Với sự đa dạng về hệ sinh thái vùng nhiệt đới, Kon Chư Răng đang được giới trẻ chia sẻ tìm đến như một địa danh du lịch đẹp dành cho những ai thích kiểu du lịch mạo hiểm khám phá.
KBTTN mang trong mình những vẻ đẹp tiềm ẩn nguyên với gần 12 thác nước lớn nhỏ giấu mình trong trập trùng rừng núi.
Theo thống kê, KBTTN Kon Chư Răng có 546 loại thực vật bậc cao, trong đó có 18 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và 7 loài được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Đối với hệ động vật có 392 loài, nhiều loài có tên trong Sách Đỏ như vượn má hung, voọc chà vá chân xám, mang Trường sơn... được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học.
Với diện tích rộng lớn như vậy, Kon Chư Răng hiện mang trong mình đến 6 thôn làng người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bahnar.
Được biết những ngày đầu thành lập KBTTN đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về việc giải quyết mẫu thuẫn, tranh chấp đất đai với bà con các thôn làng. Bởi bà con vẫn có thói quen du canh du cư, nên việc phá rừng làm nương rẫy mỗi khi dời làng là việc đương nhiên mỗi khi đất đai không còn màu mỡ.
Thế nên, nếu không xử lý khéo léo, ban quản lý KBTTN sẽ lâm vào thế đối đầu với người dân. Chính vì thế, theo ông Trịnh Viết Ty - GĐ KBTTN chia sẻ: “KBTTN đã có nhiều chính sách nhằm giúp đỡ bà con yên tâm định canh định cư thay vì lối sống du canh du cư, ảnh hưởng đến việc quản lý KBTTN như: mỗi năm BQL khu KBTTN nhận đỡ đầu kết nghĩa với một thôn làng vùng đệm, cố gắng giúp đỡ mỗi thôn làng kết nghĩa từ 1-2 hộ thoát nghèo, ngoài ra, các cán bộ còn kiêm thêm công tác kĩ sư nông nghiệp để giúp đỡ cho người dân các kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt BQL khu KBTTN sử dụng trên 60% cán bộ bảo vệ rừng là người dân vùng đệm, trong đó có trên 50% là người Bahnar.
Chính vì những nỗ lực hết mình như vậy nên người dân vùng đệm đã có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ, đoàn kết, gắn bó hơn với BQL khu KBTTN, hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân vùng đệm và BQL khu KBTTN”.
Minh, 22 tuổi, người Bahnar là Kiểm lâm trẻ nhất, là nhân viên hợp đồng ở Khu bảo tồn vui vẻ cười, khoe hàm răng trắng bóng: “Em là thợ sửa xe ngoài thị trấn, làm thợ sửa xe thì nhiều tiền hơn, nhưng vì em thích việc đi rừng, nên giao việc lại cho các thợ phụ, em vào đây làm cho vui. Chứ lương của nhân viên hợp đồng thấp lắm, làm sao sống nổi”.
Làm tốt công tác khoán QLBVR cho người dân vùng đệm nên hiện nay đã có 5 cộng đồng làng nhận khoán với tổng số 313 hộ gia đình tham gia. Nhờ có quyết định 24/2012/QQĐ –TT về chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng, từ năm 2014 đến nay, hằng năm BQL khu KBTTN hỗ trợ mỗi cộng đồng vùng đệm 40.000.000đ/thôn/làng, để đầu tư nâng cáo năng lực phát triển sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây,…), hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn bản (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc,…).
Làng Kon Von 2, ngôi làng nằm trong vùng đệm được mệnh danh là làng Kiểm lâm khi người dân nơi đây còn tham gia vào việc giữ rừng, già làng Đinh Pách nói: người Bahnar mình sinh ra với rừng mà, sống cùng nhờ cái rừng, rừng cho ăn nhiều lắm. Nên mình vận động bà con cùng tham gia bảo vệ rừng với Nhà nước để đến đời con, đời cháu mình cũng có rừng mà sống sống nữa chứ”.
