| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Thứ Ba 05/11/2024 , 14:56 (GMT+7)

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại đang được khuyến khích ở Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.

Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại đang được khuyến khích ở Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.

Hơn 420 cơ sở chăn nuôi cần phải di đời

Theo thống kê, tỉnh Kon Tum có tổng đàn gia súc hơn 303.000 con, trong đó đàn trâu có trên 24.700 con, đàn bò 93.000 con, đàn heo 185.000 con. Tổng đàn gia cầm hơn 2.000.000 con.

Trên thực tế, ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ và chủ yếu tận dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi. Đặc biệt, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư vẫn khá phổ biến. Do không có hệ thống xử lý chất thải nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trước tình hình đó, năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi  trên địa bàn tỉnh

Theo nghị quyết, đến hết ngày 31/12/2024, các cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định. Các cơ sở chăn nuôi khi chấm dứt hoạt động hoặc di dời sẽ được hỗ trợ kinh phí tùy theo quy mô, số lượng vật nuôi. Đồng thời, người dân được hỗ trợ ổn định đời sống.

Các cơ sở chăn nuôi đang được khuyến khích di dời xa khu dân cư. Ảnh: Tuấn Anh.

Các cơ sở chăn nuôi đang được khuyến khích di dời xa khu dân cư. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Ưng Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã tham mưu Sở NN-PTNT ban hành văn bản về việc rà soát thống kê và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Đồng thời, triển khai các giải pháp đưa các cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ ra khỏi những khu vực không được phép.

Đến nay, đã có 7 địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê, tổng hợp danh sách các cơ sở, trang trại, hộ gia đình chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi và có nhu cầu di dời. Theo đó, hơn 420 cơ sở nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, thuộc diện phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động.

Khó khăn trong di dời

Việc triển khai thực hiện vấn đề này trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm và gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khi di dời không có quỹ đất, thiếu kinh phí để xây dựng lại chuồng trại. Mặt khác, nhiều địa phương chưa bố trí được quỹ đất quy hoạch chăn nuôi tập trung để đưa các cơ sở chăn nuôi vào khu quy hoạch.

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) được xem là thiên đường du lịch của tỉnh Kon Tum. Việc di chuyển các hộ chăn nuôi ra khỏi khu khu dân cư là việc làm cần thiết để xây dựng đô thị văn minh, phát triển du lịch.

Do đó, thời gian qua UBND thị trấn Măng Đen rất quyết liệt trong việc vận động người dân hạn chế tối đa việc chăn nuôi trong khu dân cư, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát.

Phát triển chăn nuôi ưu tiên bảo vệ môi trường. Ảnh: Tuấn Anh.

Phát triển chăn nuôi ưu tiên bảo vệ môi trường. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Đặng Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) cho biết, ngay khi có nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, địa phương đã vận động người dân di dời cơ sở chân nuôi ra khỏi khu dân cự hoặc dừng hoạt động. Hiện tại, trên thị trấn không còn cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động.

“Ngày trước, những hộ gia đình chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường cũng đã được vận động đưa ra khỏi khu dân cư và dừng hoạt động để chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Ưng Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, việc vận động các cơ sở chăn nuôi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi gặp khó khăn vì một số hộ dân không có quỹ đất để di dời và khó chuyển đổi ngành nghề khác do hết tuổi lao động.

Về giải pháp trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người dân và chủ động thực hiện việc di dời có hiệu quả. Đồng thời, đơn vị sẽ tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư theo tình hình thực tế tại địa phương.

Mặt khác, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ gắn với xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tăng cường thanh kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.