| Hotline: 0983.970.780

Ngành điều Việt Nam giữa đại dịch Covid-19:

[Kỳ 2] - Ngành điều đoàn kết, hướng tới tương lai

Thứ Bảy 21/08/2021 , 09:48 (GMT+7)

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch VINACAS kêu gọi các doanh nghiệp ngành điều đoàn kết, cùng Chính phủ tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn dịch Covid-19, hướng tới tương lai...

Tập trung nguồn lực chống dịch

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch VINACAS. Ảnh: NNVN.

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch VINACAS. Ảnh: NNVN.

“Hiệp hội kêu gọi doanh nghiệp “đồng cam cộng khổ” để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bởi hạt điều Việt Nam đã khẳng định được uy tín với châu Âu, với Mỹ, sau khi dịch tại Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung được kiểm soát sẽ mở ra nhiều cơ hội để ngành điều phát triển.

Việc cần làm lúc này là cùng Chính phủ tập trung mọi nguồn lực ngăn chặn dịch Covid-19 để sớm trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới”, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) kêu gọi.

Các doanh nghiệp ngành điều duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: CTV.

Các doanh nghiệp ngành điều duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: CTV.

Hiện ngành điều Việt Nam chiếm trên 80% sản lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới, trong đó 1/3 là xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhiều nhà chế biến của ngành điều Việt Nam là đối tác lớn của  ngành thực phẩm Mỹ.

Trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng hạt điều từ Việt Nam, ngày 4/8/2021, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Mỹ (AFI) đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đề nghị ưu tiên phân phối vacxin tới lực lượng lao động, công nhân sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Việt Nam, đặc biệt là ngành điều.

VINACAS cũng đã có công văn khẩn chuyển nội dung nói trên đến Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, VINACAS kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành liên quan xem xét, cho phép người lao động của các hội viên thuộc VINACAS và các doanh nghiệp ngành điều được ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19.

Ngày 16/3/2021, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm, kiểm tra tình hình hoạt động các doanh nghiệp ngành điều tại Bình Phước. Ảnh: Anh Ngọc.

Ngày 16/3/2021, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm, kiểm tra tình hình hoạt động các doanh nghiệp ngành điều tại Bình Phước. Ảnh: Anh Ngọc.

Tương tự, ngày 18/8/2021, Tổ chức FRUCOM đại diện cho khoảng 250 công ty châu Âu nhập khẩu thực phẩm chế biến, bao gồm hạt điều cũng đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề nghị: “Ngành điều cần được hỗ trợ khẩn cấp bằng việc tiêm phòng nhằm giữ cho chuỗi cung ứng tiếp tục hoạt động, đặc biệt ở phía Nam... Lĩnh vực này cung cấp thực phẩm cho người dân, tạo thu nhập về thuế cho Nhà nước, cũng như duy trì việc làm liên quan đến chế biến, thương mại trong và ngoài nước, và theo quan điểm của chúng tôi, nó nên được coi là một lĩnh vực ưu tiên” (trích thư).

Để góp phần cho ngành điều tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức khó khăn, VINACAS đang xúc tiến xây dựng để kiến nghị với Chính phủ “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới”.

“Trong đó, VINACAS đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới và giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. Cùng với đó là phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả, tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến”, ông Phạm Văn Công chia sẻ.

Về lâu dài, phải tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Một Hội nghị điều quốc tế do VINACAS tổ chức, thu hút hàng trăm doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Ảnh: NNVN.

Một Hội nghị điều quốc tế do VINACAS tổ chức, thu hút hàng trăm doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Ảnh: NNVN.

Theo VINACAS, hiện nay, Việt Nam có đến hàng nghìn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nên mức độ cạnh tranh giá từ mua đến bán đều rất gay gắt. Ngoài việc cạnh tranh trong nước, doanh nghiệp còn cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ và các nước châu Phi.

Theo VINACAS, giải bài toán giá trị ngành điều, nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu là vấn đề toàn ngành điều mong mỏi. Đây cũng chính là góp phần nâng cao giá trị một trong 9 mặt hàng chủ chốt của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Một triển lãm về máy móc chế biến điều do VINACAS tổ chức. Ảnh: NNVN.

Một triển lãm về máy móc chế biến điều do VINACAS tổ chức. Ảnh: NNVN.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS cho biết, trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điều nhân sơ chế với giá 10 USD/kg, trong khi điều nhân thành phẩm được bán ở các thị trường quốc tế có giá 30 USD/kg. Các nhà máy chế biến sâu điều Việt Nam hiện nay chỉ chiếm từ 12 - 15% công suất nhân điều sơ chế. Như vậy, Việt Nam hiện chỉ đang chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều. Giá trị còn lại thuộc các nhà phân phối, rang chiên quốc tế.

Sản phẩm điều chế biến sâu đang dần được doanh nghiệp quan tâm phát triển. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm điều chế biến sâu đang dần được doanh nghiệp quan tâm phát triển. Ảnh: Trần Trung.

Để có thể nâng cao chuỗi giá trị ngành điều, tận dụng nguồn lực công nghệ sơ chế hiện nay, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư cho công nghệ chế biến nhân điều, đổi mới thiết bị để nâng sản phẩm chế biến sâu lên hơn 30% nhằm nâng cao vị thế xuất khẩu, mang lại giá trị lớn hơn cho ngành điều Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam vừa đầu tư công nghệ sơ chế nhân điều, tạo chất lượng điều nhân tốt hơn, vừa đầu tư công nghệ chế biến sâu hạt điều, tạo thành phẩm cuối cùng của hạt điều trong chế biến sâu. Có như vậy ngành điều Việt Nam mới tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên trong một nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong một nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Văn Công dẫn chứng, Bình Phước thủ phủ điều của Việt Nam, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, cùng với ngành điều Việt Nam, Bình Phước vẫn tồn tại nghịch lý: xuất khẩu nhiều, nhập khẩu cũng nhiều nhưng giá trị không cao. Hai năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại địa phương đã chuyển hướng, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng cao hơn, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Theo ông Phạm Văn Công, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất chế biến điều đã giải quyết được các vấn đề khó khăn về môi trường, lao động, kiểm soát chất lượng sản phẩm của ngành điều trong nhiều năm qua. Qua đó, ngành điều Việt Nam dù xuất phát muộn nhưng đã nhanh chóng tạo được thương hiệu và vị thế trên thị trường điều toàn cầu.

Các sản phẩm hạt điều chế biến sâu của doanh nghiệp Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm hạt điều chế biến sâu của doanh nghiệp Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, bên cạnh thành công, cũng phải nhìn nhận, đánh giá lại những hạn chế và thách thức của ngành, bởi đa số các nhà máy chế biến điều Việt Nam đều được cơ giới hóa nhưng mức độ cơ giới hóa chưa được đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Các công đoạn sử dụng nhiều nhân công như cắt tách vỏ cứng, bóc vỏ lụa, phân loại đều đã được cơ giới hóa nhưng chưa được tự động hóa hoàn toàn trong chu trình chế biến...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 273,54 nghìn tấn, trị giá 1,65 tỷ USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo kế hoạch của VINACAS, năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành điều sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu “giữ lượng, tăng chất, tăng giá” trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Cụ thể, năm 2021 ngành điều phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 3,6 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2020.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...