| Hotline: 0983.970.780

Kim Sơn tái cơ cấu nông nghiệp, bắt đầu từ đâu?

Thứ Ba 18/04/2017 , 14:06 (GMT+7)

Những năm qua hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản có hiệu quả trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đều “vượt rào” đất lúa cả về hạn điền và quy định về chuyển đổi đất lúa…

Dân khát làm giàu, vượt rào đất lúa

Báo cáo về công tác thực hiện pháp luật đất đai và chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp với đoàn công tác của Ban Kinh tế TƯ gần đây, ông Mai Văn Thanh – Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn cho biết, mặc dù Nhà nước cho phép nông dân chuyển nhượng đất cho nhau hoặc thuê mướn để có diện tích đất nông nghiệp liền khoảnh, quy mô lớn, từ đó đầu tư vào sản xuất nhưng quá trình tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn vẫn gặp vướng mắc do quy định hạn mức giao đất không quá 2ha ở vùng đồng bằng sông Hồng (Điều 129, Luật Đất đai 2013).

18-29-40_nh-2
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình xuống đồng cùng công nhân Cty Bình Minh

Chính quy định này đã làm chậm tiến trình chuyển đổi sản xuất của huyện, đặc biệt trở ngại khi các xã tiến hành chuyển đất công ích 5% vào các khu tập trung để cho đấu thầu thực hiện các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng cây hàng năm kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, để đi đến một đích đúng thực tiễn luôn luôn vận động và phát triển theo những cách riêng. Cho dù có thể là chậm. Cho dù có phải vượt rào. Nhưng hoạt động tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mô hình sản xuất vẫn diễn ra.

“Những năm qua hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản có hiệu quả trên địa bàn huyện Kim Sơn đều vượt rào đất lúa cả về hạn điền và quy định chuyển đổi đất lúa”, ông Thanh thẳng thắn thừa nhận.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Kim Sơn có khoảng 9 hộ có tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao trong đó chỉ 3 hộ có diện tích trên 2 ha gồm: ở xã Quang Thiện có ông Vũ Thanh Trường diện tích 5 ha, hộ ông Vũ Văn Hoài diện tích 3 ha; xã Đồng Hướng có ông Vũ Văn Sang diện tích 3,48 ha, còn lại đều vẫn dưới mức hạn điền.

Bởi lẽ sản xuất nông nghiệp vốn đã khó, lợi nhuận thấp, nếu người dân bỏ tiền ra mua đất nông nghiệp rồi lại nộp thuế vượt hạn điền thì lấy đâu ra lợi nhuận. Trong khi đó, việc chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng khác hay nuôi trồng thủy sản lại bị coi là “phá rào” vì vướng Nghị định 35 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa.
 

Nâng giá trị sản xuất thế nào?

Cứ như ông Thanh đề cập thì câu chuyện vượt rào đất lúa đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho một số hộ gia đình ở địa phương nhưng rõ ràng đây mới chỉ là một nút thắt của sản xuất nông nghiệp. Vấn đề để nâng cao giá trị SX nông nghiệp thì ngoài tích tụ ruộng đất ra còn là quy hoạch, giống, vốn, khoa học công nghệ, quản trị và quan trọng là thị trường đầu ra cho sản phẩm.

18-29-40_nh-1
Vấn đề để nâng cao giá trị SX nông nghiệp thì ngoài tích tụ ruộng đất ra còn là quy hoạch, giống, vốn, khoa học công nghệ

GĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình, ông Vũ Nam Tiến cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kinh tế gia trại, nông trại, đặc biệt hiện nay cần quan tâm nghiên cứu hướng các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như Vingroup, TH, Lộc Trời… để làm hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy cho vùng sản xuất nông nghiệp.

Các doanh nghiệp có thể thuê đất của dân trả từ 70-150 kg lúa/sào sau đó lại thuê dân làm việc để có thêm thu nhập như vậy doanh nghiệp vừa giải quyết được việc làm cho người lao động, vừa có cơ hội đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Để tạo động lực thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng đã có chủ trương cổ phần hóa Cty TNHH MTV Bình Minh nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp thực sự có năng lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện Cty Bình Minh đang nắm giữ một cánh đồng lớn rộng tới 527 ha với đầy đủ hệ thống thủy lợi, nhà xưởng, kho bãi kèm theo một lực lượng lao động nông nghiệp có kinh nghiệm…

Một điều kiện lý tưởng để xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên do thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của công ty còn rất nhiều tiềm năng để ngỏ. Ông Phạm Văn Chiến – GĐ Cty Bình Minh cho biết, đơn vị đã từng phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp như Cty Phân bón Quế Lâm, Cty Lộc Trời để sản xuất lúa chất lượng cao.

Kết quả cho thấy, vụ xuân này diện tích 58 ha lúa Bắc thơm 7 được sản xuất theo giống, quy trình của Cty Lộc Trời và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra có giá trị tăng hơn 15% so với thông thường.

Theo ông Chiến, hướng của Cty Bình Minh trong thời gian tới là sản xuất theo chuỗi: tạo vùng lúa sạch hữu cơ chất lượng cao, vùng rau sạch, vùng nuôi trồng thủy sản cùng với đầu tư hoàn thiện hệ thống bảo quản chế biến sản phẩm sau thu hoạch: hệ thống sấy, đóng gói sản phẩm… đồng thời sẽ xây dựng và đăng kí thương hiệu sản phẩm hữu cơ Bình Minh. Để làm được việc đó Bình Minh sẽ cần thu hút vốn, khoa học công nghệ, cũng như khả năng marketing từ các doanh nghiệp có năng lực đầu tư nông nghiệp.

Dẫn chứng tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa tại địa phương đã nâng giá bán gạo lên từ 8-15 USD/kg, ông Vũ Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn – Ban Kinh tế TƯ khẳng định nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất, không sản xuất quy mô lớn để đạt năng suất, chất lượng tốt hơn thì nông sản của chúng ta sẽ không đảm bảo yếu tố cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng điểm mấu chốt của tích tụ ruộng đất là lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn đông vì vậy quá trình tích tụ ruộng đất cần song song với giải pháp đào tạo nghề trong nông nghiệp cũng như tạo nghề mới phi nông nghiệp.

Đoàn công tác Ban Kinh tế TƯ đã đến tham quan, xem xét mô hình chuyển đổi của Cty TNHH Bình Minh nhằm thu hút đầu tư nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh nhưng vẫn giữ ổn định việc làm cho người lao động nông nghiệp.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.