| Hotline: 0983.970.780

Kiên tâm bám biển: Bài 2 - Sức mạnh từ chính ngư dân

Thứ Ba 25/06/2019 , 08:36 (GMT+7)

Ngư dân miền Trung thành lập những tổ, đội đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau khi có tàu gặp rủi ro trên biển nhằm bảo đảm tính mạng của thuyền viên và tăng hiệu quả trong đánh bắt.

Gắn đời với biển

Đối với ngư dân, biển là máu thịt, là cuộc sống của họ. Bởi thế, gần như họ gắn đời với biển. Thời gian họ ở trên biển chiếm phần nhiều trong cuộc đời họ. Tàu đánh bắt xa bờ hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa thì chuyến biển ngắn nhất cũng hơn 20 ngày. Những tàu hành nghề câu mực xà có chuyến biển kéo dài đến 3 – 4 tháng.

Tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt trên biển Đông.

Sau mỗi chuyến biển, tàu cập bờ bán sản phẩm, các thuyền viên tranh thủ về thăm gia đình, sau khi tàu tiếp nhiên liệu, đá lạnh, sắm tổn, là tất cả các thuyền viên cấp tập tập trung để mở chuyến biển mới. Lại phải xa nhà. Nhiều tàu cá không cập bờ ở tỉnh nhà mà cập những cảng cá tỉnh khác để bán sản phẩm, nghỉ trăng, những người vợ phải rời quê đi thăm chồng và mang tiền được chia của chuyến biển về chi dụng trong gia đình. Đặc thù của nghề biển là như vậy.

Trước đây, khi ra khơi mạnh tàu ai nấy làm, không có sự liên lạc, hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi gặp rủi ro trên biển, nên không có sự ứng cứu kịp thời, ngư dân thường xuyên đối mặt với muôn vàn nguy hiểm.

Những năm gần đây, để giảm thiểu rủi ro cho ngư dân, ngành chức năng các tỉnh trong khu vực miền Trung động viên ngư dân thành lập các tổ đoàn kết khai thác trên biển để tăng sự liên kết, tạo nên sức mạnh của lực lượng tàu cá đang tham gia đánh bắt trên biển.

“Thời tiết trên biển ngày càng biến đổi, chẳng ai đoán trước điều gì có thể xảy ra. Chưa kể nhiều khi tàu của ngư dân ta bị tàu nước ngoài đâm va nữa, hiểm nguy trùng trùng. Từ khi gia nhập tổ đoàn kết ngư dân yên tấm bám biển hơn”, ngư dân Nguyễn Tuấn ở Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), tâm sự.

Ở Bình Định, tính đến nay, ngư dân các xã ven biển đã thành lập được 707 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với 2.719 tàu cá tham gia. Riêng huyện Hoài Nhơn thành lập được nhiều tổ, đội đoàn kết nhất với 534 tổ, đội, 1.973 tàu cá tham gia; tiếp đến là huyện Phù Cát 80 tổ, đội với 344 tàu cá tham gia; huyện Phù Mỹ 52 tổ, đội với 229 tàu cá tham gia; TP Quy Nhơn 41 tổ, đội với 173 tàu cá tham gia. Tàu cá của ngư dân tham gia các tổ đoàn kết khai thác thủy sản đều có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại nên có thể khai thác, đánh bắt quanh năm ở những vùng biển xa.

Ngoài hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thành viên các tổ, đội còn tương trợ nhau trong phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nên hạn chế được rủi ro trên biển; đồng thời tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tàu cá của ngư dân sẵn sàng hỗ trợ cho nhau khi đang đánh bắt trên biển.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh (62 tuổi) ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), nói về cách tổ chức khai thác của đội tàu cá xa bờ 12 chiếc của mình: “Trong 12 tàu cá do tôi chỉ huy, tôi chia thành 1 tổ chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, số tàu hành nghề lưới vây rút chì nhiều hơn nên tôi chia thành 2 tổ.

Khi đánh bắt trên biển, các tàu thường xuyên liên lạc về bờ báo cáo tình hình đánh bắt trên biển và liên lạc với nhau, nếu tàu nào gặp rủi ro thì tàu ở gần nhất sẽ dừng việc đánh bắt, chạy tới hỗ trợ. Ngoài ra, các tàu trong tổ đoàn kết của chúng tôi còn mở rộng liên lạc với các tàu ngoài tổ cùng đánh bắt trên 1 vùng biển để mở rộng thông tin”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.
 

Giữ biển bảo vệ kế sinh nhai

“Biển cưu mang chúng tôi, là cuộc sống của chúng tôi. Trong mỗi chuyến vươn khơi, ngoài để đánh bắt cá kiếm thu nhập cho gia đình, ngư dân chúng tôi luôn ý thức sự có mặt của mình trên biển chính là sự hiện diện của chủ nhà trong căn nhà của mình.
Do vậy, tôi luôn căn dặn những thuyền viên trong đội tàu cá của tôi trong lúc đi hành nghề trên biển, nếu quan sát thấy điều gì bất thường là phải báo về ngay cho tôi để tôi báo lại với ngành chức năng”, lão ngư Bùi Thanh Ninh nói.

Sinh ra đã là những người con của biển, thì ngư dân nào cũng luôn có ý thức phải bảo vệ biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc như gìn giữ căn nhà của cha ông để lại.

Theo nhiều ngư dân, trong lúc đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, họ vẫn thấy nhiều tàu nước ngoài đánh bắt xâm phạm ngư trường tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

“Thuyền viên trong đội tàu 12 chiếc của tôi thường xuyên báo về là gặp tàu Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam. Họ đánh bắt chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ mấy chục hải lý”, lão ngư Bùi Thanh Ninh cho biết.

Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh ở xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho hay: “Cần gì Trung Quốc ra thông báo cấm biển, bình thường chúng tôi đi đánh bắt trên vùng viển của Việt Nam, gặp tàu Trung Quốc là lập tức chúng tôi bị họ rượt đuổi.

Tàu Trung Quốc lớn, tàu mình nhỏ phải chạy thôi. Tàu mình nhỏ cũng có lợi thế nhanh nhẹn, dễ xoay trở”.

Còn ngư dân Châu Anh Tuấn ở Nha Trang (Khánh Hòa) thì chia sẻ: “Các tàu xâm phạm vùng biển mình có kích thước rất lớn nhưng chúng tôi không ngại. Vì các tàu của mình có tổ đội đánh bắt ở các tọa độ gần nhau, tất cả đều sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần thiết.

Chúng tôi phải liên kết lại để giữ biển, giữ cái nghề cho mình và con cháu mai sau”.

Ngư dân Huỳnh Văn Khôi ở thôn Đông An, Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), chủ tàu cá mang số hiệu QNa 91829TS cho biết, đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ tại địa phương thì một trong những điều cần thiết để có thể yên tâm hoạt động là tham gia các tổ đoàn kết trên biển. Mỗi một tàu ra khơi đều có ít nhất từ 2 – 3 tàu khác nằm trong tổ đoàn kết và thường xuyên liên lạc với nhau.

Ngư dân miền Trung quyết tâm bám biển.

“Mỗi khi một tàu có sự cố thì các tàu trong tổ đoàn kết sẽ chạy đến để hỗ trợ. Thậm chí các tàu thuộc tổ đoàn kết khác mà hoạt động gần cũng đến ứng cứu. Điều này giúp cho ngư dân chúng tôi không hề cảm thấy đơn độc giữa biển cả bao la”, ông Khôi nói.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất