| Hotline: 0983.970.780

Biến chuồng ngựa, bếp thành... phòng nghỉ hạng sang

Thứ Bảy 03/07/2021 , 07:36 (GMT+7)

Giá trị văn hóa, xã hội, kiến trúc mang đậm bản sắc của người Hà Nhì ở Y Tý đang giúp họ thay đổi cuộc sống, xoá bỏ nghèo nàn, thiếu thốn và lạc hậu.

Thôn Choản Thèn (Y Tý) còn giữ nguyên nét hoang sơ nên được nhiều du khách ưa thích. Ảnh: H.Đ.

Thôn Choản Thèn (Y Tý) còn giữ nguyên nét hoang sơ nên được nhiều du khách ưa thích. Ảnh: H.Đ.

Nhà trình tường đất thành nơi nghỉ ngơi sang trọng

Sau quy hoạch, Y Tý được nhiều người biết đến hơn vì được coi là Sa Pa thứ hai, kéo theo giá nhà đất cũng sốt xình xịch. Ở đây hiện chỉ có 7 homestay, một con số rất khiêm tốn và người dân còn khá lạ lẫm với dịch vụ du lịch.

Homestay Y Tý nằm ngay đầu thôn Lao Chải, thôn cổ này có lịch sử hàng trăm năm, những người già trong thôn không nhớ nổi mốc thời gian, chỉ biết rằng thôn đã có từ rất lâu. Theo những vị cao niên trong thôn, Lao Chải (Lảo Chải) tiếng Quan Hoả là làng già cỗi hay làng cũ. 

Trong thôn Lao Chải còn 3 ngôi nhà trình tường ít nhất 100 năm tuổi. Các thế hệ của những gia đình người Hà Nhì đến nay vẫn sử dụng những ngôi nhà này để ở, sinh hoạt hằng ngày. 

Thời điểm này, việc xây mới ở thôn cổ gần như là không thể bởi chính quyền muốn bảo tồn, làm địa điểm du lịch. Một số người dân đã sửa chữa chuồng lợn, gà thành nhà vệ sinh… Chuồng ngựa, chuồng trâu không còn sử dụng được tận dụng làm phòng ở, phòng khách… 

Các phòng này đáp ứng được yêu cầu của những du khách khó tính nhất với tiêu chuẩn phòng ngủ hạng sang, đệm dày, êm mềm, ga trải giường trắng tinh. Trong phòng có các mảng trang trí thổ cẩm, tranh… đậm sắc văn hoá của người Hà Nhì. 

Là nơi đầu tiên trong thôn chỉnh sửa nhà cũ thành nơi đón khách, chủ homestay Y Tý không chỉ bỏ tiền bạc và rất nhiều công sức để sửa chữa mà không làm biến dạng nét đẹp tự nhiên của ngôi nhà trình tường gần 20 năm tuổi. 

Người dân phơi đương quy và đậu trước nắng sớm ở Y Tý. Ảnh: H.Đ

Người dân phơi đương quy và đậu trước nắng sớm ở Y Tý. Ảnh: H.Đ

Chủ căn nhà cho biết, tập tục của người Hà Nhì, mọi sinh hoạt từ đun nấu, treo thịt gác bếp, ăn ngủ đều ở trong ngôi nhà đất. Trải qua nhiều năm, các xà gồ, tường, vật dụng trong nhà đều bám lớp mòng hóng dày cộp tới vài ba phân. 

Căn nhà sau đó được thuê thợ mộc rửa sạch sẽ, cạo bỏ, bào mòng hóng ở các xà gồ, ở tường, làm lại sàn nhà, và căng bạt trên trần không để mòng hóng rơi xuống chăn ga, gối đệm nhất là những ngày trời nồm, ẩm ướt…  Mặt tường bên trong cũng được trát và sơn trắng cho sạch sẽ. 

Trước khi trát, người ta phải đóng một lớp đinh để xi măng có thể bám dính được. Còn mặt ngoài để mộc cho thoáng khí bởi nếu cả 2 mặt tường cùng được trát chắc chắn những bức tường đất sẽ không còn độ bền tới cả trăm năm khi nước mưa ngấm vào trong.

“Gần như căn nhà còn nguyên bản, chỉ sửa cho sạch sẽ. Gỗ làm nhà của người Hà Nhì tốt hơn sắt và được lớp mòng hóng bám vào nên không bao giờ bị mối mọt. Nhà trình tường làm bằng đất có tường dày tới 40-50cm, do đó ở trong những căn nhà này mùa đông thì ấm còn mùa hè thì mát rượi. Chúng tôi chỉ bỏ bếp lò trong nhà di để có thêm không gian cho phòng ở”, chủ homestay này cho biết.

Một phòng nghỉ trong nhà trình tường ở Lao Chải (Y Tý) gây bất ngờ cho du khách. Ảnh: H.Đ

Một phòng nghỉ trong nhà trình tường ở Lao Chải (Y Tý) gây bất ngờ cho du khách. Ảnh: H.Đ

Thay đổi từng ngày ở biên cương Y Tý 

Ông Tráng A Lù (người Hà Nhì), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý, nhận rõ sự đổi thay hằng ngày của mảnh đất biên cương này. 

Trước kia, ở Y Tý người dân rất khổ, đói không có gì mà ăn chứ không như bây giờ đâu. Hồi đó không có đường, chỉ đi bộ. Người dân trồng lúa mỳ, ngô để lấy cái ăn. Các hạt này cứng nên đun nhừ mới ăn được, ông Lù kể. 

Sau năm 1986 cho đến bây nay, người dân Y Tý được ăn học nên văn minh hơn, không còn đói nghèo như những thế hệ ngày xưa nữa. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hiện nay Y Tý có hơn 30 cháu học đại học rồi trở về địa phương công tác, người làm công an, cán bộ xã, biên phòng… có đủ cả.

Khi Y Tý phát triển du lịch, môi trường sống sạch sẽ hơn khác trước rất nhiều, mọi người đều có ý thức phải giữ gìn xanh sạch đẹp. Một nhà trồng hoa rồi hàng xóm cũng học theo là thực tế nhìn thấy ở những con đường nông thôn mới ở Y Tý. 

“Cái thay đổi chúng ta nhìn thấy rõ ràng là chuồng trại ở xa không còn nuôi nhốt trong, gần nhà nữa. Đường xá, cửa nhà mình sạch sẽ hơn không còn mùi gia súc, gia cầm…”, ông Lù nói. 

Người dân không còn đổ, vứt rác bừa bãi xung quanh bản làng, hay xuống suối. Người vi phạm sẽ phạt rất nặng với 36kg lợn hơi, 20kg gạo và 20 lít rượu.

Ngoài những vụ ngô, vụ lúa, cuộc sống của người Hà Nhì tại Y Tý khá hơn nhờ có việc làm, bán nông sản mình trồng ra cho du khách, không phải mang xuống chợ liên xã cách đó hàng chục kilomét. Mọi người được giao tiếp với thế giới xung quanh, văn minh hơn.

Tuy nhiên, ông Lù cũng băn khoăn làm sao bảo tồn được văn hoá của dân tộc người Hà Nhì trong khi phát triển du lịch vì vậy bà con mong chính quyền quan tâm hơn nữa. 

Khi phát triển đồng nghĩa xây dựng nhưng sẽ tác động đến hiện trạng, trong đó có 2 thôn Lao Chải và Choản Thèn. Tuy nhiên, người dân mong muốn được tạo điều kiện nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi du lịch, sửa xây nhà trình tường, xây nhà cho con khi chúng tách ra riêng.

“Choản Thèn (mảnh ruộng tròn) cũng là từ Lao Chải mà ra. Khi con cái lớn lên, lập gia đình thì ra ở riêng, khai hoang mảnh ruộng rồi tách lên trên đó và thành Choản Thẹn bây giờ. Song chúng tôi muốn, quy hoạch ở đâu như thế nào để người dân nắm bắt được cơ hội làm du lịch, xoá bỏ cái nghèo, cái neo, hủ tục còn đeo bám những người dân ở đây”.

Cả 2 thôn cổ Choản Thèn và Lao Chải hiện còn hàng chục căn nhà trình tường bằng đất, nguyên vẹn. Quang cảnh tự nhiên của nơi này chính là thế mạnh về du lịch của Y Tý. Do đó, người dân đóng vay trò quan trọng trong phát triển du lịch tại đây.

Hai bà cháu ở Lao Chải (Y Tý) trước thềm căn nhà cổ xây bằng đất hơn 100 năm tuổi. Ảnh: H.Đ.

Hai bà cháu ở Lao Chải (Y Tý) trước thềm căn nhà cổ xây bằng đất hơn 100 năm tuổi. Ảnh: H.Đ.

Lần đầu múa hát có cát xê

Vợ chồng Tráng Xá Mừ phải bươn chải, sang Trung Quốc xây kè, làm đường, mỗi ngày được 80 nhân dân tệ (khoảng 300 nghìn đồng). Khi dịch Covid-19 bùng phát, Mừ ở nhà tìm được việc tại một homestay. Công việc đầu tiên Mừ tiếp cận là dọn dẹp phòng, bưng bê. Chỉ sau mấy tháng, Mừ gần như thành thạo nhiều việc nên thu nhập khá ổn. 

