| Hotline: 0983.970.780

Chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: Kiến nghị ngành Công an, Thông tin - Truyền thông cùng vào cuộc

Thứ Năm 07/12/2023 , 16:30 (GMT+7)

Nhiều địa phương có ý kiến, thuốc BVTV là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần sự vào cuộc kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan chuyên môn.

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 480 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV còn hoạt động. Trong số đó, có 13 doanh nghiệp do cấp tỉnh, 7 hợp tác xã và 460 hộ kinh doanh do UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tổng lượng thuốc BVTV buôn bán, sử dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 71,5 tấn, trong đó thuốc BVTV hóa học là 41,2 tấn và thuốc BVTV sinh học là 30,3 tấn. Có khoảng 389 loại thuốc BVTV kinh doanh ở Phú Thọ, bao gồm: Thuốc trừ sâu 155 loại, thuốc trừ bệnh 110 loại, thuốc trừ ốc 41 loại, thuốc trừ cỏ 54 loại, thuốc trừ chuột 16 loại, thuốc kích thích sinh trưởng 13 loại….

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát, tỉnh Phú Thọ cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật và duy trì đầy đủ điều kiện kinh doanh. Các cơ sở đều thực hiện kinh doanh đúng địa điểm, các loại thuốc BVTV kinh doanh, mua bán đều có tên trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, không có thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng…

Xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn, nâng cao chất lượng nông sản ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn, nâng cao chất lượng nông sản ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Tuy nhiên, qua rà soát trên hệ thống mạng xã hội (Zalo, Facebook…), các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada…), cơ quan chuyên môn phát hiện các trường hợp quảng cáo, bán hàng online, trong đó có bán các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV. Hoạt động này là các hành vi vi phạm pháp luật và các quy định về kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở bán hàng không có địa chỉ rõ ràng hoặc địa chỉ ảo, hàng hóa kinh doanh không rõ về chất lượng, nguồn gốc nhưng được giao trực tiếp đến tay người tiêu dùng nên khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xử lý vi phạm.

"Thực tế hiện nay, hành vi buôn bán thuốc BVTV trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử là hoạt động rất khó kiểm soát vì rất khó để xác định được địa chỉ, tình trạng pháp lý các tổ chức, cá nhân đăng bán sản phẩm trên hệ thống mạng. Để quản lý hoạt động này, đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp cơ quan An ninh mạng (ngành Công an) và Bộ Thông tin - Truyền thông rà soát, xử lý, đồng thời lập danh sách và thông tin cho các địa phương về các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc BVTV trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để cùng phối hợp quản lý", Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ khẳng định.

Mô hình sản xuất rau, quả an toàn ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình sản xuất rau, quả an toàn ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Bên cạnh đó, theo ông Phan Văn Đạo, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác hậu kiểm thông qua lấy mẫu phân bón, thuốc BVTV phân tích chất lượng, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và người sử dụng hiểu và nắm được các quy định pháp luật, nhất là các quy định mới, khuyến cáo người dân nên mua thuốc BVTV ở các cơ sở đủ điều kiện, có uy tín; đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không mua trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Về giải pháp của địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ chia sẻ thêm, trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện rất tốt công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV an toàn. Chi cục thường xuyên tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương để quản lý tốt hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là việc thông tin về danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng cho các địa phương.

Để thực hiện tốt hoạt động quản lý thuốc BVTV, ngoài việc thực hiện các nội dung thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt và đột xuất theo yêu cầu cấp trên hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ cũng thường xuyên rà soát các loại thuốc BVTV trên địa bàn thông qua hoạt động đánh giá điều kiện buôn bán thuốc BVTV trong quá trình cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở buôn bán thuốc BVTV, lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc BVTV trên thị trường, qua đó đã hạn chế tình trạng buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm, thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng…

Trong năm 2022 và 2023, cơ quan chuyên môn đã thực hiện lấy 44 loại thuốc BVTV gửi kiểm định chất lượng, qua đó phát hiện 2 loại thuốc BVTV không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, có hàm lượng hoạt chất cao hơn so với quy chuẩn và đã tiến hành xử phạt 2 cá nhân vi phạm tổng số tiền 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng đã thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người buôn bán cũng như người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Tổ chức tập huấn bổ sung định kỳ văn bản pháp luật mới về thuốc BVTV cho 966 lượt người buôn bán thuốc BVTV. Triển khai 67 lớp tập huấn sâu bệnh hại cây trồng, 34 lớp tập huấn trong các mô hình ICM, diệt chuột tập trung, tập huấn TOT trên cây trồng cho 4.240 lượt cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân trong đó có nội dung sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.

Qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã giúp cho người buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn nắm rõ các quy định của pháp luật để thực hiện tốt, bên cạnh đó, giúp người nông dân tỉnh Phú Thọ trở thành những người sử dụng thuốc BVTV thông thái, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn của thuốc BVTV trên đồng ruộng cũng như đối với nông sản phẩm tỉnh Phú Thọ.

Đối với sản xuất, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, tổng diện tích cây trồng áp dụng IPM là 74.885,49ha. Một số mô hình tiêu biểu như cây chè ở xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê) với diện tích 5ha. Cây bưởi ở xã Vân Đồn (huyện Đoan Hùng) diện tích 5ha. Cây lúa tại xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) diện tích 5ha...

Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Kết quả các mô hình đem lại là tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế  hơn 10% so với tập quán, giảm lượng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh bổ sung vi sinh vật trong đất giúp cây cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe hơn, hạn chế sâu bệnh gây hại. Những mô hình này cũng đã phát huy được dịch vụ BVTV, đặc biệt phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, có những ưu điểm vượt trội về bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nên một hệ thống canh tác bền vững, hài hòa, thân thiện với người nông dân, giúp bảo vệ sức khỏe cho nông dân trực tiếp sản xuất và hiệu quả phòng trừ cao.

Xem thêm
Chất lượng quặng apatit phục vụ sản xuất phân bón suy giảm mức báo động

Sự thiếu hụt nguồn cung, cùng chất lượng quặng apatit suy giảm đã gây tác động lớn đến các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất trong nước.

Chương trình 'Thu vỏ chai - Đổi quà Tết'

ĐBSCL Chương trình 'Thu vỏ chai – Đổi quà Tết' vào cuối năm 2024 của Công ty TNHH TM Tân Thành đã thu gom hơn 90 tấn vỏ chai gói thuốc bảo vệ thực vật.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?