Đến nay, người làng Kon Von 2 đã nhận khoán quản lý, bảo vệ 500ha rừng thuộc lâm phần của KBTTN Kon Chư Răng. Cũng nhờ việc nhận khoán này mà bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tránh các tác động tiêu cực đến rừng trong đời sống sinh hoạt.
Cũng chính vì diện tích rộng lớn của khu KBTTN nên công tác liểm tra, quản lý của đội ngũ CB khu KBTTN càng khó khăn, khi mà số lượng nhân viên làm công tác bảo vệ rừng bình quân chỉ có 15 người/năm, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của khu KBTTN.
Đây cũng là một vấn đề khiến BQL khu KBTTN băn khoăn, bởi theo theo ông Trịnh Viết Ty - GĐ KBTTN: “Việc tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tại gốc là việc quan trọng và có tính chiến lược, vậy nhưng mỗi lần cần tăng cường lực lượng, thì lại không xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương mà cứ tăng cường lực lương Kiểm lâm cơ động ngoài trạm kiểm soát thay vì tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tại gốc.
Điều này khiến cho lực lượng bảo vệ rừng tại gốc vừa mỏng mà lại kiêm nhiệm rất nhiều việc vất vả, nhất là trong công tác dân vận. Đấy là chưa kể đến việc, mỗi khi thiếu người BQL khu KBTTN đã mạnh dạn hợp đồng thêm cán bộ bảo vệ rừng là người dân vùng đệm, nhưng với mức lương từ 2,7-2,8tr/NV thì vẫn chưa thể giúp các NV HĐ yên tâm làm việc”.
Hiện nay, KBTTN Kon Chư Răng được nhiều bạn trẻ mê du lịch khám phá tìm đến, BQL khu KBTTN đã cố gắng tạo điều kiện thêm cho các NV HĐ được nhận thêm việc hướng dẫn các đoàn khách du lịch để có thêm thu nhập.
Nhưng với địa hình khó khăn, thu nhập thấp, khó lòng có thể là kế sách lâu dài cho người dân nơi vùng đệm an tâm định canh, định cư. Chính vì thế, BQL khu KBTTN Kon Chư Răng đang muốn hướng đến loại hình du lịch Phát triển du lịch xanh để hướng người dân vùng đệm vừa có thêm thu nhập, lại vừa yên tâm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình.
Anh Đinh Văn Bạc ( Xã Sơn Lang, Kbang) tâm sự: “Có du lịch về, khách tới, làng đông và vui hơn, mình cũng có thêm việc như dẫn người đi rừng, đi thác. Nếu khách muốn, thì sẽ có uống rượu cần, đánh chiêng, rồi xoang nữa, vui lắm”.
Chị Nhàng (Kbang – Gia Lai), là chủ nhân đầu tiên của homestay ở Kon Chư Răng, chị từng là nhân viên của KBTTN, công việc chính là bảo vệ rừng, dẫn các đoàn khách đi tham quan. Với mức lương của nhân viên hợp đồng chưa đến 3 triệu đồng/tháng không đủ để níu Nhàng gắn bó lâu hơn với công việc.
Được chính quyền xã hướng dẫn, Nhàng đã mạnh dạn mua lại mảnh vườn gần Khu Bảo tồn để đầu tư làm homestay. Ngoài 4 ngôi nhà sàn nhỏ do Nhàng tự làm, xã còn xây dựng một ngôi nhà rông trị giá 600 triệu giao cho mẹ con Nhàng trông coi, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ vì chưa quen với công việc kinh doanh, nhưng Nhàng vẫn rất vui vẻ vì đã có thêm hướng đi mới cho mình và gia đình.
Chị mong muốn sẽ ngày càng có nhiều du khách tìm đến với KBTTN để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng và cũng từ đó góp phần quảng bá thêm văn hóa của người Bahnar đến với du khách khắp nơi.