Đề xuất hợp nhất hai luật để nâng cao hiệu quả quản lý
Theo công văn số 57/LHHVN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, vừa gửi kiến nghị Quốc hội, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng hệ thống pháp luật hiện hành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vẫn tồn tại nhiều điểm chưa phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một trong những vấn đề lớn là quy định quá chi tiết trong luật, dẫn đến việc các luật chuyên ngành gặp khó khăn trong triển khai thực tế. Nhiều quy định hiện hành thậm chí còn chặt chẽ hơn so với các nước phát triển, làm hạn chế sự sáng tạo và tính linh hoạt của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc quy định song song giữa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT) đang tạo ra sự trùng lặp về nội dung, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và kiểm soát an toàn sản phẩm.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo ra những rào cản không cần thiết đối với cơ quan quản lý trong quá trình thực thi pháp luật.

Hợp quy sản phẩm làm mất đi niềm tin và động lực của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước những bất cập nêu trên, trong Công văn số 02/FAV ngày 18/2/2025, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh các quy định trong Luật CLSPHH và Luật TCQCKT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đề xuất này dựa trên cơ sở rằng khái niệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã bao gồm cả yếu tố an toàn. Việc hợp nhất sẽ giúp giảm bớt sự chồng chéo, đồng thời tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định pháp luật.
Hơn nữa, tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật vốn là công cụ để kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Khi được tích hợp trong một khung pháp lý thống nhất, việc truy cập, thực hiện và tuân thủ các quy định sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết.
Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là quy định về công bố hợp quy sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất và lưu thông.
Hiện nay, các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm đã được doanh nghiệp công bố trong hồ sơ đăng ký sản phẩm cũng như trên nhãn mác bao bì. Việc yêu cầu thêm thủ tục công bố hợp quy không những không mang lại giá trị gia tăng trong kiểm soát chất lượng mà còn làm gia tăng chi phí và thời gian chờ đợi.
Doanh nghiệp cho rằng quy trình công bố hợp quy hiện tại mang tính hình thức, không có ý nghĩa thực tế trong quản lý sản phẩm.
Các thủ tục liên quan, bao gồm đánh giá quy trình sản xuất, lấy mẫu thử nghiệm để kiểm tra sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, không chỉ làm tăng gánh nặng tài chính mà còn làm chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Hợp quy sản phẩm là điểm nghẽn của cơ chế, pháp luật, gây phức tạp, phiền hà không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Theo quy định hiện hành, việc công bố hợp quy sản phẩm, bao gồm thời gian đánh giá quy trình sản xuất, lấy mẫu thử nghiệm phân tích và công bố kết quả hợp quy, gửi đến cơ quan chức năng. Nếu làm đầy đủ quy trình này phải mất từ 15-30 ngày/sản phẩm sản xuất trong nước và từ 7-10 ngày/sản phẩm nhập khẩu.
Tính thời gian này cho cả quốc gia với hàng triệu sản phẩm, hàng hóa, thì không biết đã bỏ lỡ biết bao nhiêu thời gian cơ hội (phải là nhiều triệu ngày) để sản phẩm, hàng hóa đi vào sản xuất, lưu thông.
Bên cạnh đó, việc duy trì thủ tục này còn kéo theo nguy cơ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện, làm mất đi niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống quản lý. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia không áp dụng quy định này, thay vào đó họ tập trung vào hậu kiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Đây là cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp giảm bớt rào cản hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 18/2/2025, các Hội Chăn nuôi Việt Nam, Thú y Việt Nam, Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp có công văn gửi Ủ y ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng của Quốc hội giải trình, kiến nghị, tiếp thu những kiến nghị của Liên hiệp hội Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng về nội dung chỉnh sửa Luật TCQC và Luật CLSP.
Các ý kiến đều cho rằng thống nhất kiến nghị Quốc hội nên cho ghép hai Luật thành một và bỏ quy định công bố hợp quy. Các đại biểu cũng cho rằng quy định này không có ý nghĩa trong quản lý, tốn kém kinh phí, thời gian, đội giá thành sản phẩm và không có nước nào áp dụng và không có nước nào yêu cầu hàng hoá Việt Nam trong xuất nhập khẩu phải có kết quả công bố và dấu hợp quy.
Mặt khác, khi có ý kiến cho rằng quy định công bố hợp quy là không cần thiết, bởi trên thực tế, nhiều cơ sở sản xuất đã áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng nghiêm ngặt như HACCP, ISO, GMP, GMPWHO… thì cơ quan soạn thảo lại lý giải rằng sẽ tiếp thu theo hướng giữ nguyên quy định này, ngoại trừ các cơ sở đã đạt các tiêu chuẩn trên.
Cách tiếp cận này bị đánh giá là chưa phù hợp, vì bản chất các tiêu chuẩn HACCP, ISO, GMP, GMPWHO chỉ cấp cho cơ sở sản xuất, không phải cho từng sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ, cơ sở tư nhân trong nước chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn này, khiến họ tiếp tục bị áp đặt quy trình công bố hợp quy rườm rà, gây cản trở hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, quy định này cũng không phù hợp với các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh cải cách thể chế theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Quan trọng hơn, nó không phản ánh đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế theo hướng kiểm soát hiệu quả thay vì kiểm soát hành vi.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, Nhà nước cần ban hành Quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm hàng hóa, còn doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ, thay vì bị ràng buộc bởi những thủ tục hành chính không cần thiết.
Như vậy, việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cơ hội để tháo gỡ những nút thắt đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia mong muốn Nhà nước xem xét điều chỉnh các quy định theo hướng phù hợp hơn với thực tế quản lý và hội nhập quốc tế. Trong đó, đặc biệt cần lưu ý đến việc bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi sản xuất và lưu thông.
Hơn nữa, nếu các kiến nghị này được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm cũng sẽ trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng vừa tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và tiếp thu các đề xuất này, để việc sửa đổi Luật thực sự mang lại những thay đổi tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.