Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An đánh giá, tỉnh Nghệ An sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được áp dụng. Mô hình kinh tế trang trại không ngừng được mở rộng, góp phần nâng cao năng suất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng cũng như xây dựng nông thôn mới.
Hiện toàn tỉnh có 440 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, tổng vốn đầu tư bình quân đạt trên 3,3 tỷ đồng/trang trại, giá trị sản lượng hàng hóa bình quân hơn 3,8 tỷ đồng/trang trại, nhiều cơ sở đạt lợi nhuận trên dưới 700 triệu đồng/năm.
Kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là kinh tế hộ nhưng đã mở rộng quy mô và đa dạng hóa về hình thức sản xuất.
Ở khía cạnh kinh tế tuần hoàn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) có quan hệ tương trợ chặt chẽ lẫn nhau, có thể tận dụng tối đa các sản phẩm, phụ phẩm từ trồng trọt làm đầu vào phục vụ chăn nuôi và ngược lại (mô hình trồng lúa – nuôi cá; trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả…).
Ngoài ra còn có mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed – Fertilizer), áp dụng chăn nuôi lợn hữu cơ, sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ và sản xuất phân bón vi sinh; mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa được áp dụng chủ yếu tại các trang trại chăn nuôi bò sữa lớn như Vinamilk, TH…
Hàng năm, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An phê duyệt từ 20 - 40 mô hình khuyến nông địa phương, đề xuất thêm 10 - 20 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Mục tiêu là tuyển chọn các mô hình sản xuất đáp ứng cả chỉ tiêu kinh tế và môi trường, đảm bảo bền vững theo đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.
Phát triển kinh tế tuần hoàn đã tác động sâu rộng đến các lĩnh vực trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh. Về lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có 24.691ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chủ yếu là rừng trồng của các hộ gia đình liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chứng chỉ nhóm.
Về lĩnh vực thủy sản, nổi bật có mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn bằng hệ thống tuần hoàn nước khép kín, sử dụng công nghệ siêu thâm canh trong nhà kính và bể nổi, kết hợp hệ thống tuần hoàn tái sử dụng nước. Cách này giúp đẩy nhanh quá trình xử lý ao nuôi, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, lại giảm thiểu phát thải, ô nhiễm, dịch bệnh.
Đặc biệt, quá trình thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn tạo dựng được tiếng vang, bao gồm mô hình chăn nuôi xử lý, tuần hoàn chất thải chăn nuôi gà tại huyện Nghi Lộc và Diễn Châu; mô hình chăn nuôi xử lý, tuần hoàn chất thải chăn nuôi lợn thương phẩm tại huyện Nghi Lộc...
Chủ trương phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tuần hoàn đã trực tiếp giúp các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 11 (tỷ lệ hộ nghèo), tiêu chí số 12 (tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên), tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Nghệ An nhận xét: Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên, góp phần tối ưu hóa việc sử dụng đất đai, nước và phân bón, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn còn đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa nền kinh tế, qua đó cải thiện, nâng tầm điều kiện sống cho người dân nông thôn.
Mặc dù vậy, quy mô kinh tế trang trại trên địa bàn Nghệ An còn hạn chế, nhịp độ phát triển chưa đồng đều, số đông còn mang tính tự phát, phân tán; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi, chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại còn nhiều vướng mắc; công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; mối liên kết giữa các chủ thể, các tổ chức kinh tế chưa thực sự bền chặt; chính sách hỗ trợ trang trại, kinh tế tuần hoàn chưa nhiều, chưa đồng bộ, nhất là về chính sách vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Giai đoạn tới, Nghệ An vẫn xác định phát triển, nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tuần hoàn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo ra hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững. Muốn cụ thể hóa mục tiêu này, nhất thiết phải khẩn trương xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại.