| Hotline: 0983.970.780

Kiến trúc độc đáo nhà trình tường của người Hà Nhì ở Ý Tý

Thứ Bảy 01/10/2022 , 14:42 (GMT+7)

Dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam có khoảng trên 25.000 người, cư trú tai Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Có hai nhóm Hà Nhì, gồm Hà Nhì hoa và Hà Nhì đen…

Empty

Trẻ em chơi đùa bên ngôi nhà trình tường có địa y mọc xanh rờn trên mái. Ảnh: Thái Sinh.

Người Hà Nhì sống chủ yếu trên trên các sườn núi cao giáp ranh biên giới Trung Quốc. Theo sử liệu và những lời truyền miệng thì tổ tiên người Hà Nhì sống ở cao nguyên Thanh Tạng, do chiến tranh sắc tộc giữa người Hán và các dân tộc thiểu số khác kéo dài liên miên nên một bộ phận người Hà Nhì dạt xuống miền núi phía Bắc Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.

Người Hà Nhì hoa sống tập trung ở Lai Châu và Điện Biên, nhìn trang phục của họ khá giống với người Di trên cao nguyên Thanh Tạng, màu sắc chủ lực là màu đỏ, trang trí nhiều tua và gù hoa nom rất sặc sỡ. Người Hà Nhì đen sống ở Lào Cai, tập trung nhiều nhất ở xã Ý Tý dưới chân núi Nhìu Cồ San, phiên âm ra tiếng Việt là núi Sừng Trâu.

Empty

Ngôi nhà trình tường cổ kinh. Ảnh: Thái Sinh.

Còn nhớ năm 2006, lần đầu tiên tôi lên Ý Tý từ phía Mường Hum, sau khi xuyên qua cánh rừng đại ngàn từ trên cao nhìn xuống làng bản của người Hà Nhì bảng lảng trong sương mù với những ngôi nhà lợp cỏ nên có cảm giác như mình đang lạc vào miền cổ tích. Mùa xuân đến, hoa đào nở hồng trên khắp các bản làng thấp thoáng trong sương mờ tưởng như mình đang bước tới chốn thần tiên, lòng dạ xốn xang thật khó tả.

Nhà của người Hà Nhì đen ở Lào Cai chủ yếu là nhà trình tường, nhà dựa lưng vào núi, mặt hướng ra phía thung lũng. Mùa làm nhà thường tập trung vào những tháng cuối năm sau khi gặt hái xong, cũng là khi mùa mưa đã chấm dứt. Họ nhờ thầy cúng hoặc vị cao niên trong làng chọn mảnh đất khá bằng phẳng, trước khi làm họ đào ba lỗ nhỏ, mỗi lỗ để ba hạt thóc quay về ba hướng, sau đó úp bát lên rồi làm các thủ tục khấn gọi tổ tiên và thần linh. Sau một đêm họ mở những chiếc bát đó ra, các hạt thóc còn nằm nguyên thì có nghĩa là tổ tiên và thần linh cho phép họ dựng nhà ở chỗ đó, nếu các hạt thóc quay đi hướng khác tức là tổ tiên và thần linh không cho ở, họ phải đi tìm chỗ đất mới để làm nhà.

Do sống trên núi có rất nhiều đá, nên móng nhà đào không được sâu, nếu chẳng may gặp hòn đá to thì họ phải đốt lửa để hòn đá bửa ra, đánh đi rồi mới xếp đá làm móng. Phần nổi trên mặt đất khoảng 40 - 50cm để chống mưa làm sụt móng, nhà của họ chiều rộng không kém chiều dài bao nhiêu, nên trông ngôi nhà tựa hình vuông, từ trên núi cao nhìn xuống giống như những cái nấm khổng lồ.

Khuôn để trình tường làm gỗ dài chừng 2 - 2,5m, rộng 50 - 60cm, sâu 40 - 50cm được khóa chặt bởi những thanh gỗ ngang sau đó họ đổ đất vào khuôn rồi dùng chày giã cho chặt. Đất khai thác quanh nhà, chủ yếu là đất đỏ pha sỏi không được khô quá và cũng không được ướt quá. Nếu đất khô thì không có sự kết dính, còn đất ướt thì khi lên tường dễ bị xệ.

Empty

Trình tường. Ảnh: Thái Sinh.

Việc làm nhà chủ yếu là đàn ông, sau khi lên tường được một lớp họ nghỉ để tường khô mới đổ lớp đất tiếp theo. Quan sát các góc tường thấy các thanh tre hoặc gỗ to gần bằng ngón chân cái để tạo sự liên kết chắc chắn giữa bức tường ngang và bức tường dọc, vì các vết nứt thường ở các góc tường. Trong thời gian thợ nghỉ đợi tường khô chủ nhà dùng chiếc bàn gỗ rộng 10cm đập cho mặt tường phẳng, không để mặt tường lồi lõm. Ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì được làm từ 2 - 3 tháng mới xong.