“Vừa học vừa làm, lương tháng 6 triệu, còn vợ tôi ở nhà chăn lợn, chăn gà. So với đi làm bên Trung Quốc, làm ở nhà nhàn hơn, giờ giấc đảm bảo”, Mừ nói. 

Phu Đo Mè cũng từng làm thuê ở Trung Quốc, 100 nhân dân tệ/ngày công nay thì cũng kiếm việc gần nhà để làm. “Từ hồi bên đó cấm nên tôi không sang nữa. Với lại bên này, xây sửa các công trình đều đều mỗi tháng 8-10 triệu đồng, đủ chi phí trang trải cho gia đình rồi”, Mè nói. 

Mè tính tích cóp thêm tới lúc có đủ lực sẽ đầu tư vào căn nhà 100 năm tuổi đang ở để làm du lịch cộng đồng. 

Ly Xá Gơ ở Choản Thèn thôn kế bên Lào Chải cùng 5 cô gái khác thì thành lập đội văn nghệ biểu diễn mỗi khi có du khách.  

Gơ cho biết, “các bài hát của người Hà Nhì là câu chuyện đời của mỗi người nên không có tên, không ghi chép lại. Khi có tâm trạng có thể hát kéo dài 2-3 tiếng vẫn không thể hết được”.

Ngoài hát, nhóm của Gơ dùng nhạc nền là các bài kéo nhị truyền thống để biểu diễn 5-6 tiết mục múa dân tộc, trong đó một số đã được làm mới để hấp dẫn hơn. 

“Trong đội có 6 chị em từ 22-25 tuổi. Khi có khách, các homestay thường gọi sớm, có khi chỉ lao động buổi sáng, chúng em về chuẩn bị cho các tiết mục để tối biểu diễn. Chị em ở trên này đi lao động chân tay, làm nương, rẫy suốt nên khá vất vả nhưng mỗi tối chúng em dành chút thời gian 1-2 tiếng 8-10h đêm lên nhà văn hoá hoặc tập tại nhà tâm sự với nhau và cùng tập múa”, Gơ cho biết.

Mỗi tháng nhóm múa của Gơ biểu diễn khoảng 4-5 show và mỗi người được khoảng 250 nghìn đồng tiền công, du khách có thể cho thêm.

Một góc thôn Choản Thèn (Y Tý). Ảnh: H.Đ

Một góc thôn Choản Thèn (Y Tý). Ảnh: H.Đ

Cũng theo Gơ, hoạt động du lịch thay đổi cuộc sống người phụ nữ Hà Nhì, bình đẳng hơn với nam giới.

“Con gái, con trai có bạn 1-2 ly rượu ai cũng uống nhưng việc uống say bớt rồi. Ngày xưa việc nương rãy, đàn ông không ra đồng nhưng giờ cả 2 vợ chồng cùng đi không như trước nữa”, Gơ cho biết.

Gơ cũng như những người dân khác ở Y Tý nhận thấy, du lịch đang giúp họ có cơ hội xóa bỏ cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn, lạc hậu nhưng cần phải giữ gìn giá trị kiến trúc, văn hóa, xã hội mang đậm bản sắc địa phương và người bản địa giữ yếu qua trọng. Tuy nhiên, làm sao việc thay đổi phải mang đến giá trị cho đa số và để bà con có cơ hội làm chủ cuộc sống trên vùng đất của mình thì định hướng chung của chính quyền địa phương rất quan trọng. 

"Để quản lý chung cần bài bản các bước, nếu để người dân tự do cải tạo trong khi các điều kiện về quy hoạch chi tiết cũng như các quy chế kiến trúc chưa hoàn thiện rất dễ sau này sẽ trở thành “trăm hoa đua nở”. Nhà của người Hà Nhì dựa trên nền sản xuất nông nghiệp trước đây do đó nhà ít ánh sáng, có nhiều khói, do đó tính khoa học và sức khoẻ cho người dân cũng cần điều chỉnh nhất định.

Hiện nay, huyện cũng có mẫu nhà định hình trên cơ sở khảo sát văn hoá, tập tục của người Hà Nhì ở Y Tý. Tuy nhiên, định hướng chung là quy hoạch Choản Thèn, Lao Chải và một số thôn là bảo tồn nét không gian tự nhiên, cũng như không gian văn hoá, kiến trúc", ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Bát Xát (Lào Cai).

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.