm Biên phòng Tây Yên.

Với hệ thống giám sát này, tất cả các tàu cá có lặp đặt thiết bị khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều được Chi cục Thủy sản giám sát hàng ngày và điện nhắc nhở các chủ tàu yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu quay về khi phát hiện tàu vượt ranh giới vùng biển Việt Nam hoặc tắt thiết bị kết nối. Chi cục đã xây dựng và đang áp dụng quy trình giám sát, xử lý tàu cá mất kết nối với hệ thống và quy trình xử phạt hành chính qua hệ thống giám sát tàu cá Kiên Giang.

Cán bộ Trạm Biên phòng Tây Yên xuống tàu kiểm tra cùng thuyền thưởng trước khi cho tàu xuất bến.

Đối với những tàu cá đã được nhắc nhở mà chủ tàu không đưa tàu về vùng biển Việt Nam hay không bật thiết bị giám sát hành trình thì Chi cục Thủy sản sẽ có văn bản cảnh báo gửi cho chủ tàu và cơ quan chức năng phối hợp xử lý khi tàu về bờ. Thời gian qua, đơn vị đã phát hành 67 văn bản cảnh báo với 78 tàu cá vượt khỏi vùng biển Việt Nam và tắt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 4 tàu cảnh báo lần 2 và 4 tàu cảnh báo lần 3.

Cán bộ Trạm Biên phòng Tây Yên phát tờ rơi và tuyên truyền về Luật Thủy sản cho ngư phủ trên tàu.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã lập 3 đoàn công tác làm việc với 160 chủ phương tiện có hơn 200 thiết bị giám sát hành trình để tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu chủ tàu cá cam kết phải bật thiết bị giám sát sát hành trình 24/24 giờ, để kết nối với trạm bờ khi đi hoạt động trên biển.

Thực hiện Nghị định 42 của Chính phủ, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã ra quân tuần tra, kiểm soát trên biển để tuyên truyền và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài, không khai báo và không theo quy định (khia thác IUU). Qua đó, đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính 54 phương tiện, với số tiền xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: khai thác sai vùng, thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, không có sổ nhật ký khai thác thủy sản, tàng trữ ngư cụ cấm…

Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Tây Yên đã tuần tra, kiểm soát được hơn 15 ngàn lượt tàu cá xuất bến và cặp cảng cá Tắc Cậu, với tổng số trên 123 ngàn thuyền viên theo tàu.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT Kiên Giang cũng đã trình UBND tỉnh, Sở Tài chính kế hoạch mua sắm trang thiết bị cần thiết, cấp bách để đảm bảo điều kiện nhân lực, vật lực thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Các thiết bị này nhằm trang bị cho các đơn vị: Văn phòng Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá Bến cá, Cảng cá Tắc Cậu, Cảng cá An Thới (2 cảng cá do Bộ NN-PTNT chỉ định cho tàu cá cặp cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản), Văn phòng Thanh tra Kiểm tra Kiểm soát nghề cá tại Cảng Tắc Cậu.

Đây là các trang thiết bị điện tử phục vụ lưu trữ hồ sơ về chống khai thác IUU để đảm bao truy xuất nhanh thông tin, phương tiện truy xuất dữ liệu giám sát hành trình tàu cá qua hệ thống GMS của tỉnh. Các trang thiết bị phục vụ lưu trữ, in ấn hồ sơ về tàu cá cặp cảng, rời cảng, hồ sơ về chống khai thác IUU. Phương tiện theo dõi, truy xuất hành trình tàu cá khai thác trên biển phục vụ xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Khi tàu cặp cảng lên cá, sẽ được Văn phòng Thanh tra Kiểm tra Kiểm soát nghề cá tại Cảng Tắc Cậu kiểm tra, để điều kiện mới cho bốc dỡ hàng.

Không chỉ tăng cường giám sát bằng thiết bị điện tử, mà ngành chức năng tỉnh Kiên Giang còn kiểm soát chặt tàu cá xuất, nhập cảng nhằm chống khai thác IUU. Thiếu tá Đặng Hoài Thanh, Phó Đồng trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã tuần tra, kiểm soát được hơn 15 ngàn lượt tàu cá xuất bến và cặp cảng cá Tắc Cậu, với tổng số trên 123 ngàn thuyền viên theo tàu. Trong đó, số tàu xuất bến ra khơi là trên 8 ngàn phương tiện, với trên 66 ngàn thuyền viên. Tàu nhập cảng là trên 7 ngàn phương tiện, với hơn 56 ngàn thuyền viên.

“Ngoài việc trình báo, làm thủ tục xuất bến của chủ tàu theo quy định, anh em ở trạm biên phòng còn trực tiếp ra tàu kiểm tra, đồng thời tuyên truyền về Luật Thủy sản cho ngư phủ trên tàu. Chúng tôi kiên quyết không cho xuất bến, nếu tàu không có đầy đủ thiết bị, giấy tờ theo quy định, đặc biệt là tàu không gắn thiết bị giám sát hành trình”, Thiếu tá Thanh khẳng định.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.