Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024 sáng 17/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch bệnh bùng phát rồi chạy theo dập dịch.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thú y đã có những chuyển biến tích cực, giúp sản phẩm Việt Nam xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Việc hội nhập sâu là điều cần thiết để duy trì đà phát triển này.
Trong đó, tập trung vào ba trục phát triển chính để thúc đẩy đà xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung trong nước gồm các đề án và nghị định về cơ chế chính sách đã đầy đủ, cùng với hệ thống văn bản quy phạm, công nghiệp giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, và khoa học công nghệ.
Địa phương cần triển khai đầy đủ các quy định, chống buôn lậu để đảm bảo xuất khẩu an toàn. Công tác giết mổ và chế biến phải được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Các bệnh bắt buộc phải tiêm cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng.
Thứ trưởng khẳng định, việc phòng chống dịch đã đạt được kết quả tốt nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, như cúm gia cầm gây tử vong, bệnh dại, và dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương. Theo đó, cần hợp tác nghiên cứu để hiểu rõ cơ chế lây truyền, đảm bảo yên tâm.
Vacxin được coi là lá chắn thép, do đó Thứ trưởng đề nghị tập trung chống dịch tả lợn Châu Phi khi tỉ lệ tiêm phòng còn thấp, dịch lây lan nhanh.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, qua hơn 6 tháng đầu năm, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17 nghìn 400 con, tăng 53,74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, có 44 xã của 13 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch lở mồm long móng. 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại, trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục trên gia súc và 7 tỉnh xảy ra cúm gia cầm A/H5N1, số gia cầm buộc tiêu hủy là hơn 12.000 con.
Đáng lưu ý, đã có 1 người chết vì nhiễm vius cúm gia cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm virus cúm gia cầm A/H9N2…
Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng CPI, sức khỏe người dân và môi trường, các địa phương cho rằng, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cần huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Tổ chức triển khai việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80%, đồng thời xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chủ động hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh.
Đại diện tỉnh Sơn La cho biết, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn là rất lớn với khoảng 718 cơ sở, vì vậy tỉnh rất quan tâm, công tác phòng chống dịch được Sơn La đặt lên hàng đầu vì ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người dân cũng như GDP của tỉnh.
Sơn La xây dựng cơ chế tuyên truyền cho người dân hiểu về các chính sách và cách thức tổ chức, cách làm này có thể áp dụng ở nhiều địa phương. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, mỗi tỉnh nên giành ngân sách cho công tác phòng, chống dịch.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y cần đưa bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào diện tiêm phòng bắt buộc. Bởi nếu tiêm phòng mà lợn chết vẫn được hỗ trợ, như vậy sẽ giảm bớt thiệt hại cho người dân nếu dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố lân cận cũng cần quyết liệt hơn về công tác phòng chống dịch cũng như quản lý tốt con giống, góp phần ngăn chặn tình trạng nhập lậu con giống.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y yêu cầu các địa phương đang có dịch tả lợn Châu Phi cần công bố dịch, tránh để lây lan ra những địa phương lân cận. Trong đó, đề nghị Lạng Sơn công bố dịch ở cấp huyện và cấp tỉnh tương tự như các tỉnh khác.
Về tiêm phòng vacxin bắt buộc đối với dịch tả lợn Châu Phi, ông Long cho biết hiện đã có Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn quy định rất rõ. Bản thân Bộ NN-PTNT đã có văn bản, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các địa phương cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này.
Cũng theo ông Long, các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh là 3 tỉnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, cần tập trung quyết liệt để ngăn chặn dịch và tổ chức tiêm phòng vacxin phòng dịch.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tả lợn Châu Phi, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo chung toàn tỉnh, tập trung với toàn ngành để đưa ra những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch.
Tỉnh Bắc Kạn ghi nhận 90% số xã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, các giải pháp dù có quyết liệt nhưng chưa thực sự hiệu quả do người dân không khai báo khi có lợn mắc bệnh, địa bàn tỉnh rộng, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nhưng lực lượng chức năng còn mỏng.
Ông Nhất cho rằng, để kiểm soát dịch trong thời gian tới, cần sự quan tâm đúng mức và sát sao hơn của cơ quan sở, ngành chức năng và kết hợp với các lực khác như Công an, Quản lý thị trường và đặc biệt là người đứng đầu chính quyền địa phương cấp xã.