Phía trong ngôi nhà cũng có các bức tường ngăn thành các căn buồng nho nhỏ cho con cái và vợ chồng chủ nhà. Điều đáng chú ý là nhiều nhà dựng một bức tường làm bình phong. Theo giải thích của gia chủ là để chắn gió giữ ấm cho ngôi nhà.

Do sống trên núi cao quanh năm lạnh giá, nhất là mùa đông thường có mưa tuyết, nên nhà của người Hà Nhì rất ít cửa sổ, các cửa sổ rộng 40x40cm, nằm gần mái, thực ra đó là các lỗ thông hơi và lấy ánh sáng ít ỏi. Cửa các ngôi nhà đều hẹp, dưới bậu cửa nhiều nhà có một lỗ nhỏ, hỏi ra mới biết đó là lỗ cho mèo hoặc gà chui ra, chui vào. Vì nhiều hộ còn nhốt gà trong nhà do sợ gà chết rét, bây giờ nhiều gia đình đều làm chuồng gà ra bên ngoài.

Bếp thường nằm ở phía bên phải trong ngôi nhà, nhiều hộ đắp bếp lò nấu cám lợn và nấu rượu và thức ăn ngay cạnh sạp ngủ của gia chủ. Mặc dù bếp lò có ống khói thông hơi, nhưng trong nhà vẫn đen kịt màu bồ hóng. Họ đun nấu trong nhà là để ngôi nhà ấm áp, nhất là mùa đông rét mướt.

Empty

Hòn đá nơi giữ Thần lửa. Ảnh: Thái Sinh.

Bếp là nơi quan trọng sau chỗ thờ cúng, sau khi dựng nhà xong, trước khi dọn vào ngôi nhà mới, chủ nhà phải lên núi Nhìu Cồ San tìm một hòn đá đặt vào cạnh bếp làm Thần giữ lửa. Theo quan niệm của họ, đá sinh ra lửa, vì thế họ mang đá về để giữ cho ngọn lửa trong nhà không bao giờ được tắt. Người Hà Nhì nếu thiếu lửa thì họ không thể sống nổi để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt trên núi cao. Buổi sáng người phụ nữ thường dậy rất sớm, việc đầu tiên là họ đánh thức Thần giữ lửa rồi mới nhóm bếp. Thần giữ lửa được tôn thờ, những ngày lễ, Tết mọi thức ăn họ đều mời Thần giữ lửa ăn cùng, không ai được bước qua đầu Thần giữ lửa cũng như không ai được dùng que hay củi gõ vào đầu Thần giữ lửa.

Tết đến gia đình nào cũng mổ lợn, họ treo những cái hàm lợn lên gác bếp, nhà nào có bao nhiêu cái hàm lợn thì ngôi nhà có bấy nhiêu năm, nói cách khác đó là những “tờ lịch” để tính tuổi của ngôi nhà.

Trước đây, nhà của người Hà Nhì lợp bằng cỏ, một thứ cỏ thân dài và cứng, họ lợp dày đến cả mét, nên nhiều ngôi nhà sau 20 - 30 năm mới phải lợp lại. Sống trên núi cao lạnh giá quanh năm sương mù dày đặc, nên nhiều mái nhà địa y mọc xanh rờn nom rất cổ kính.

Empty

Nhà của người Hà Nhì đang được gạch hóa, tôn hóa làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: Thái Sinh.

Khoảng hơn chục năm nay các gia đình có điều kiện thì lợp bằng tấm lợp hoặc bằng tôn, nhiều nhà không trình tường mà xây bằng gạch cửa xếp, lợp tôn, điều này dấy lên sự lo ngại, khi mà tỉnh Lào Cai quy hoạch Ý Tý thành khu du lịch trên núi cao, biến Ý Tý thành Sa Pa thứ hai. Nhưng với việc tôn hóa, bê tông hóa thì Ý Tý mất đi cái vẻ hoang sơ vốn có. Việc giữ gìn và khuyến khích người dân làm nhà trình tường và lợp cỏ thì mới hấp dẫn du khách. Muốn vậy, Lào Cai cần hỗ trợ người dân, hoặc trích từ nguồn thu du lịch để họ giữ gìn những ngôi nhà lợp cỏ như vài chục năm trước đây.

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Barcelona được dự báo sẽ vô địch La Liga

Dù La Liga 2024/2025 mới đi được 1/3 chặng đường nhưng sau chiến thắng tại trận siêu kinh điển thì Barcelona được dự báo nhiều khả năng vô địch.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.